Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

BÀI VIẾT


ĐỨC TGM LEOPOLDO GIRELLI THĂM TỈNH TIỀN GIANG
Ngày 12.07.2012

Đức TGM thăm chính quyền tỉnh Tiền Giang và gặp gỡ Giới Trẻ GP. tại Gx. Ba Giồng
Sau 2 ngày thăm viếng tỉnh Long An và Đồng Tháp, ngày 12.07.2012 Đức Tổng Giám Mục (TGM)  Leopoldo Girelli, Đại Diện Tòa thánh không thường trú tại Việt Nam viếng thăm Tỉnh Tiền Giang thuộc Giáo phận Mỹ Tho. Đây cũng là ngày cuối cùng trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Giáo phận Mỹ Tho.
Vào lúc 8g00, Đức TGM, Đức Cha Phaolô, Cha Tổng Đại Diện, Cha Giuse Phạm Thanh Minh đến Văn Phòng UBND tỉnh Tiền Giang để thăm chính quyền. Sau đó phái đoàn trở về Tòa Giám mục. Đúng 9g20 sáng, đoàn xe chở Đức TGM xuất phát từ Tòa Giám Mục bao gồm Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc-Giám Mục Giáo Phận Mỹ Tho, Cha Tổng Đại Diện Phaolô Trần Kỳ Minh, Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài-Phiên dịch cho Đức TGM, Cha Hạt Trưởng Hạt Mỹ Tho Giuse Phạm Thanh Minh, Cha Trưởng Ban Truyền Thông Giáo Phận Giuse Nguyễn Tuấn Hải, Cha Thư ký Tòa Giám Mục Phêrô Phạm Bá Đương trực chỉ Giáo xứ Ba Giồng, Hạt Cái Bè, Giáo phận Mỹ Tho. Tại đây, theo chương trình, Đức TGM sẽ gặp gỡ với giới trẻ toàn Giáo phận Mỹ Tho.
Giới trẻ trong Giáo phận đã tụ họp về sân Giáo xứ Ba Giồng từ rất sớm để có thể gặp gỡ và lắng nghe những huấn từ của Đức TGM. Sau khi ổn định trật tự, chương trình sinh hoạt của Ban Mục Vụ Giới trẻ đã được khởi động lúc 8g30. Các Linh Hoạt viên trong Ban Tổ chức luân phiên tập hát và hướng dẫn những động tác băng reo cho các bạn trẻ. Các bài hát, điệu múa này sẽ được sử dụng trong buổi sinh hoạt gặp gỡ với Đức TGM. Số bạn trẻ tham dự buổi gặp mặt vào khoảng 1.500 người.
Lúc 9g35, khi đoàn xe chạy vào lối rẻ của nhà thờ, các bạn trẻ đã xếp thành 2 hàng dài tay cầm lá cờ vàng trắng của Tòa thánh giơ cao, reo hò chào đón Đức TGM. Tại lối vào cổng nhà thờ đã có Cha Đặc trách Giới Trẻ GB. Nguyễn Tấn Sang và Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ Ba Giồng chờ đón Đức TGM. Sau khi xuống xe, Đức TGM, Đức Cha và quý cha đi thẳng vào nhà thờ để chầu Chúa. Sau 10 phút chầu Chúa, phái đoàn lại được hướng dẫn ra khán đài. Khán đài được trang trí rất đẹp với tượng thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu ở giữa, bên trái là thánh giá với 3 cây cột bằng cẩm thạch với ngọn lửa ở đỉnh được xếp theo chiều hướng đi lên, tượng trưng cho sự phát triển của Giáo Hội theo từng cột mốc thời gian. Bên phải là tượng các Thánh tử đạo Việt Nam với câu nói bất hủ của Cha Thánh Phêrô Lựu.
Hai thiếu nữ trong trang phục truyền thống-áo dài khăn vấn- màu đỏ tiến lên khán đài và đeo vào cổ cho Đức TGM và Đức Cha hai vòng hoa tươi thắm để chúc mừng. Sau đó, các ngài được mời vào hàng ghế danh dự để xem chương trình sinh hoạt của Giới trẻ Giáo phận.
Bắt đầu chương trình sinh hoạt, là tiết mục trống kéo dài 10 phút của đội trống Dòng Nữ Tu Thánh PhaoLô Mỹ Tho. Kế tiếp là đội kèn của Giáo xứ Fatima, với sự điều khiển của Cha Henry Nguyễn Văn Ký, hòa tấu bản Tiếng nhạc oai hùng của nhạc sĩ Hải Linh. Tiếp theo là phần Diễn nguyện của Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho mô tả về Cuộc đời Thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu (1812-1861). Vị thánh này là một mục tử đã hy sinh vì đoàn chiên mà Chúa giao phó với câu nói bất hủ: “Đạo đã thấm nhập vào trong xương tủy, tôi làm sao bỏ được”. Tiếp theo, Ca Đoàn Nữ Vương Hòa Bình hợp xướng hùng hồn bản “Những giọt máu đào”ngợi khen các thánh tử đạo Việt Nam.
Sau đó, Đức TGM và Đức Cha tiến lên khán đài để ban huấn từ cho cộng đoàn. Tiếp theo giới trẻ của Giáo phận giao lưu với Đức TGM. Những thao thức về niềm tin, cách sống và hoài bảo của giới trẻ trong thời đại hôm nay đã được ngài giải đáp thật tận tình. 
Cha Đặc trách Giới Trẻ đại diện cho giới trẻ giáo phận đọc lời tri ân về việc viếng thăm và ban huấn từ của Đức TGM. Bài cám ơn Đức TGM  của Cha Đặc trách được viết theo thể thơ, mỗi câu có 5 từ nói lên lòng tri ân của giới trẻ Giáo phận đối với Đức TGM. Cha cũng không quên cám ơn Đức Cha đã tạo điều kiện cho cuộc gặp gỡ này.
Buổi gặp gỡ diễn ra với sự tham dự đông đảo và nồng nhiệt của giới trẻ Giáo phận, cho thấy lòng yêu mến của người trẻ đối với Giáo Hội và vị Đại diện của Đức Thánh Cha tại Việt Nam. Mong rằng, buổi gặp gỡ mang lại những ích lợi trong đời sống thiêng liêng cho các bạn trẻ
Đức TGM viếng thăm Dòng Nữ tu Thánh Phaolô Tỉnh dòng Mỹ Tho
Cũng theo chương trình, vào lúc 15g 05 cùng ngày Đức TGM cùng đoàn tùy tùng đã viếng thăm mục vụ Dòng Nữ Tu Thánh PhaoLô Tỉnh Dòng Mỹ Tho (NTTPLMT). Tháp tùng trong chuyến thăm mục vụ nơi đây có Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Cha Phêrô Phạm Bá Đương, Cha Giuse Nguyễn Tuấn Hải và Cha Phaolô Phạm Đăng Thiện. Những hạt mưa bắt đầu rơi khi phái đoàn xuống xe ở cổng chào, Sơ Giám Tỉnh Augustin Trần Thị Phụng và 2 sơ đến trao vòng hoa chào mừng cho Đức TGM, Đức Cha; sau đó hướng dẫn mọi người lên Hội trường giữa 2 hàng người danh dự. 
Trên Hội trường rất đông các sơ, các khấn sinh, các tập tu và một ít quan khách tề tựu tại đây. Đức TGM và Đức Cha tiến lên bàn thờ để quỳ chầu Chúa trong lúc cộng đoàn kính cẩn hát bài “Thờ Lạy Chúa” và “Này con là Đá”. Tiếp đó, 2 sơ kéo một tấm bảng che phần gian thánh để thuận tiện buổi gặp gỡ. Tấm phông trang trí có hình cờ của Tòa thánh ở giữa để tỏ lòng yêu mến Đức Thánh Cha, và huy hiệu của Tỉnh Dòng nhỏ hơn bên trái. Trên bàn chủ tọa đoàn có Đức TGM, Đức Cha và Đức Ông. Và với câu chào đầu tiên bằng tiếng Việt, Đức TGM đã chiếm được nhiều cảm tình của cử tọa.
Đầu chương trình, một sơ đọc lời chào mừng và sau đó mọi người đồng thanh hát bài “Viva la Vida” bằng Pháp ngữ để chào Đức TGM. Một vũ điệu múa lụa và quạt thật đẹp đã tạo không khí vui tươi cho buổi gặp mặt. Tiếp đến là bài phát biểu bằng tiếng Pháp của Sơ Giám tỉnh với sự phiên dịch của Sơ Agnes.Trong bài này, Sơ Giám tỉnh giới thiệu tóm tắt về tình hình nhân sự và hoạt động của Tỉnh Dòng.
Để biểu lộ tấm chân tình, lòng quý mến và sự biết ơn, sau bài phát biểu của Sơ Giám Tỉnh,quí sơ dâng lên Đức TGM và Đức Cha Phaolô một giỏ hoa và những món quà lưu niệm. Đáp từ, Đức TGM cảm ơn sự đón tiếp niềm nở và ghi nhận tấm chân tình của quý sơ. Khi ban huấn từ, ngài đã lấy hình ảnh đồng nhất của vòng hoa để gợi lên hình ảnh hiệp nhất trong Tỉnh Dòng.
Trong phần giao lưu, quý Sơ cũng đã nêu lên những băn khoăn trong việc sa sút ơn gọi tu trì trong giới trẻ khi xã hội ngày càng bị tục hóa. Để trả lời cho thắc mắc này, Đức TGM đã khuyên quý Sơ hãy sống vui vẻ trong đời tu của mình để làm câu trả lời và nêu gương cho giới trẻ. Ngài cũng khuyên quý Sơ hãy canh tân đời sống và truyền giáo trong môi trường xung quanh của mình.
Sau đó, cộng đoàn hát bài ca ngợi Mẹ Maria, đọc kinh lạy cha và Đức Tổng GM ban phép lành Tòa thánh cho mọi người.
Buổi gặp kết thúc vào lúc 16g00, Đức TGM và đoàn tùy tùng quay về Nhà thờ Chánh Tòa để gặp gỡ Linh mục đoàn của Giáo Phận
Đức TGM gặp gở Linh mục đoàn của Giáo phận
Thêm chú thích
Đến 16g00 cùng ngày đoàn xe chở Đức TGM Leopoldo Girelli đến trước nhà xứ của Giáo xứ Chánh Tòa Mỹ Tho. Đón ngài tại đây có Cha Giacôbê Hà Văn Xung–Cha sở Giáo xứ Chánh Tòa. Tại Hội trường đã có khoảng 100 linh mục và 40 chủng sinh đang chờ đón ngài. Khi Đức TGM tiến vào hội trường, Cha Louis Huỳnh Thanh Tân trao tặng một vòng hoa, trong lúc các cha hát vang bài “Gặp gỡ Đức Kitô” để chào đón ngài.
Đức Cha đã giới thiệu linh mục đoàn với Đức TGM. Sau đó, Cha Tổng Đại Diện đọc bài chào mừng Đức TGM. Cha cảm ơn Đức TGM dù rất mệt nhọc sau chuyến viếng thăm mục vụ vẫn dành chút thời gian gặp gỡ linh mục đoàn của Giáo phận. Trong phần ban huấn từ, Đức TGM nhắc lại các căn tính của linh mục là: 1/ Là thầy dạy; 2/ Tư tế của Thiên Chúa; 3/ Lãnh đạo dân Chúa.
Trong phần giao lưu, Cha Louis Tân ước muốn Đức TGM chia sẻ một số kinh nghiệm về việc chuẩn bị bài giảng. Ngài trả lời rằng, muốn có một bài giảng tốt cần suy nghĩ và học hỏi Lời Chúa, và phải phân bài giảng thành các điểm chính. Cha Philip Lộc cũng muốn biết xem Internet có thực cần cho linh mục hay không? Đức TGM cho biết linh mục cần sáng suốt trong khi sử dụng, thì internet rất cần trong khi thi hành mục vụ. Một chủng sinh mong Đức TGM giải đáp và chỉ cách phòng ngừa các cám dỗ trong đời sống linh mục là: tình cảm, quyền lực và tiền bạc. Ngài vui vẻ chỉ ra rằng: Đối với tình cảm hãy “nhắm mắt”; Đối với quyền lực hãy “mở mắt và ngậm miệng”; và đối với tiền bạc hãy “chấp tay lại”. Sau đó ngài giải thích vì sao phải làm vậy theo một cách nói thật là dí dỏm.
Trước khi kết thúc buổi gặp mặt, một lần nữa Cha TĐD thay mặt linh mục đoàn cám ơn Đức TGM đã nhắc nhở những điều thật là cần thiết cho các linh mục. Cha cũng mong rằng trong tương lai Đức TGM sẽ là vị Khâm Sứ đầu tiên của Việt Nam. Kết thúc buổi gặp vào lúc 17g20, mọi người hát bài “Pour la fête d’un Supérieur”
Đức TGM cùng các cha trở về Tòa Giám mục nghĩ ngơi để chuẩn bị cho thánh lễ vào lúc 17g45 tại Nhà thờ Chánh Tòa.
Hoài Bão
Ban Truyền Thông GP. Mỹ Tho

BÀI VIẾT


ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC LEOPOLDO GIRELLI THĂM
VÀ CHỦ TẾ THÁNH LỄ TẠI NHÀ THỜ TÂN AN
Ngày 10.07.2012

Vào ngày 13.01.2011 Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục (TGM) Leopoldo Girelli làm Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam. Từ đó đến nay, Đức TGM đã thực hiện nhiều chuyến viếng thăm mục vụ tại các giáo phận trên khắp đất nước Việt Nam. Và vào 17g20 ngày 09.07.2012 Đức TGM đã đến Giáo phận Mỹ Tho để thực hiện chuyến Viếng thăm Mục vụ Giáo Phận trong 3 ngày. Ngày 10.07.2012 là ngày đầu tiên trong chương trình viếng thăm mục vụ của Đức TGM tại tỉnh Long An.

Đúng 8g30, xe của phái đoàn bắt đầu xuất phát từ Tòa Giám mục Mỹ Tho trong tiết trời buổi sáng rất đẹp và ánh nắng chan hòa khắp nơi. Cùng đi với Đức TGM có Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho, Cha Tổng Đại Diện Phaolô Trần Kỳ Minh, Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài, Cha Trưởng Ban Truyền Thông Giuse Nguyễn Tuấn Hải, Cha Trưởng Ban Phụng tự Phêrô Lê Tấn Bảo, và Cha Thư Ký Tòa Giám mục Phêrô Phạm Bá Đương.
Tại nhà thờ Tân An, ngay từ sáng ngày 10 tháng 07 năm 2012, các linh mục, tu sĩ, chủng sinh, và giáo dân trong tỉnh Long An đã đến để chuẩn bị chào đón Đức Khâm Sứ Leopoldo Girelli – Vị đại diện Tòa thánh không thường trú tại Việt Nam. Đây là niềm vui lớn cho toàn Giáo phận nói chung; cách riêng cho các linh mục, tu sĩ, và giáo dân trong tỉnh. Từ khi nghe thông báo được Đức TGM Leopoldo Girelli đến viếng thăm, thì mọi người náo nức đợi chờ từng ngày. Và hôm nay, niềm trông đợi ấy đã đến, nên ngay từ sáng sớm đã có những đoàn xe từ các giáo xứ trong Giáo phận đến Giáo xứ Tân An, nơi mà mọi người sẽ gặp gỡ và lắng nghe Vị Đại Diện của Đức Thánh Cha nói chuyện và dâng Thánh lễ.
Tất cả linh mục, tu sĩ, và giáo dân cầm trong tay những quả bóng nhiều màu sắc và xếp hai hàng dọc hai bên từ ngoài cổng vào trước tiền đàng Nhà thờ. Mặc dù đứng dưới cái nắng nóng của mùa hè, nhưng không ai tỏ ra mệt nhọc; trái lại, trên gương mặt mỗi người đều rạng rỡ niềm vui và hy vọng. Mọi ánh mắt đều hướng về cổng chào để chờ đợi được tận mắt nhìn thấy Vị Đại Diện của Đức Thánh Cha.
Đến 9g00 xe chở Đức TGM Leopoldo Girelli đến trước cổng Nhà thờ Tân An. Đón chào Ngài có Cha Giuse Nguyễn Văn Nhạn – Cha Hạt trưởng Hạt Tân An, Cha Gioan Trần Phước Cương – Cha Hạt trưởng Hạt Đức Hòa và linh mục đoàn trong tỉnh Long An. Ngoài ra còn có các Dì thuộc Dòng Mến Thánh Giá Tân An, các Hội đoàn Công giáo và giáo dân của các giáo xứ trong tỉnh. Đức TGM vừa xuống xe trong tiếng vỗ tay vang rền thì có hai linh mục tiến đến đeo vòng hoa chào mừng cho Đức TGM và Đức Cha Phaolô. Đức TGM đi vào nhà thờ giữa hai hàng người chào đón nồng nhiệt với một rừng bong bóng đủ màu sắc được thả lên bầu trời trong xanh, những tràng pháo giấy nổ vang hòa quyện với tiếng kèn tây dồn dập như ngày hội lớn. Đức TGM vui mừng vừa đi vào nhà thờ vừa ban phép lành cho mọi người. Đức TGM và Đức Cha Phaolô cùng mọi người hiện diện tiến vào Nhà thờ để cầu nguyện trong một bầu khí trang nghiêm và sốt sắng của cộng đoàn.
Kế đến, Đức TGM Leopoldo Girelli gặp gỡ và nói chuyện với các linh mục, tu sĩ, và giáo dân trong tỉnh Long An. Mở đầu buổi gặp gỡ, Cha Giuse Nguyễn Văn Nhạn giới thiệu với cộng đoàn về Đức Khâm Sứ, Vị Đại Diện không thường trú của Đức Thánh Cha Bênêđictô đến thăm Việt Nam. Cha cũng giới thiệu với Đức TGM Leopoldo Girelli về sự hiện diện của các linh mục, tu sĩ nam nữ, đại diện giáo dân và các đoàn thể đến từ các giáo xứ trong tỉnh Long An. Tiếp theo, Cha có đôi lời giới thiệu về sơ lược về tình hình Giáo hội trong tỉnh Long An: Cộng đoàn dân Chúa trong tỉnh Long An gồm 2 Giáo hạt: Đức Hòa và Tân An với 33 linh mục, 36 ngàn giáo dân/ 1 triệu 4 trăm ngàn dân. Hiện nay cộng đoàn  dân Chúa trong tỉnh có các hội như: Legio Marie, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Phan Sinh Tại Thế, Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Mến Thánh Giá Tại Thế, Gia Trưởng, và Giới Trẻ.
Cha Giuse còn bày tỏ niềm vui khi được Đức TGM Leopoldo Girelli đến viếng thăm, mang Phép Lành Đức Thánh Cha đến cho cộng đoàn dân Chúa. Cha thay mặt cộng đoàn cám ơn Đức TGM, và cầu chúc ngài trong những ngày lưu lại Việt Nam được bình an, hạnh phúc, và nguyện ước cho sứ vụ của Đức TGM mang lại nhiều thành quả tốt đẹp.
Trong phần nói chuyện của Đức TGM Leopoldo Girelli, mặc dù có Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài phiên dịch, nhưng Đức TGM chào cộng đoàn bằng tiếng Việt đầy thân tình: “Xin chào anh chị em.” Tiếng ngài vừa dứt thì những tràng pháo tay giòn giã vang rền, vì họ nghe Đức TGM nói bằng tiếng mẹ đẻ của họ rất rõ ràng. Ngài bày tỏ niềm vui khi được gặp gỡ cộng đoàn. Ngài cũng nói rằng: “Sự hiện diện của tôi ở đây, Đức Thánh Cha (ĐTC) muốn như đích thân Ngài hiện diện ở đây với anh chị em. Cám ơn anh chị em đã đến đây đông đủ để chào đón tôi cũng như chào đón ĐTC. Điều đó nói lên sự hiệp thông của anh chị em với ĐTC và Giáo Hội”. Đức TGM cũng bày tỏ lòng biết ơn vì sự đón tiếp trọng thị của cộng đoàn. Ngài bảo đảm với cộng đoàn rằng: “Tôi sẽ cầu nguyện cho anh chị em và lưu giữ anh chị em trong trái tim tôi”.
Sau phần nói chuyện của Đức TGM Leopoldo Girelli thì mọi người nghỉ ngơi để chuẩn bị cho Thánh lễ sắp diễn ra. Thánh lễ bắt đầu vào lúc 10g00, sớm hơn 30 phút so với chương trình dự kiến. Đức TGM chủ sự Thánh lễ, đồng tế với ngài có Đức Cha Phaolô, Cha Tổng Đại Diện Phaolô, Đức Ông Phêrô, 2 Cha Hạt Trưởng và 36 Cha hầu hết ở trong tỉnh Long An. Tham dự thánh lễ có khoảng 2000 người gồm quý tu sĩ nam nữ và giáo dân trong tỉnh.
Mở đầu Thánh Lễ, Đức TGM làm dấu thánh giá và chào quý Cha, quý tu sĩ và cộng đoàn bằng Tiếng Việt. Đức Cha Phaolô mời gọi cộng đoàn sám hối và đọc lời nguyện nhập lễ.
Trong bài giảng lễ, Đức TGM Leopoldo Girelli nói đến ơn gọi người Mục tử luôn kết hiệp với Chúa Kitô để chăm sóc cho đoàn chiên Chúa như Đức Giêsu đã nêu gương, chú ý chăm sóc đến từng con chiên một. Người đã thiết lập Giáo Hội để mang ơn cứu độ cho mọi người, đặc biệt qua các bí tích. Ngài cũng nhắn nhủ cách riêng đến các linh mục: Đời sống của linh mục là để phục vụ anh chị em, nhất là những người nghèo và thực hành đức bác ái theo gương Đức Kitô. Kết thúc bài giảng, Đức TGM mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho các linh mục, nâng đỡ các ngài khi các ngài thi hành tác vụ của mình.
Sau đó thánh lễ diến tiến như thường lệ trong trang nghiêm và sốt sắng; nhưng đặc biệt, trong lời chào của Kinh Tiền Tụng và lời chào trước khi chúc bình an thì Đức TGM Leopoldo Girelli đọc bằng tiếng Việt. Các phần còn lại thì Đức Cha Phaolô cử hành.
Sau lời nguyện hiệp lễ, Cha Gioan Trần Phước Cương – Hạt Trưởng Hạt Đức Hòa, đã thay mặt cộng đoàn phụng vụ cám ơn Đức TGM. Để bày tỏ lòng biết ơn chân thành, cộng đoàn dân Chúa trong tỉnh Long An dâng lên Đức TGM những đóa hoa tươi và món quà kỷ niệm.
Trong phần đáp từ, Đức TGM cám ơn cộng đoàn và hứa sẽ giữ món quà như một dấu chỉ tình thương mà cộng đoàn dành cho Ngài. Trong tâm tình của Vị Mục Tử, Ngài đã nhắn nhủ cộng đoàn hãy yêu mến Thánh Giá và chuỗi Mân Côi, vì đó là dấu chỉ đức tin Kitô giáo. Thánh Giá biểu lộ sự chết chóc nhưng cũng là dấu chỉ sự Phục sinh của Chúa Kitô. Yêu mến Thánh Giá và yêu mến Đức Mẹ là hai dấu chỉ đặc biệt của người Kitô hữu. Đức TGM đã khẳng định: “Sứ mạng của tôi đến đây là củng cố đức tin của anh chị em.” Và nhân danh ĐTC, Ngài chúc lành cho mọi người hiện diện.
Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ 00 phút. Cầu chúc tất cả mọi người tham dự Thánh Lễ hôm nay tìm được niềm vui, thêm lòng tin và yêu mến Chúa hơn. Nguyện xin ơn lành của Thiên Chúa hằng ở cùng Đức TGM Leopoldo Girelli luôn mãi, để qua ngài tình yêu Chúa luôn được nhiều người đón nhận.
Sau Thánh lễ, Đức TGM rất khó khăn khi quay trở lại Nhà Xứ vì có nhiều giáo dân vây quanh Ngài, do lòng yêu mến và kính trọng Vị Đại Diện của ĐTC nên họ đã dùng mọi cách để được chụp hình chung, hôn tay hoặc chạm vào Ngài. Dù bị đám đông vây quanh như vậy, nhưng trên môi Đức TGM vẫn luôn nở nụ cười tươi. Đoạn đường từ tiền đàng Nhà thờ đến Nhà Xứ chưa tới 100m, nhưng phải mất gần 20 phút với sự trợ giúp của Cha Hạt Trưởng, thì Đức TGM mới thoát khỏi những người ái mộ. Sau khi thay áo lễ xong, Ngài lại tươi cười tiếp tục đứng để chụp hình lưu niệm với những người hâm mộ.
Sau buổi cơm trưa thân tình cùng linh mục đoàn của tỉnh Long An, Đức TGM Leopoldo Girelli không quản mệt nhọc khi ngỏ ý muốn thăm một số giáo xứ lân cận trong tỉnh. Do vậy, vào lúc 13g00, Đức TGM cùng đoàn tùy tùng đến viếng thăm mục vụ Giáo xứ Bến Lức, cách nhà thờ Tân An khoảng 13km. Giáo xứ này nằm ven Quốc lộ 1, Cha sở của Giáo xứ là Cha Gioan Trần Phước Cương – Hạt trưởng Hạt Đức Hòa. Xe đến nơi vào lúc 13g30, Đức TGM Leopoldo Girelli đi vào nhà thờ cầu nguyện và chụp hình lưu niệm với quí Cha, quí Dì, vào Nhà xứ hỏi thăm mục vụ Cha sở và Cha phó Gabriel Nguyễn Tấn Di. Sau đó, Ngài xướng Kinh Lạy Cha và ban phép lành bằng tiếng Việt cho những người hiện diện. Điều này làm cho mọi người có một cảm giác thật gần gũi vì được nghe ngài ban phép lành Tòa thánh bằng tiếng mẹ đẻ. Ngài còn viếng thăm nhà ở của quí Dì Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và ban phép lành cho quí Dì đang phục vụ tại Giáo xứ.
Rời Giáo xứ Bến Lức lúc 14g20, Đức TGM Leopoldo Girelli và phái đoàn đến Nhà thờ Bình Quân cách nhà thờ Tân An khoảng 2km. Cha Sở Đaminh Lê Minh Cảnh và một thành viên trong Ban Mục Vụ đã ra chào đón Đức TGM. Sau khi cầu nguyện, thăm hỏi mục vụ thì Đức TGM ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người. Buổi viếng thăm kết thúc lúc 14g50. Đức TGM ra xe để viếng thăm mục vụ Dòng Mến Thánh Giá Tân An theo lịch hẹn 15g00.
Têrêsa Mai An + Anna Mộng Huyền + Hoài Bão
Ban Truyền Thông GP. Mỹ Tho

BÀI VIẾT


GIÁO PHẬN MỸ THO MỪNG ĐÓN SỨ THẦN TÒA THÁNH
ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC LEOPOLDO GIRELLI
09.07.2012

Đầu giờ chiều ngày 09.07.2012, Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho – hướng dẫn phái đoàn Giáo phận Mỹ Tho đi đón Đức Tổng Giám mục (TGM) Leopoldo Girelli là Sứ Thần Tòa Thánh tại Singapore, kiêm Khâm Sứ Tòa Thánh tại Malaysia và Brunei, và làm Đại Diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam. Đây là lần thứ 6 Đức TGM Leopoldo Girelli viếng thăm Giáo hội Việt Nam và là lần thứ 2 Ngài đến Giáo Phận Mỹ Tho. Ngài vừa tham dự Khóa Bồi Dưỡng Các Nhà Đào Tạo Linh Mục tại Đà Lạt về đến Sài Gòn vào buổi sáng. Theo chương trình đã định, Đức TGM sẽ viếng thăm mục vụ Giáo Phận Mỹ Tho 3 ngày 10,11 và 12.07.2012, nên chiều ngày 09.07.2012, phái đoàn Mỹ Tho đi đón Ngài về. Tháp tùng với Đức Cha Phaolô có Cha Tổng Đại Diện Phaolô Trần Kỳ Minh, Cha Đặc trách ngoại vụ Giuse Phạm Thanh Minh – Hạt Trưởng Hạt Mỹ Tho, Cha Trưởng Ban Truyền Thông Giuse Nguyễn Tuấn Hải, Cha Thư ký Tòa Giám mục Phêrô Phạm Bá Đương .
Đúng 13g50, đoàn xe rời Tòa Giám mục Mỹ Tho tiến ra Quốc lộ 1A để trực chỉ hướng Sài Gòn. Địa điểm đã được hẹn trước để đón Đức Khâm Sứ Leopoldo Girelli là Trung Tâm Mục Vụ TGP. TP.HCM, số 6bis Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM. Đến 15g35, phái đoàn Mỹ Tho đã đến nơi, những hình ảnh đầu tiên thật ấn tượng và xúc động khi hai bên gặp nhau tay bắt mặt mừng, những nụ cười thật tươi cùng những câu chào hỏi ân cần. Khi đưa tiễn Đức Khâm Sứ ra xe có Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Cha Giuse Vũ Hữu Hiền – Trưởng Ban Truyền Thông GP. TP.HCM. Phái đoàn Mỹ Tho đón Đức Khâm Sứ ra xe trong lúc trời vẫn đang mưa nên có Cha che dù cho Ngài. Đoàn xe rời Trung Tâm Mục Vụ vào lúc 15g50. Trên đường về lại Mỹ Tho thì trời vẫn mưa rải rác vài nơi; đặc biệt khi di chuyển ở đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương thì trời mưa rất to, có lúc hơi nước mù mịt như sương dầy đặc phía trước.
Vào lúc 17g20 ngày 09.07.2012, Đức TGM Leopoldo Girelli, vị Đại Diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam, đã đặt chân đến trước cổng Tòa Giám Mục Mỹ Tho. Dù thời tiết trong mùa mưa trước giờ đến của Đức TGM không thuận tiện cho lắm, những cơn mưa lúc to lúc nhỏ không ngừng rơi; nhưng vào lúc 16g00, tại sân Tòa Giám Mục Mỹ Tho, trước Lễ Đài Đức Mẹ đã có khoảng 300 giáo dân quần áo chỉnh tề, họ cầm những lá cờ của Tòa Thánh với 2 màu vàng  trắng trong tay chịu dầm mưa mà trong lòng nao nức chờ đón Đức TGM. Họ là giáo dân của Giáo xứ Chánh Tòa và những giáo xứ lân cận trong thành phố Mỹ Tho. Ngoài giáo dân còn có một số linh mục của Giáo phận Mỹ Tho và các Sơ Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho. Tất cả mọi người đến không chỉ để đón tiếp một vị thượng khách, nhưng còn là đón tiếp vị đại diện của Đức Thánh Cha mà họ hết lòng yêu mến.
Xuống xe ở cổng Tòa Giám Mục, Đức TGM Leopoldo Girelli đi giữa hai hàng người danh dự đang vẫy cờ lẫn vỗ tay reo mừng trong tiếng trống chào mừng dồn dập của Đội Trống Dòng Nữ Tu Thánh Phaolô. Dừng lại một chút trước thềm Tòa Giám mục, Ngài giơ tay chào trong tiếng reo hò vang dội của cộng đoàn dân Chúa. Tại Phòng Khách của Tòa Giám Mục cũng có nhiều Sơ Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho và đông giáo dân đang chờ gặp chào đón Ngài; vừa thấy Ngài xuất hiện ở cửa vào Phòng Khách thì mọi người đã vẫy cờ reo hò và ca hát vang lừng để chào mừng.
Chờ cho những phút giây dâng trào cảm xúc của mọi người lắng đọng một chút, Đức Cha Phaolô đã thay mặt cho Giáo phận thân ái kính chào Đức TGM Leopoldo Girelli, và bày tỏ niềm vui sướng được Đức TGM đến thăm; đặc biệt lần này Đức TGM có dịp ở lại Giáo phận lâu hơn lần trước. Đức TGM đã biết trước về tình hình Giáo phận qua các báo cáo được gởi tới trước cho Đức TGM, nhưng những ngày sắp tới Đức TGM có dịp thăm viếng thực tế từng nơi ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp và Tiền Giang.
Ngoài ra, Đức Cha Phaolô cũng nói lên một vài cảm tưởng với Đức TGM Leopoldo Girelli. Đức Cha Phaolô cho rằng, sự hiện diện của Đức TGM cũng là dịp để toàn thể Dân Chúa của Giáo phận tuyên xưng lại niềm tin vào Thiên Chúa và vào Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Dân Chúa của Giáo phận yêu mến Chúa Giêsu, Mẹ Maria, thánh Giuse, các thánh, yêu mến Giáo hội và yêu mến Đức Giáo Hoàng.
Đáp từ bằng tiếng Việt khá rõ, Đức TGM đã chào các thành phần dân Chúa đang hiện diện trong Phòng khách của Tòa Giám mục. Những tràng vỗ tay lại nổ ra sau mỗi lời chào của ngài. Sau đó, qua sự phiên dịch của Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài, Đức TGM cám ơn Đức Cha đã có những lời chào chúc hết sức thân tình đối với ngài. Đức TGM cám ơn Đức Cha đến tận TP.HCM đón Ngài. Ngài cảm thấy như đang ở nhà vậy, cảm thấy ở đây như là Vatican nhỏ của Ngài vậy. Đức TGM nói thêm rằng, ngài mang đến lời chào chúc, phép lành và sự chăm sóc của Đức Thánh Cha đối với anh chị em trong Giáo phận. Ngài cho biết con người của Ngài hiện diện để củng cố đức tin của anh chị em vào Chúa Giêsu Kitô. Ngài cũng nhắc đến sự xây dựng cuộc đời của người tín hữu qua 3 hình ảnh: Bí tích Thánh thể, Mẹ Maria và Đức Thánh Cha. Ngài cũng rất vui khi đến đây và rất vui vì sự hiện diện của anh chị em giáo dân.
Sau đó, Đức TGM cùng cộng đoàn Dân Chúa đọc kinh Lạy Cha và Ngài ban phép lành Tòa Thánh cho cộng đoàn bằng tiếng Latinh. Đức Cha Phaolô cũng giới thiệu một số Cha của Giáo phận đang hiện diện với Đức TGM. Buổi gặp kết thúc lúc khoảng 17g45.
Đức TGM Leopoldo Girelli về phòng làm việc riêng. Đến 18g30, Ngài được mời dự bữa ăn tối thân tình và ấm áp tại Tòa Giám mục với Đức Cha Phaolô, Cha TĐD và quí Cha.
Linh mục Giuse Nguyễn Tuấn Hải và Hoài Bão
Ban Truyền Thông Xã Hội GPMT

Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

BÀI VIẾT


TIN HAY MÊ TÍN?

Câu chuyện được thuật lại trong sách Samuel quyển I, chương 4, câu 1 đến 11 thật là “khủng khiếp” đối với dân Israel và có lẽ cả với nhiều người Kitô hữu ngày nay nữa.
Chuyện là Israel giao chiến với quân Philitinh. Họ bại trận. Chừng bốn ngàn người đã bị kẻ địch giết chết tại mặt trận. Trở về nhà, họ bàn luận với nhau về cách phục thù. Các kỳ mục quyết định cho kiệu Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa từ Silô về trại để phục vụ cuộc chiến của họ. Có Chúa ở giữa họ, họ sẽ đè bẹp bất cứ kẻ thù nào! Khi Hòm Bia xuống trại, “toàn dân Israel phấn khởi đã hò reo vang dội khiến đất rung chuyển”. Nghe tiếng reo hò, người Philitinh biết là Hòm Bia đã đến trại. Họ bảo nhau: “Một vị thần đã đến trại!” Theo kinh nghiệm, họ biết rằng vị thần này của Israel từng đánh phạt người Ai Cập để cứu dân mình. Nên họ rất sợ hãi. Như thế, về mặt tâm lý, nguyên sự hiện diện của Hòm Bia đã là một lợi thế cho Israel. Mới nghe biết có Hòm Bia về trại Israel mà họ đã khiếp sự như thế, huống hồ là rồi đây khi Israel sẽ cho khiêng Hòm Bia ra giữa trận chiến! Thế nhưng chính vì biết tình thế đã trở nên vô cùng nghiêm trọng với họ nên người Philitinh thay vì buông tay, lại tự động viên nhau phải can đảm lên để cứu lấy mình. Cuộc chiến lại nổ ra và, thật bất ngờ, dù có Hòm Bia Đức Chúa với mình, Israel vẫn đại bại, mạnh ai nấy chạy về lều của mình. Hòm Bia chẳng những không cứu họ lại còn bị chiếm đoạt, còn quân binh thì có tới ba mươi ngàn người tử trận.
Thật là “khủng khiếp” cho Israel! Sao lại có thể như thế được? Thiên Chúa của mình cũng chịu thua quân Philitinh sao? Lòng tin của họ bị thử thách nặng nề.
Nhưng đó có phải là niềm tin thật không? Bề ngoài có vẻ là niềm tin khi cho khiêng Hòm Bia ra ngay giữa trận địa nhưng kỳ thực đó là mê tín dị đoan. Hòm Bia Thiên Chúa chỉ còn là một thứ bùa, một “vật cầu may” mà thôi bởi vì lòng dạ Israel đã xa lìa Thiên Chúa từ lâu rồi. Trong các sách Tin Mừng sau này, chúng ta thấy mỗi lần ra tay cứu giúp một người gặp cảnh cùng khốn ngặt nghèo đến kêu xin Người, Chúa Giêsu thường giải thích: “Chính lòng tin của con đã cứu con!”. Yếu tố quyết định là lòng tin, đến nỗi Tân Ước viết rằng có khi Chúa Giêsu không làm được phép lạ nào cho người ta vì họ không tin (x. Mc 9,23-24; 6,5). Và Chúa thì không muốn dùng phép lạ để ép cho người ta phải tin.
Con người gồm có xác và hồn, có bề ngoài và bề trong; nói theo cách của một số người học thức, con người là tinh thần nhập thể. Bề trong bề ngoài đều cần thiết cả. Thường thì bề trong (ví dụ tâm tình của ta, ý nghĩ của ta) phải được diễn tả ra bên ngoài trong lời nói, cử chỉ, hành động. Khi ta yêu mến ai, đương nhiên ta sẽ tìm cách biểu lộ tâm tình đó ra bên ngoài, hơn nữa, lắm khi nó tự bộc lộ ra dù ta không cố tình cố ý… Đức tin đích thực cũng thế. Thánh Giacôbê quả quyết: đức tin không hành động là đức tin chết (x. Gc 2,17). Không có chuyện sống đạo hoàn toàn tại tâm. Nhưng nếu nói cách triệt để thì cái tâm, cái thái độ bên trong mới có tầm quan trọng quyết định, chứ không phải cái bề ngoài. Các cử chỉ, lời nói, hành động bề ngoài đôi khi phản bội ta, nghĩa là không diễn tả hết hay diễn tả đúng những gì ta ấp ủ trong lòng; tệ hơn, không hiếm khi chính ta dùng chúng để lừa dối kẻ khác, như trường hợp thi hào Nguyễn Du mô tả trong Truyện Kiều:
Bề ngoài thơn thớt nói cười,
Mà trong nham hiểm giết người không gươm”.
Nhưng loài người lừa dối nhau chứ không thể lừa dối Thiên Chúa được vì Người thấu suốt lòng dạ chúng ta.
Câu chuyện dân Israel thảm bại dù đã đưa Hòm Bia Giao Ước của Thiên Chúa ra trận địa, nhắc nhở chúng ta hai điều trong đời sống đạo. Điều thứ nhất là một lời cảnh giác. Phải canh chừng đừng biến các hình thức, những dấu hiệu bề ngoài của lòng tin, vốn luôn luôn cần thiết, thành cái vỏ không ruột, cái xác không hồn, nhất là biến thành những thứ bùa chú, ma thuật, những cái máy tự động “ban ơn”, che chở chúng ta. Ảnh đeo cổ, tượng thánh gắn trên xe hay đặt trong nhà ngoài ngõ, nước thánh rảy trên mình hay trên đồ vật, làm tuần tam nhật hay cửu nhật, giữ chín lần liên tiếp thánh lễ ngày thứ sáu đầu tháng, đi hành hương v.v. , - những việc vốn tốt lành đó, tự bản thân chúng không có sức thiêng nào cứu vớt chúng ta cả. Hiệu năng của chúng là do tự Thiên Chúa ban cho khi ta làm những việc đó với lòng tin yêu Chúa.
Điều nhắc nhở thứ hai, chính là một lời động viên người tín hữu sống đức tin, chứ không chỉ giữ đạo. Người Kitô hữu tiên vàn là người tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại cho hết thảy mọi người. Họ sống niềm tin ấy bằng sự gắn bó trọn vẹn với Người, hoàn toàn tín thác vào Người và, vì yêu mến Người, họ cố gắng tuân giữ các điều Người dạy bằng cách ra sức đem Tin Mừng của Người ra thực hành trong cuộc đời. Họ biết rằng chính nhờ đức tin mà họ được cứu độ như Chúa đã phán: “Ai tin Ta sẽ sống muôn đời” (Ga 6,47). Đức tin soi sáng cuộc đời họ, làm cho nó có một ý nghĩa. Những việc sùng kính, những việc đạo đức có mục đích giúp các môn đệ Chúa Kitô sống cho ra người Kitô hữu hơn, gia tăng đức ái trong họ tức là lòng mến Chúa yêu người. Những việc đó đòi hỏi người ta phải có đức tin trước đã. Thiếu đức tin, chúng sẽ chẳng có ý nghĩa gì và sẽ giống như những chiếc bình rỗng.
Cũng nên lưu ý rằng Giáo Hội không đặt các việc sùng kính ngang hàng với Lời Chúa và các Bí Tích. Ta không thể bỏ qua Lời Chúa và các Bí Tích được, trái lại ta vẫn có thể cầu nguyện với Đức Mẹ, mà không dùng tràng hạt, vẫn có thể sùng kính Mẹ mà không đeo ảnh Ngài trong cổ, và hiển nhiên là việc tham dự tích cực thánh lễ ngày Chúa Nhật vẫn có giá trị hơn tất cả mọi thứ sùng kính riêng tư. Các việc sùng kính này không được phép trở thành như một cánh rừng rậm trong đó người ta bị lạc hướng và không nhìn thấy cái cốt yếu nữa. Đối tượng cốt yếu của lòng tin là chính Thiên Chúa, Cha chúng ta và Đức Giêsu Kitô Con của Người, Đấng duy nhất có thể cứu độ chúng ta, cùng với Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hoá chúng ta.
Tóm lại, nếu thiếu những tâm tình căn bản nói trên đây và chỉ quan tâm làm các việc đạo đức bên ngoài cho thật nhiều, rồi nghĩ rằng nguyên các việc đó đã đủ để cho mình được Chúa cứu giúp và ban ơn cứu độ, thậm chí mình có quyền được ơn ấy, -nếu như thế thì đó là bùa chú, là mê tín dị đoan, không phải là đức tin Kitô giáo.
Lm Nguyễn Hồng Giáo – OFM
Nguồn: WGPSG

KINH THÁNH BẰNG HÌNH


Kinh Thánh bằng hình:
CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN - NĂM B

WGPSG -- Đức Giêsu giảng dạy ở hội đường tại quê nhà. Phản ứng của dân làng là hết sức ngạc nhiên trước sự khôn ngoan trong lời Ngài giảng. Nếu họ chân thành tìm kiếm họ có thể nhận ra khuôn mặt thật của người họ quá quen.
Tiếc thay người làng Nazareth đã không đủ vô tư. Họ bị ám ảnh bởi quá khứ của Ngài, và họ không sao ra khỏi những định kiến sẵn có. “Ông ta không phải là bác thợ sao?” Một bác thợ sống bằng đôi tay như bao người. Một bác thợ trong làng, âm thầm và khiêm tốn, sống bao năm ở đây không một chút hào quang. Họ cũng bị ám ảnh bởi cái hiện tại trước mắt: Bà Maria và các anh, chị em của ông, tất cả vẫn đang sống rất đỗi bình thường, như những người láng giềng gần gũi. Một quá khứ và hiện tại như thế đã khiến họ vấp phạm. Họ không tin Ngài là một ngôn sứ, lại càng không thể tin Ngài là Mêsia, và chắc chắn họ chẳng bao giờ dám nghĩ rằng mình là người đồng hương với Ngôi Hai Con Thiên Chúa.
(Trích Suy niệm Tin Mừng CN XIV TN năm B)
Kinh Thánh bằng tiếng Việt





Kinh Thánh bằng tiếng Anh





Jothanh
Nguồn: WGPSG

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

BÀI VIẾT


MỘT TỜ GIẤY VÀ CUỘC ĐỜI

Một tờ giấy khai sinh - Cả đời bắt đầu.
Một tờ giấy tốt nghiệp - Phấn đấu cả đời.
Một tờ giấy kết hôn - Giày vò cả đời.
Một tờ giấy thăng quan - Đấu tranh cả đời.
Một tờ giấy bạc (tiền) - Nhọc nhằn cả đời.
Một tờ giấy vinh dự - Hư vinh cả đời.
Một tờ giấy khám bệnh - Đau khổ cả đời.
Một tờ điếu văn - Kết thúc cả đời.
Mấy tờ giấy nhạt ấy - Hiểu rõ cả đời.
Quên đi mấy tờ giấy ấy - Vui vẻ cả đời.
Nguồn: Sưu tầm