Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

VIDEO



CHÍNH NGHĨA VÀ TÀ ÁC
Xin Bấm vào để xem 
Nguồn: menchuayeunguoi

BÀI VIẾT


MỨC ĐỘ CHIA SẺ TRONG HÔN NHÂN

Nghiên cứu mới đây của công ty an ninh máy vi tính Norton công bố rằng càng ngày càng có nhiều cặp vợ chồng chia sẻ password của email và của các trang mạng xã hội – với 20% trong số các đôi vợ chồng tham gia đều nhận rằng họ đã từng vào tài khoản email của vợ/chồng và các trang mạng xã hội mà không cho biết, trong số đó có 15% nói rằng nhờ vậy mà vợ chồng giải hòa.
Sự riêng tư và sự độc lập được coi là "linh thiêng", vậy bạn đã thực sự chia sẻ với người bạn đời về lĩnh vực này tới mức độ nào? Ngày nay, chữ "tôi" không còn được đưa vào chữ "chúng ta". Các mã số của mối quan hệ đã thay đổi và khái niệm về một đôi vợ chồng liên hiệp cũng không còn là lý tưởng. Trước đây, đi ăn ngoài với bạn bè hoặc "tám" chuyện qua điện thoại với "cố nhân" là điều không tưởng, nhưng ngày nay đã hoàn toàn khác.
Nói hay không nói. Nhà tư vấn hôn nhân Rajan Bhonsle nói: "Mỗi mối quan hệ nên đặt nền tảng trên sự trong sáng, sự chân thật và sự cần thiết". Theo ông, nếu có những chi tiết thân mật liên quan mối quan hệ trong quá khứ, như sự thân mật thể lý hoặc yêu đương sâu sắc (do lỡ lầm) – điều này nên nói với người bạn đời. TS Bhonsle nói thêm: "Chia sẻ thông tin về những điều đó có thể gây cản trở cho mối quan hệ hiện tại hoặc nếu bạn muốn xây dựng một tương lai an toàn, đó là điều phải làm để người bạn đời biết rõ chi tiết".
Điều đó giúp mối quan hệ của bạn tốt hơn và mạnh hơn – đừng sợ cho biết chi tiết sẽ bị người kia tiết lộ với người khác. Một số người nghĩ rằng bạn nên cho người bạn đời biết những bí mật của bạn, nhưng có những người lại cảm thấy chia sẻ mọi chi tiết thì phức tạp lắm. Thực ra "thà mất lòng trước" mà "được lòng sau". Những người ác ý hoặc dã tâm thì có nói hay không họ vẫn có thể "hành hạ" người kia bằng nhiều cách.
Chuyên viên hôn nhân Seema Hingorrany nói: "Cứ cho người bạn đời đi vào mọi lãnh địa của cuộc đời bạn có thể là tai họa – nhất là khi mối quan hệ của bạn còn mới mẻ hoặc nếu bạn đang cố hàn gắn sau xung đột. Thường thì người bạn đời có thể lợi dụng điều đó và suy diễn đủ thứ về bạn". Xía vào chuyện của người khác cũng nguy hiểm. Thường thì các đôi vợ chồng phát hiện thông tin về người bạn đời bằng cách truy cập vào tài khoản của họ. Chị Niharika Singh, 23 tuổi, nói: "Dù nói anh ấy đừng làm vậy, nhưng anh ấy vẫn bí mật kiểm tra tin nhắn và thấy tôi vẫn liên lạc với người yêu cũ, điều đó gây rạn nứt tình cảm và nghi ngờ".
Điều nên nói. Bạn chỉ nên nói những chi tiết bí mật về những gì bạn cảm thấy thoải mái. Như vậy không phải là gian dối, giấu giếm hoặc "chơi khăm". Bởi vì đôi khi các bí mật "thâm cung bí sử" nhất có thể gây nguy cơ rạn nứt cho mối quan hệ hiện tại và tương lai của bạn. Chuyên viên hôn nhân Hingorrany nói: "Cho biết những bí mật nhỏ thì được, nhưng nếu bạn biết nếu chia sẻ các thông tin quá khứ có thể làm rạn nứt mối quan hệ thì cứ chôn kín trong lòng còn hơn".
Chia sẻ bí mật nhỏ. Cũng chẳng sao nếu chia sẻ các chi tiết như cách bạn đi uống cà-phê với đồng nghiệp nam hay nữ, nghĩa là bạn có thể về trễ, hoặc bạn đi dự sinh nhật người yêu cũ với tư cách bạn cũ. Đêm đó có thể làm bạn rất vui, nhưng không có gì phải lo sợ, cứ bình thường và tránh nói quá chi tiết về điều đó.
Về tiền bạc. Bạn vừa mua cho mình một bộ cánh ưng ý, nhưng hơi mắc tiền. Bạn có thể nói với người bạn đời về điều này để bạn có thể không cảm thấy có lỗi vì phải chi món tiền lớn, ảnh hưởng chi tiêu gia đình. Nên rạch ròi về vấn đề tiền bạc.
Nếu thấy có sự gian dối trong mối quan hệ, nên nói trực tiếp và thằng thắn với nhau. Nếu chần chừ, rồi người kia phát hiện, chắc hẳn là điều bất tiện. Đừng quên câu: "Của chồng, công vợ".
Đúng lúc. Nếu bạn muốn chia sẻ với người bạn đời – chẳng hạn chuyện tình ngày xưa, chuyên viên hôn nhân Hingorrany nói rằng bạn nên dành nhiều thời gian và đừng vội vàng "trải lòng ra" với người bạn đời. Bạn nên chờ lúc thuận tiện để có thể nói chuyện với người bạn đời. Bà Hingorrany nói: "Nếu bạn lục đục với chồng, có những lúc anh ấy có thể tiết lộ các bí mật về sự thất vọng. Cố gắng kiên trì chờ đợi đúng thời điểm để nói chuyện". Thật vậy, ca dao Việt Nam rất chí lý:
Yêu nhau trăm sự chẳng nề
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng
Nguồn: WTGP HN 

BÀI VIẾT


CON KIẾN VÀ CHÂU CHẤU

Tại một trường tiểu học, trong suốt những giờ học đạo đức hằng tuần, một nhóm những học sinh được hỏi ý kiến về đoạn kết của câu chuyện con kiến chăm chỉ và con châu chấu lười biếng theo cách mà chúng cho là tốt nhất.
Hầu hết chúng ta đều biết câu chuyện này - một câu chuyện ngụ ngôn Hy Lạp - câu chuyện kể về con châu châu lười biếng lãng phí những tháng hè không làm việc, chỉ lo chơi bời, trong khi đó, con kiến lại làm việc vất vả để tích trữ thức ăn cho mùa đông. Và rồi mùa đông giá rét đã đến, con kiến cần cù ấy và những người bạn của chú đã cất giấu những gì cần thiết vào nơi an toàn, trong khi con châu chấu phải đi tìm kiếm thức ăn và nhận ra rằng chú sẽ bị chết đói.
Những đứa trẻ 6 tuổi được yêu cầu vẽ bức tranh về câu chuyện và viết lại đoạn kết câu chuyện theo ý muốn của chúng, nhưng cần phải có chi tiết con châu chấu hỏi xin con kiến giúp đỡ. Khoảng một nửa có cùng một quan điểm chung rằng vì con châu chấu không xứng đáng, nên con kiến đã từ chối giúp đỡ. Một nửa kia sửa lại đoạn kết rằng con kiến nói với con châu chấu hãy học bài học của nó và sau đó cho châu chấu một nửa phần thức ăn.
Kế đó, một bé trai đứng dậy và đưa ra phần kết của câu chuyện: sau khi con châu chấu đến xin thức ăn của con kiến, con kiến đã không do dự đưa hết thức ăn của nó. Không phải cho một nửa, hay hầu hết, nhưng là cho mọi thứ.
Vẫn chưa kết thúc, cậu bé vui vẻ tiếp tục: Con kiến không còn lại gì vì thế nó đã chết. Nhưng sau đó, con châu chấu quá buồn trước cái chết của con kiến nên đã nói với mọi người về những gì con kiến đã làm để cứu lấy mạng sống của nó. Và nó trở thành một con châu chấu tốt.
Câu chuyện này khiến tôi nghĩ đến hai điều. Trước hết, nó nhắc tôi nhớ rằng đối với Chúa Giêsu, việc cho đi có ý nghĩa như thế nào. Ngài đã không cho chúng ta một nửa, và Ngài cũng không nói rằng chúng ta “không xứng đáng”, nhưng Ngài đã cho chúng ta tất cả để chúng ta trở nên “tốt đẹp”. Chính nhờ Ngài đã hy sinh mạng sống của mình, chúng ta mới có thể nhận được món quà chính là sự sống đời đời. Điều đó cũng giống như cách con kiến đã chết để cứu con châu chấu trong câu chuyện được cậu bé 6 tuổi thuật lại. Đối với mỗi người chúng ta, câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó. Với lòng biết ơn, chúng ta phải noi theo gương Ngài và hết lòng loan truyền điều tuyệt vời Ngài đã làm cho chúng ta.
Thứ hai, tôi học được ý nghĩa của việc cho đi tất cả. Sự cho đi sẽ không phải là sự cho đi thật sự nếu không có sự hy sinh, thậm chí là nỗi đau, nhưng một khi bạn thật sự cho đi, bạn sẽ được hơn gấp nhiều lần. “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình”. Nhưng không phải kết thúc ở đó. Dưới đây là lời hứa vừa ngọt ngào vừa cay đắng và quan trọng hơn tất cả: “Nhưng nếu chết đi, nó mới sinh nhiều hạt khác” (Ga 12,24).
Nghi Ân
Nguồn:menchuayeunguoi

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

BÀI VIẾT


BÌNH AN CHO SỨ VỤ MỚI

Việc đầu tiên khi Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ là Ngài trao ban bình an cho họ. Cũng dễ hiểu thôi bởi vì các môn đệ đang cần lắm sự bình an sau những chấn động do cuộc khổ nạn của Thầy mình. Dư chấn cuộc thương khó đang làm cho lòng các ông tan nát. Loạt tin tức về việc Chúa mất xác, Chúa sống lại, Chúa hiện ra, Chúa hẹn gặp… làm cho tâm hồn các ông rối tung rối bời.
Ngay cả sau khi đã được Chúa Giêsu hiện ra củng cố đức tin và khơi lên niềm hy vọng, các ông vẫn cần lắm sự bình an của Chúa để khởi đầu cho một sứ vụ mới, sứ vụ làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh. Sứ vụ mới nay chính thức bắt đầu. Nhưng trước hết các ông cần có cái tâm an bình đã, vốn là hoa trái của đức tin. Có cái tâm an bình thì mới có thể đem tin bình an đến cho người khác được.
Trong một lần được phỏng vấn trên đài truyền hình, Mẹ Têrêsa Calcutta trực diện với một kẻ hỏi cắc cớ:
- “Bà yêu thương người nghèo, điều đó rất tốt. Nhưng còn biết bao những người giàu có của Vatican và của Giáo hội thì sao?”
Mẹ nhìn thẳng vào người ấy và nói:
- “Thưa ông, ông không phải là người hạnh phúc. Có những điều đang xâu xé ông. Ông không có một chút bình an trong lòng”.
Lời đó làm ông xụ mặt. Và mẹ tiếp tục khiến ông thêm quặn đau:
- “Ông nên có niềm tin tưởng”.
- “Làm thế nào tôi có được niềm tin”.
- “Ông nên cầu nguyện”.
- “Nhưng tôi không thể cầu nguyện”.
- “Tôi sẽ giúp ông. Nhưng phần ông, ông nên cho những người chung quanh nụ cười cảm thông. Một nụ cười cảm thông làm ông gần những người khác. Và nó mang sự thật về Thiên Chúa vào cuộc sống của chúng ta”.
Sẽ không thể đem niềm vui và sự bình an cho người khác khi chính mình chưa có bình an và niềm vui trong tâm hồn. Nhưng niềm an vui chỉ có khi người ta thực sự tin vào Thiên Chúa và tin vào Đức Kitô.
Cũng vậy chỉ khi các môn đệ được gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh và được Ngài gia ân niềm tin, thì lòng các ngài mới có được bình an đích thực. Dĩ nhiên sự bình an mà Đức Kitô muốn trao cho các môn đệ của Ngài chắc chắn không phải là bình an theo kiểu của thế gian, như lời Ngài khẳng định: “Thầy ban cho anh em sự bình an không như thế gian ban tặng”. Bình an của thế gian theo nghĩa là không có chiến tranh, không có tai ương hay xáo trộn. Đặc tính dễ thấy nơi bình an thế gian là giả tạo, chóng qua. Vì bình an thế gian thường đến từ các “ngôn sứ giả” như thời Cựu Ước; hoặc đến từ tiền bạc, danh vọng, quyền lực và những tiện nghi vật chất.
Bình an mà Chúa Giêsu để lại cho các môn sinh của mình là “bình an có Chúa luôn ở cùng”, bình an có Chúa luôn hiện diện trong tâm hồn: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Nói cách khác đó chính là bình an ơn cứu độ. Bình an đó còn là gì nữa ? Đó còn là chính Chúa Thánh Thần và các ân huệ của Người được Đức Kitô ban xuống trong tâm hồn các môn đệ vào ngày lễ Ngũ Tuần. Đây là thứ di sản bền vững mà Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ; không như di sản trần thế: tiền bạc của cải, cổ phần cổ phiếu… là những thứ rất bấp bênh, nay còn mai mất, nay được giá mai mất giá.
Các môn đệ có được bình an vì đức tin của các ngài đã có “đường” vững vàng để đi, đức cậy của các ngài đã có “lối” rõ ràng để về. Bởi vậy sau này các ngài không còn lo âu xao xuyến sợ hãi nữa, dẫu cho bên ngoài có còn nhiều sóng gió thử thách.
Cuộc sống con người ngày hôm nay đang cần lắm sự bình an của Chúa. Bản thân cần sự bình an. Gia đình cần sự bình an. Cộng đoàn cần sự bình an. Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết mở lòng ra đón nhận sự bình an của Chúa Kitô. Đồng thời biết trở nên như khí cụ bình an của Chúa, nghĩa là biết đem sự bình an của Chúa cho những anh chị em mà chúng ta gặp gỡ hằng ngày. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
Nguồn: thanhlinh.net

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

BÀI VIẾT


BỨC TRANH BỊ BÔI BẨN



Có một anh chàng họa sĩ từ lâu ôm ấp ước mơ để lại cho hậu thế một tuyệt tác. Và rồi một ngày kia chàng bắt tay vào việc. Ðể tránh sự ồn ào náo nhiệt của cuộc sống thường nhật, chàng dựng một khung vẽ rộng 30 mét vuông trên sân thượng một tòa nhà cao tầng lộng gió. Người họa sĩ làm việc miệt mài suốt nửa năm. Chàng say mê bức họa tới mức quên ăn quên ngủ. Khi bức tranh hoàn thành, nó sẽ đưa tên tuổi của chàng sống mãi với thời gian.

Một buổi sáng nọ, như thường lệ, chàng họa sĩ tiếp tục hoàn chỉnh những nét cọ trước sự trầm trồ của hàng chục du khách tham quan. Tuy nhiên sự có mặt của đám đông không hề ảnh hưởng tới họa sĩ. Chìm đắm trong cơn say mê điên dại, chàng ngây người nhìn ngắm thành quả lao động sáng tạo của mình. Cứ thế, chàng từ từ lùi ra xa để chiêm ngưỡng bức tranh mà không biết rằng mình đang tiến tới mép sân thượng. Trong số hàng chục người khách tham quan đang bị bức tranh hút hồn, chỉ có vài người phát hiện ra mối nguy hiểm đang chờ đón người họa sĩ: chỉ lùi một bước nữa là chàng sẽ rơi tõm xuống khoảng trống mênh mông cao cả trăm mét.Tuy nhiên, không ai có can đảm lên tiếng vì biết rằng một lời cảnh báo có thể sẽ khiến người họa sĩ giật mình ngã xuống vực thẳm.
 Một sự im lặng khủng khiếp ngự trị trong không gian. Bất chợt một người đàn ông tiến tới giá vẽ. Ông ta chộp lấy một cây cọ nhúng nó vào hộp màu và bôi nguệch ngoạc lên bức tranh. Một sự hoàn mỹ tuyệt vời đã bị phá hủy. Người họa sĩ nổi giận, anh ta gầm lên đùng đùng lao tới bức vẽ, giật cây cọ từ tay người đàn ông nọ. Chưa hả giận, người họa sĩ vung tay định đập cho người đàn ông nọ một trận. Tuy nhiên, hàng chục người xung quanh cũng đã kịp lao tới, giữ lấy người họa sĩ và giải thích cho anh ta hiểu tình thế. Rồi một vị cao niên tóc bạc phơ đến bên chàng họa sĩ và nhẹ nhàng nói: "Trong cuộc đời, chúng ta thường mải mê phác ra những bức tranh về tương lai. Tuy rằng bức tranh đó có thể rất đẹp, rất quyến rũ nhưng chính sự quyến rũ, mê hoặc về những điều sắp tới đó thường khiến chúng ta không để ý tới những mối hiểm họa gần kề, thậm chí là ngay dưới chân mình".
Vậy nên, nếu như có ai đó bôi bẩn, làm hỏng bức tranh về tương lai mà ta dày công tô vẽ, xin bạn chớ nóng vội mà oán giận. Trước tiên hãy xem lại hoàn cảnh thực tại của chính mình. Biết đâu một vực thẳm đang há miệng chờ đón ngay dưới chân bạn.

Nguồn: Menchuayeunguoi.com

TƯ LIỆU


TÌNH YÊU VÀ LÝ TRÍ

Ngày xửa ngày xưa, trước khi loài người xuất hiện, các tính cách sống lơ lửng xung quanh nhau và cuộc sống đối với chúng vô cùng chán nản khi chẳng tìm thấy việc gì đó để làm. Một ngày nọ, chúng tập trung lại và bàn về một trò chơi nào đó.
Thông minh đề xuất : "Chúng ta cùng chơi trốn tìm nào!". Tất cả đều đồng ý và vui vẻ bắt đầu trò chơi. Lý trí la lớn "Này các bạn, tôi xung phong làm người tìm, các bạn trốn đi nhé !"
 Lý trí tựa vào một gốc cổ thụ và bắt đầu đếm :"Một, hai, ba...", Đức hạnh và Thói xấu cuống cuồng đi kiếm chỗ để nấp. Dịu dàng nấp sau mặt trăng. Phản bội nấp sau những vườn bắp cải. Yêu mến cuộn tròn giữa những đám mây. Nồng nàn trốn ngay giữa trung tâm trái đất. Nói dối giấu mình phía sau của tảng đá nằm bên dưới một hồ lớn. Tham lam trốn trong một bao tải... Và Lý trí đã đếm đến bảy mươi, tám mươi... chín mươi. Lúc này tất cả đều tìm được chỗ ẩn nấp cho mình, ngoại trừ Tình yêu. Tình Yêu không thể tìm cho mình một chỗ để trốn. Và đó cũng lý giải vì sao thật khó khăn để che giấu Tình yêu trong trái tim mình. Khi Lý trí đếm tới một trăm, Tình yêu nhảy đại vào một bụi hoa hồng gần đó và bị những gai nhọn đâm. Tình yêu cố nén đau mà không lên tiếng nhưng lại được tận hưởng hương thơm quyến rũ của từng đóa hoa hồng ...
Lý trí bắt đầu tìm kiếm. Lười biếng được tìm thấy đầu tiên bởi vì Lười biếng không có đủ năng lượng để tìm cho mình một chỗ nấp tốt. Sau đó lần lượt Dịu dàng, Nói dối, Nồng nàn, Yêu mến... cũng được tìm thấy, chỉ trừ Tình yêu. Ghen ghét với Tình yêu, Ghen tỵ đã thì thầm vào tai Lý trí: " Tôi biết bụi hoa hồng đang ẩn giấu bạn Tình yêu đấy ".
 Lý trí bước lại gần và bắt đầu tìm kiếm. Lý trí đã xới tung cả bụi hoa mà chẳng thấy bạn mình đâu bèn sử dụng một cành cây để tìm và dừng lại khi trái tim của Lý trí bị những gai hoa hồng làm cho rỉ máu. Tình yêu xuất hiện với hai tay ôm mặt và hai dòng máu chảy ra từ đôi mắt. Trong lúc tìm kiếm, Lý trí đã làm hỏng đôi mắt của Tình yêu. Lý trí khóc thét lên : " Tôi phải làm gì đây? Tôi phải làm gì đây ? Tôi đã làm cho bạn mù. Làm cách nào khiến cho bạn thấy đường trở lại bây giờ ?"
 Tình yêu nói: " Bạn chẳng có cách nào làm cho tôi thấy đường lại. Bây giờ nếu bạn muốn giúp tôi, hãy làm người dẫn đường cho tôi ". Và đó là lý do vì sao Tình yêu là mù quáng và luôn cần đồng hành với Lý trí .
 Martin
Nguồn: Menchuayeunguoi.com

SUY NIỆM


CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH
Bài Đọc I: Công vụ TĐ 3:13-15,17-19 II: 1 Gioan 2:1-5
----o0o----
PHÚC ÂM
(Luca 24:35-48)

35 Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em!"
37 Các ông kính hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.
38 Nhưng Người nói: "Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng?
39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?"
40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.
41 Vì mừng quá, các ông vẫn chưa tin và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không?"
42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng.
43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
44 Rồi Người bảo: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, Các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm".
45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh
46 và bảo: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại,
47 và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.
48 Chính anh em là chứng nhân của những điều này.
Chi Tiết Hay
•        Trong một dịp trước đó, Đức Giêsu đã hiện ra với hai môn đệ khi họ đang trên đường đi Emmaus, một ngôi làng cách Giêrusalem khoảng bảy dặm. Lần này, theo phúc âm thánh Luca, Đức Giêsu lại hiện ra với hai ông khi họ trở lại Giêrusalem để kể cho các môn đệ khác việc họ đã nhận ra Người qua hình thức bẻ bánh (c. 35).
•        Khi các môn đệ cho rằng Người chỉ là một thần linh chứ không phải người thật (c.37), Đức Giêsu liền chứng tỏ cho họ thấy Người đã thực sự sống lại từ cõi chết, bằng cách bảo họ hãy nhìn xem những dấu đinh và vết trói nơi tay chân của Người
•        Việc chiến thắng sự chết của Đức Giêsu được chứng minh một cách hùng hồn qua sự việc Người lại ngồi vào bàn ăn với các môn đệ, hỏi xin họ thức ăn và đã ăn trước mặt họ (cc.41-43).
•        Măc dù dã nói với các môn đệ nhiều lần trước đó, nay Đức Giêsu mới mở trí cho họ hiểu những điều đã được chép trong Kinh Thánh về Người nay đã được ứng nghiệm. (c.45-46). Và cũng thế, như đã có lời chép trong Kinh Thánh rằng "Sự thống hối và sự thứ tha tội lỗi phải được rao giảng trong danh Người tới mọi dân tộc, khởi đầu từ Giêrusalem" (c.47), nay Đức Giêsu trao cho các môn đệ nhiệm vụ là những nhân chứng đầu tiên rằng Kinh Thánh đã được ứng nghiệm nơi Người, ngay tại Giêrusalem (c. 48).
•        Chữ chứng nhân có gốc từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là tử đạo Người làm chứng có khi bị đòi hỏi phải hy sinh chịu chết vì đạo. Khi trao cho các môn đệ nhiệm vụ làm chứng nhân, Đức Giêsu đã bảo đảm với họ lời hứa của Chúa Cha là sẽ ban cho họ sức mạnh từ trời cao (c. 49), qua sự hiện diện và quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Một Điểm Chính
Qua việc hội ngộ với Đức Giêsu, các môn đệ đã được mở trí để hiểu về Người như đã được chép trong Kinh Thánh. Vì những môn đệ đã chứng kiến lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, nay họ sẽ rao giảng nhân danh Đức Giêsu về lòng thống hối và sự thứ tha tội lỗi cho khắp thế gian, với sự trợ lực của Thánh Thần như lời Đức Chúa Cha đã hứa.
Suy Niệm
1.      Tôi nhận ra sự hiện diện của Đức Giêsu bằng "xương bằng thịt" nơi những người chung quanh tôi và ngay trong chính tôi như thế nào? Tôi có sẵn sàng để trí tôi đươc khai mở để hiểu biết về Đức Giêsu và Kinh Thánh ?
2.      Được giao phó cùng nhiệm vụ như những môn đệ của Đức Giêsu, tôi phải sống như thế nào dể làm chứng nhân về "lòng thống hối và sự thứ tha tội lỗi "?
3.      Trong khi làm nhiệm vụ của một chứng nhân, tôi đã học từ Đức Giêsu bài học gì để đối phó với sự nghi ngờ và sợ hãi của người khác?
Emmaus
Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe chúng ta thấy được sự chuyển biến tình cảm của hai môn đệ trên đường đi Emmau, chuyển biến đó khởi đi từ chỗ buồn nản đến chỗ phấn khởi và hăng hái.
Thực vậy, cũng như phần đông các môn đệ khác, các ông bước theo Chúa với tham vọng vật chất và trần tục: Chúa sẽ là vua, vương quốc của Ngài là một quốc gia vừa rộng lớn, vừa hùng mạnh, lại vừa giàu sang, còn bản thân các ông sẽ được giữ chức vụ này nọ hay chức vụ kia trong triều đình của Chúa. Mặc dầu luôn yêu mến Chúa, nhưng cái nhìn của các ông vẫn còn nặng mùi xôi thịt. Vì thế, khi Chúa bị treo trên thập giá, thì ước mơ của các ông tan theo mây khói. Các ông chán nản và thất vọng trở về với quê cũ, nghề xưa.
Như hai môn đệ trên đường Emmau chúng ta cũng hay tin vào mình và võ đoán, cho nên rất dễ sai lầm trong việc nhận định. Như hai môn đệ trên đường Emmau, chúng ta cũng hay chán nản và buồn phiền, chỉ vì thiếu tin tưởng vào Chúa hay vì để lòng mình quá vấn vương với những lợi lộc vật chất.
Trong việc tông đồ thường có hai kết quả. Kết quả bên ngoài tức là những lợi ích trần gian và kết quả bên trong tức là cái ảnh hưởng siêu nhiên. Nếu để ý quá đến những kết quả bên ngoài, chúng ta sẽ tự chuốc lấy cho mình những đắng cay và thất vọng. Trái lại nếu biết đặt niềm tin tưởng vào Chúa và làm hết sức mình, thì bao giờ chúng ta cũng có đủ lý do để lạc quan, chắc chắn rằng ảnh hưởng thiêng liêng thế nào cũng có, dù không có ngay hoặc không rõ rệt qua bên ngoài.
Giữa lúc các ông đang thất vọng và chán nản như thế, thì Chúa vẫn yêu thương các ông, muốn sửa lại cái quan niệm sai lầm và đem lại cho các ông niềm phấn khởi và hy vọng, nên Chúa đã hiện ra, cùng đi với các ông và cắt nghĩa Kinh Thánh để các ông hiểu rằng: Nước Chúa không phải là ở trần gian và thập giá chính là con đường tiến tới vinh quang.
Trái tim các ông bỗng ngập tràn niềm phấn khởi. Rồi sau đó tại quán trọ, các ông đã nhận biết Ngài khi Ngài bẻ bánh. Lúc ấy các ông thật sung sướng và phấn khởi. Lúc ấy các ông hăng hái đứng dậy, hối hả trở về tìm gặp các tông đồ, không quản ngại đường xa và đêm tối. Các ông không còn nghĩ đến công việc làm ăn ở làng Emmau nữa, mà trái lại các ông chỉ trông mong để được loan đi tin mừng phục sinh: Thầy đã sống lại và chúng tôi đã thấy Thầy.
Ước gì ánh sáng đức tin cũng bùng lên trong chúng ta, để nhờ đó chúng ta cũng sẽ là những chứng nhân cho Tin mừng Phục sinh bằng chính đời sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương của chúng ta.
Nguồn:WGPSG

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

BÀI VIẾT


NHƯ HỒN TRONG XÁC

Chương 5: TƯ TƯỞNG CỦA CHÚA VÀ TƯ TƯỞNG PHÀM NHÂN
Trong bài Du Xuân trên cuốn sách nhỏ nhan đề Sài Gòn Chợ Lớn Rong Chơi (nxb Văn Nghệ, Tp HCM 1999), nhà văn Lý Lan kể:
Tôi còn đứng ngần ngừ [giữa chợ tết] thì một bà cụ mặc đồ nâu sồng nhỏ nhẹ nói với tô: ‘Xin cô cho chùa ít trái cà’. Tôi hỏi ra mới biết bà vãi đi xin đồ cho chùa ăn tết. Chùa ở nơi hẻo lánh, chỉ có các ni cô với bà vãi, không nằm trong danh mục các thắng cảnh du lịch hành hương nên ít khách vãng lai. Tôi thực sự vui mừng nói: ‘Bà lựa bao nhiêu tùy ý’. Bà vãi ngồi xuống, sẽ sàng lượm mấy trái cà dập. Tôi nói: ‘Bà cứ lựa mấy trái tốt, mình mua mà, tôi trả tiền’. Bà vãi ngước nhìn chị nhà quê nói: ‘Lựa hết trái tốt rồi cổ khó bán lắm, nhà chùa ăn sao cũng được mà’. Tôi hỏi bà cặn kẽ đường đi lên chùa. Chẳng phải tôi đã tặng bà một thúng rau quả dập, mà chính bà đã tặng tôi một câu chuyện hay”.
Tôi thấy trong câu chuyện này có hai cách lý luận, hai thứ lô-gích, cái nào cũng hợp lý cả nhưng rõ ràng không có giá trị ngang nhau. Lý luận của nhà văn kể chuyện là: Bà vãi có thể và có quyền lựa những trái cà tốt, thậm chí tốt nhất, vì mình mua, mình trả tiền sòng phẳng, chứ không phải xin xỏ gì người bán. Đây là lý luận dựa trên sự công bằng, hoàn toàn đúng. Đàng khác, tuy không nói rõ ra, nhưng nhà văn có thể đã suy nghĩ trong lòng theo cách lý luận quen thuộc của “xã hội”, rằng bà vãi càng nên lựa những trái tốt vì khi đã có người khác trả tiền thay cho, thì thật là khờ dại nếu chỉ lựa những trái chưa đáng mấy đồng xu mà lấy. Cũng không thể coi lý luận này là bất hợp lý. Thậm chí còn được coi là khôn nữa! Nhưng trong một hoàn cảnh khác, nó có thể trở thành lý luận của lòng tham, chẳng khác gì trường hợp mấy ông cán bộ, công chức vào chợ mua thả dàn hay vào nhà hàng gọi những món ăn đắt tiền nhất mà chẳng cần tính toán gì về giá cả “vì người trả tiền là cơ quan, tổ chức, xí nghiệp, không phải là mình”. Lý luận này của mấy ông “quan tham” có vẻ không trái với lô-gích (không phi lý) nhưng trái với đạo đức. Đạo đức có cái lô-gích riêng của nó.
Đối lại lý luận của nhà văn là lý luận của bà vãi. Bà chỉ lấy những trái cà dập, và bà có lý của mình: Mình lựa hết trái tốt rồi, chỉ còn lại toàn trái xấu thì làm sao cô hàng bán hết được? Nhà cô ta chắc nghèo lắm vì đến mấy trái cà dập mà cũng đem đi bán, mong kiếm thêm được ít đồng cho gia đình ăn tết. Lý luận này là của tấm lòng nhân ái, không còn là của sự công bằng, của sự trao đổi sòng phẳng nữa, mà nằm ở mức độ cao hơn. Vì thế chính Lý Lan đã thừa nhận nhà tu hành đã tặng cho chị một câu chuyện hay, một bài học hay.
Lô-gích của Chúa và lô-gích của con người
Trong Kinh Thánh, nhất là trong Tân Ước, và đặc biệt các sách Tin Mừng, chúng ta gặp rất nhiều những cách lý luận, lập luận hay lô-gích khác nhau, thậm chí trái ngược nhau như: lô-gích của tình yêu và lẽ công bằng, của sự khôn ngoan của Chúa và khôn ngoan thế gian, của Lề luật cũ và tự do Nước Trời, của tập tục lỗi thời và lẽ phải, của thể diện và sự chân thật, của đạo cũ và đạo mới, của quan điểm chính trị và quan điểm Tin Mừng, của người giàu (như nhà phú hộ) và người nghèo (như anh La-gia-rô), của kẻ tự coi là công chính và của người biết mình là tội lỗi, v.v. Nhìn chung, những va chạm hay mâu thuẫn đã xảy ra thường là giữa cái lô-gích mới mẻ của Chúa Giêsu và nhiều thứ lô-gích khác, nghĩa là nói cho cùng, giữa những giá trị mới của Chúa và một số giá trị khác, vì những giá trị này bị tương đối hóa hoặc bị vượt qua hoặc đơn giản bị phủ nhận bởi các giá trị Chúa rao giảng và thực hành. Thử lấy vài ví dụ.
Đức Giêsu và người Pharisêu
Mâu thuẫn giữa Chúa và phái Pharisêu thường xảy ra chung quanh việc giữ lề luật mà tiêu biểu là luật cấm làm việc ngày Sabát. Họ đã đẩy tính bó buộc của luật này đến mức chi ly, gần như vô lý như không đi đường dài, không bứt dù chỉ là vài bông lúa trong tay mà ăn, không khiêng vật nặng… Nhóm sùng đạo Êxêniên còn khắt khe hơn, chẳng hạn họ không dám nấu mà chỉ hâm đồ ăn trong ngày Sabát. Khi làm như thế, họ quên mất mục đích nguyên thủy của luật cấm làm việc ngày Sabát là gì, mà cái mục đích đó mới là quan trọng.
Phúc Âm kể: Hôm đó là ngày Sabát, tại một hội đường, Chúa Giêsu gặp một người bị bại một tay. Người ta hỏi Người: “Có được phép chữa bệnh ngày Sabát không?” Họ hỏi thế không phải vì thật lòng muốn biết câu trả lời của Người nhưng cốt để tố cáo Người bởi họ đoán chắc trước rằng thế nào Người cũng lại chữa bệnh cho người bại tay. Chúa hỏi lại: “Ai trong các ông có một con chiên độc nhất bị sa hố ngày Sabát, lại không nắm lấy nó mà kéo lên sao? Mà người thì quý hơn chiên biết mấy! Vì thế, ngày Sabát được phép làm điều lành”. Rồi Chúa nói với người bại tay: “Anh giơ tay ra!” Người ấy giơ tay ra và tay liền trở lại lành mạnh như tay kia. Và bài tường thuật của Thánh Mátthêu thêm: “Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giêsu” (x. Mt 12,10-14).
Lý luận của Chúa, hay lô-gích của Người dựa trên nguyên tắc: điều tốt, điều lành thì bao giờ cũng nên làm, và luật lệ là phương tiện, không phải là cùng đích. Vấn đề không phải là có được “làm việc ngày sabát” hay không mà là có nên làm một việc tốt cho một con người bất hạnh trong ngày sabát hay không? Nếu người ta bớt “nguyên tắc”, bớt “lý thuyết” suông đi và đưa vấn đề vào cụ thể chắc hẳn người ta sẽ dễ tìm ra câu trả lời đúng hơn. Người Pharisêu, nếu họ suy nghĩ các bình thường, tất cũng sẽ hành động như Chúa Giêsu mà thôi, bằng chứng là họ không dám trả lời câu hỏi của Chúa: “Ai trong các ông có một con chiên (mà lại là con chiên độc nhất) bị sa hố ngày sabát, v.v.?” Họ làm thinh vì sợ tự mâu thuẫn khi phải trả lời rằng chính mình cũng sẽ kéo con chiên ra khỏi hố ngày Sabát – (đó là vấn đề “lương tri”) -, thế nhưng họ lại không chấp nhận cho Người chữa lành một con người vốn còn cao quý hơn gấp bội so với một con chiên! Lý luận lành mạnh của họ bị méo mó bởi một đầu óc tôn giáo lệch lạc. Họ lúng túng vì óc vụ luật – luật lệ trên hết mọi sự!-, họ muốn trung thành tuyệt đối với luật vì thế dễ rơi vào mâu thuẫn với cuộc sống thực tế và thường chỉ còn giữ luật cho có hình thức mà thôi. Chúa Giêsu cũng giữ ngày Sabát như mọi người Do Thái đạo đức như đi cầu nguyện và nghe giảng Sách Thánh tại hội đường (x. Lc 4,16-22), nhưng Người đi sâu vào ý nghĩa, nội dung của luật, Người không tuyệt đối hóa nó nhưng coi nó cũng chỉ là một phương tiện phụng sự Thiên Chúa và vì thế, nó không được phép ngăn cản bổn phận bác ái đối với con người (x. Mc 2,27; Lc 13,10-16; 14,1-5). Người tuyên bố: “Ngày sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sabát” (Mc 2,27). Vì tinh thần vụ luật nên hành động của người Pharisêu, ngay cả hành động tôn giáo, thường rơi vào sự giả hình, - tức là một sự thiếu ăn khớp (bất hợp lý, thiếu lô-gích) giữa hành động bên ngoài và thái độ thật bên trong.
Chúa Giêsu và các Tông Đồ
Tôi muốn nêu lên hai trường hợp. Trước hết là chuyện ông Simon-Phêrô. Sau khi Chúa Giêsu tiên báo lần thứ nhất cho các môn đệ biết Người sẽ lên Giêrusalem, chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ phục sinh, ông Phêrô kéo riêng Người ra và trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Nhưng Chúa nghiêm khắc bảo ông: “Sa-tan, lui lại đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,21-23). Vậy mà ngay trước đó, Phêrô – nhờ Chúa Cha mạc khải cho – đã tuyên xưng rất đúng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, và vì thế ông được Thầy khen là “có phúc” (Mt 16,17). Còn bây giờ, lời trách của Chúa thật quá bất ngờ, quá nặng nề, Phêrô bị coi như Sa-tan và Sa-tan đã từng cám dỗ Chúa trong sa mạc hãy đi theo con đường vinh quang trần thế mà chính nó bày vẽ ra hòng lôi cuốn Người. Chắc chắn Phêrô có lý lẽ riêng của ông để can ngăn Thầy, chắc chắn về mặt chủ quan ông cũng chỉ muốn điều tốt cho Thầy mà thôi, nhưng suy nghĩ và ý muốn của ông lại ngược với suy nghĩ và ý muốn của Chúa Giêsu, cũng là ý muốn của Thiên Chúa Cha. Thiện tâm, thiện ý mà thôi chưa đủ!
Trường hợp thứ hai liên quan tới hai ông Giacôbê và Gioan, cũng là những tông đồ “ruột” (thân tín) của Chúa Giêsu như ông Phêrô. Chuyện cũng xảy ra sau khi Chúa tiên báo cuộc Thương Khó của Người lần thứ hai. Hôm ấy, Thầy trò từ Galilê lên Giêrusalem. Người sai mấy sứ giả đi trước, vào một làng Samari để chuẩn bị cho Người đến sau. Dân làng từ chối đón tiếp Người vì Người đang đi về hướng Giêrusalem. Nên biết dân Samari và dân Do Thái thù ghét nhau sâu sắc. Thấy thế, Giacôbê và Gioan nói với Chúa: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy bọn chúng không?” Nhưng Chúa quay lại quở mắng hai ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác (x. Lc 9,51-56).
Chúa Giêsu kêu gọi các Tông Đồ đừng vội nóng giận, vì những người Samari từ chối không đón tiếp Chúa trong dịp này đâu có đáng trách hơn những người Do Thái đóng cửa không tiếp đón người Samari vì người này là kẻ đối nghịch? Mình có hơn gì người ta đâu! Mình cứ vẫn cứ hành xử theo kiểu “mắt đền mắt răng đền răng” của thời Cựu Ước xa xôi! Đàng khác, cách phản ứng của hai Tông Đồ Giacôbê và Gioan bề ngoài có vẻ bênh vực Chúa nhưng thật ra lại rất trái với tinh thần của Chúa. Cách phản ứng ấy rất dễ đưa tới cuồng tín và hận thù tôn giáo giữa những người khác đạo. Chúa Giêsu không ngả theo thứ cuồng tín đó. Người dạy ta đừng lẫn lộn chính nghĩa của Thiên Chúa với chính nghĩa của chúng ta hay với lợi ích tập thể tôn giáo chúng ta. Như vậy, ở đây có hai lô-gích không thể hòa hợp.
Còn Kitô hữu chúng ta theo các lý luận hay theo lô-gích nào?
Khi làm một việc hay khi chọn một lập trường, một thái độ cư xử, chúng ta có thể có nhiều thứ lý luận, nhiều thứ lô-gích vì có thể đứng trên những bình diện hay quan điểm khác nhau, như chủng tộc, văn hóa, chính trị, tôn giáo. Nhưng là người môn đệ Chúa Kitô, chúng ta luôn luôn còn phải tự hỏi thêm: Tôi đã tính đến lô-gích của Chúa, của Tin Mừng chưa? Những lô-gích kia có đi đôi được với Tin Mừng không? Nói cách đơn sơ, tinh thần nào, tư tưởng thâm sâu nào đang thực sự chi phối tôi? Thật rất khó để nhìn mọi việc theo cái nhìn của Chúa Kitô. Đối với cá nhân Kitô hữu đã thế mà đối với những tập thể Kitô hữu và ngay cả đối với Giáo Hội nữa. Kinh nghiệm của các thánh Tông Đồ cũng như kinh nghiệm bản thân và lịch sử Giáo Hội cho ta thấy rõ điều đó. Chúng ta (và có khi cả Giáo Hội ở cấp này cấp kia) không dễ gì mà tránh khỏi những phản ứng, những chọn lựa không mang tính Tin Mừng, nhưng ít nhiều theo cách thế gian, theo cái khôn trần tục, theo toan tính hẹp hòi, đôi khi thâm sâu là một chọn lựa “ý thức hệ” được ngụy trang… Thế nhưng, chúng ta lại thường dễ dàng đặt cách nhìn riêng của mình trong hào quang của tôn giáo và vì thế rất khó để nhìn sự việc theo quan điểm của người khác, nói gì tới việc chấp nhận quan điểm ấy! Chẳng hạn, không phải chỉ vì ta muốn bênh vực quyền lợi của Chúa (hay của Giáo Hội) mà đương nhiên việc ta làm hay cách ta làm đã là đúng, là phù hợp với tinh thần của Chúa. Như trên đã nói, thiện tâm thiện ý và mục đích tốt chưa đủ.
Sở dĩ khó đi vào lô-gích của Tin Mừng là vì cái thuận lý của Tin Mừng lắm khi lại là nghịch lý đối với ta, và cái ta cho là hợp lý rất có thể là bất hợp lý đối với Tin Mừng. Quả thực, nào ai dễ chấp nhận – trên lý thuyết mà nhất là trong hành động – tinh thần của Tám Mối Phúc? Hay những lời dạy như: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Phải tha thứ cho kẻ đã xúc phạm đến anh em, không phải dăm bảy lần mà luôn luôn. Hãy lấy điều lành đáp lại điều ác của tha nhân… Trong đáy lòng, ta vẫn nghĩ rằng làm đúng như Chúa Giêsu dạy là dại dột, là thiệt thòi, thiếu thực tế và rút cuộc khó tồn tại trên đời. Ta nghĩ thế, bởi vì “thế gian”, hay “con người cũ” (nói theo thánh Phaolô) vẫn còn và tìm cách chi phối người Kitô hữu và Hội Thánh. Chỉ nhờ ơn Chúa giúp và cố gắng hoán cải không ngừng, chúng ta mới mong thực hành nổi lời Chúa.
Trở lại bài học của nhà tu hành Phật Giáo đầu bài này, ta thán phục vì bà đã phản ứng, chọn lựa, hành động một cách rất tự nhiên, rất dễ dàng theo tinh thần Đức Phật mà bà đã thấm nhuần sâu xa. Ước gì tinh thần Phúc Âm cũng thấm nhập và trở thành máu thịt trong ta để trong mọi hoàn cảnh ta biết một cách tự nhiên (gần như bản năng) mình phải làm gì cho xứng với danh hiệu môn đệ Chúa Kitô và mau mắn hành động theo!

Linh mục Nguyễn Hồng Giáo, OFM
Nguồn: WGPSG

TIN GIÁO HỘI VIỆT NAM


HỘI THẢO THÁNH NHẠC TOÀN QUỐC LẦN THỨ 30

Lúc 8g15 ngày 17.4.2012, buổi Hội thảo Thánh nhạc Toàn quốc lần thứ 30 đã diễn ra tại Hội trường P.X. Nguyễn Văn Thuận, thuộc Trung tâm Mục vụ TGP Saigon (6 Bis Tôn Đức Tháng, P. Bến Nghé, TPHCM).
Chủ tịch đoàn là ĐGM Vincent Nguyễn Văn Bản (Giám mục GP Ban Mê Thuột, đặc trách UB Thánh nhạc trực thuộc HĐGM Việt Nam), và LmNs Roch Nguyễn Duy (Tổng thư ký Ủy ban Thánh nhạc toàn quốc – UBTNTQ),
Hiện diện tại buổi hội thảo có Ban thường vụ UBTNTQ, các linh mục đặc trách Thánh nhạc của 7 chủng viện, các trưởng Ban Thánh nhạc của 26 giáo phận, các nhạc sĩ, các ca trưởng, tổng cộng có gần 100 tham dự viên. Trong đó có các Nhạc sĩ “gạo cội” như LmNs Phêrô Kim Long, LmNs Gioan Nguyễn Văn Minh,…
8g30, LmNs Roch Nguyễn Duy nói về văn bản Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc. 9g tới 10g30, các tham dự viên được chia thành 3 tổ thảo luận về những vấn đề liên quan Thánh nhạc: Mục vụ Thánh nhạc, bản văn Phụng vụ, sáng tác Thánh ca, cách hát, cách chọn bài phù hợp phụng vụ,…
Các hội thảo viên đã đưa ra nhiều góp ý, chẳng hạn:
Trong việc thúc đẩy, quan tâm và nhắc nhở lại chỉ nhắc đến các cha xứ mà không nhắc đến các Bề trên của các tu viện.
Nên khuyến khích các ca trưởng học hỏi về Phụng vụ và chuyên môn (xướng âm, hòa âm, điều khiển,…), nhờ đó có thể chọn bài cho phù hợp Phụng vụ và giúp ca đoàn hát hay để giúp cộng đoàn nâng tâm hồn lên tới Chúa. Có thể “trả lương” để khuyến khích ca trưởng hoạt động ca đoàn cho hiệu quả, vì ca trưởng phải hy sinh nhiều…
Nên “trao giải” cho các bài Thánh ca hay để khuyến khích nhạc sĩ sáng tác.
Nên dùng bản văn Kinh thánh của Lm Giuse Nguyễn Thế Thuấn (DCCT, 1922-1975) hay của Nhóm Phiên dịch các Giờ kinh? Vì có “đụng chạm” vấn đề tác quyền.
Đáp ca nên được soạn nhạc và được hát những bài Thánh ca được soạn nhạc theo sát bản văn Phụng vụ.
Sau khi giải lao 15 phút, mọi người tiếp tục hội thảo. LM Roch Nguyễn Duy nói rằng đôi khi rất “khó” trong việc hướng dẫn Thánh nhạc, vì có linh mục khi còn học ở chủng viện thì “ngoan ngoãn” vâng lời, nhưng mới làm linh mục được vài năm thì như “cha toàn năng”, như “đấng toàn quyền”, không chịu nghe ai. Có những ca đoàn hát rất hoành tráng nhưng hoàn toàn sai Phụng vụ.
Lm Ns Phêrô Trương Huy Hoàng, trưởng Ban Thánh nhạc GP Phú Cường, nói về chủ đề của CLB Sáng tác Thánh ca: Bộ lễ và Thánh ca cho thiếu nhi, và các bài Thánh ca theo chủ đề Kinh thánh để hát phù hợp chủ đề Thánh lễ.
Nhạc sĩ là người sinh ra “những đứa con tinh thần” nhưng thường bị quên lãng. Có lẽ thông cảm với nỗi cô-đơn-bị-bỏ-rơi đó nên Lm Giuse Nguyễn Hữu An đã chia sẻ đề tài “Nhạc sĩ, người làm chứng cho Thiên Chúa, Đấng Tuyệt Mỹ” thế này: “Có thể diễn tả nét đặc trưng: các Giám mục, Linh mục là những chứng nhân cho chân lý, những người làm việc bác ái xã hội làm chứng cho sự thiện, thì Nhạc sĩ làm chứng cho cái đẹp”. Thật là niềm an ủi cho các nhạc sĩ!
Thật vậy, “Hiến chế Thánh nhạc trong Phụng vụ” (số 121) cũng đề cập vai trò các nhạc sĩ Công giáo. Giáo hội đòi hỏi các nhạc sĩ phải có kiến thức chuyên môn, những tiêu chuẩn cơ bản để là nhạc sĩ, đồng thời phải có đời sống Kitô hữu đích thực thể hiện qua đức tin mạnh mẽ, đời sống đạo đức và tinh thần cầu nguyện. Nhạc sĩ sáng tác khi cầu nguyện, không chỉ trong nhà thờ mà mọi nơi mọi lúc, nhạc sĩ chân chính có thể cầu nguyện để viết Thánh ca. Thánh GH Piô X dạy: “Thánh nhạc phải thánh, phải loại bỏ những gì là phàm tục, không phải chỉ nơi bản chất thánh nhạc mà cả nơi người sáng tác và cách thể hiện”.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An nhận xét: “Ơn gọi làm nhạc sĩ rất cao đẹp vì đón nhận từ Thần lực Chúa Thánh Thần. Sứ vụ nhạc sĩ nặng nề lắm, bởi vì vừa phải chu toàn trách vụ với gia đình vừa chăm lo phục vụ Dân Chúa. Ơn gọi càng cao đẹp, nhạc sĩ càng thấy mình bất xứng. Sứ vụ càng phức tạp, nhạc sĩ càng thấy mình giới hạn. Chính vì thế, nhạc sĩ càng cần đến lời cầu nguyện của mọi người. Vậy để làm chứng cho Thiên Chúa Đấng Tuyệt Mỹ, nhạc sĩ cần nhiều ơn Chúa Thánh Thần. Nhạc sĩ múc lấy sức mạnh nơi Chúa Kitô Thánh Thể, Đấng tràn đầy Thánh Thần, và không ngừng chia sẻ Sự sống, Thần lực, Thần khí, Tình yêu của Ngài qua những bài Thánh ca. Chúa Kitô Thánh Thể là sự bình an và là niềm vui thánh thiện cho cuộc đời nhạc sĩ”.
Hôm nay, LmNs Phêrô Kim Long chính thức từ chức Phó chủ tịch Ủy ban Thánh nhạc (UBTN) vì lý do sức khỏe và tuổi tác (72 tuổi). Ngài “giã từ sân cỏ” nhưng không bỏ Thánh nhạc, và vẫn hoạt động với vai trò cố vấn. Ngài nói rằng ngài đã viết di chúc để lại căn nhà và thư viện Thánh nhạc (ở Saigon) cho UBTN, gởi 15.000 USD để lấy tiền lời trao giải Thánh ca: giải nhất 50%, giải nhì 30%, và giải ba 20%. Mọi người “ngậm ngùi” nhưng vẫn đứng lên vỗ tay cảm ơn Ngài về những đóng góp lớn cho nền Thánh nhạc Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua. UBTNTQ đã trao ngài một số CD Thánh ca làm món quà lưu niệm.
11g30 cơm trưa và chia tay, cùng nhau hẹn gặp lại tại Hội thảo Thánh nhạc Toàn quốc lần thứ 31, sẽ tổ chức vào Thứ Ba, ngày 16-10-2012, cũng tại TTMV TGP Saigon.
Trầm Thiên Thu
Nguồn: VietCatholic

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

TIN GIÁO HỘI HOÀN VŨ


ĐỨC THÁNH CHA:
ÁO THÁNH CỦA CHÚA KITÔ ĐƯỢC TÔN KÍNH TẠI TRIER

Vào ngày Thứ Sáu trong tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh, đặc sứ của Đức Thánh Cha là Hồng Y Marc Ouellet, đã chủ sự một nghi thức khai mạc cuộc hành hương Áo Thánh, được gìn giữ tại Nhà Thờ Chánh Tòa Trier tại Đức. Thánh tích này, được tin là 'áo choàng không có đường may' được Chúa Kitô mặc trong cuộc Khổ Nạn, được triển lãm cho các tín hữu tôn kính chỉ là lần thứ tư trong một trăm năm vừa qua. Theo truyền thuyết, Áo Thánh được Thánh Helena, mẹ của Đại Đế Constantine mang đến Trier - vào thời đó là thủ đô của Gaul.
Cuộc hành hương năm nay đánh dấu lần kỷ niệm thứ 500 của việc triển lãm đầu tiên cho công chúng vào năm 1512. Trong một điện văn gửi cho Đức Giám Mục Stephan Ackermann, giám mục Trier, Đức Thánh Cha Benedict nói ngài sẽ hiện diện trong tinh thần với tất cả mọi khách hành hương đến tôn kính thánh tích. Đức Thánh Cha nói Áo Thánh là một biểu tượng của Giáo Hội, sống động "không bằng chính sức mạnh của mình mà qua sự tác động của Thiên Chúa." Đức Thánh Cha nói: "Áo này là quà tặng không bị phân rẽ của Đấng bị đóng đanh cho Giáo Hội, mà Người đã thánh hiến bằng máu của mình. Vì lý do này, Áo Thánh nhắc nhớ cho Giáo Hội về phẩm giá của mình."
Dự trù sẽ có nửa triệu khách hành hương viếng thăm Trier trong bốn tuần lễ từ 13 tháng 4 đến 13 tháng 5, khi Áo Thánh sẽ được triển lãm.
Điện văn của Đức Thánh Cha Benedict cho cuộc hành hương Áo Thánh Trier
Kính gửi Huynh Đệ Khả Kính Stephan Ackermann, Giám Mục Trier
Trong những ngày sắp tới, tại Nhà thờ Chánh Tòa cao trọng Trier, cuộc triển lãm Áo Thánh sẽ được tổ chức - đúng 500 năm sau lần triển lãm đầu tiên thời Tổng Giám Mục Richard von Greiffenklau, theo lời yêu cầu của Đại Đế Maximilian I, khi bàn thờ cao được thánh hiến. Vào dịp đặc biệt này, tôi sẽ đến như một khách hành hương, trong tư tưởng, tới thành phố khả kính Trier, để cùng với các tín hữu tham dự cuộc hành hương Áo Thánh trong những tuần lễ sắp tới. Tôi xin đảm bảo với ngài và quý vị trong vai trò mục vụ giáo phận, các linh mục và thầy phó tế, các tu sĩ nam nữ, và tất cả những ai tụ tập tại nhà thờ chánh tòa Trier cho lễ khai mạc cuộc hành hương, về tình thân hữu của Người Kế Vị Thánh Phêrô.
Kể từ lần triển lãm đầu tiên năm 1512, Áo Thánh đã thu hút các tín hữu. Thánh tích này làm sống lại những giờ phút cuối cùng của cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu: Cái chết của Người trên thập giá. Sự việc các binh lính chia nhau các áo sống của Chúa lúc đóng đinh dường như chỉ là một thời điểm bên lề, vì các Phúc Âm Nhất Lãm chỉ nói sơ qua. Tuy nhiên, Thánh Sử Gioan, phác họa giai đoạn này một cách khá long trọng. Đây là việc nhắc đến độc nhất về áo choàng "không có vết may nối, được dệt thành một tấm từ trên xuống dưới" (Ga 19, 23). Việc này làm cho biến cố rõ ràng và giúp chúng ta, nhờ thánh tích, có thể nhìn vào Mầu Nhiệm Cứu Chuộc bằng đức tin.
Thánh Gioan nói, Áo Thánh còn nguyên vẹn. Các binh sĩ, theo tục lệ La Mã, chia nhau những vật dụng nhỏ mọn của Đấng bị đóng đinh, đã không muốn xé áo ra. Chúng đã bốc thăm và do đó áo này còn nguyên vẹn. Các tổ phụ của Giáo Hội đã thấy nơi đoạn văn này sự hiệp nhất của Giáo Hội, được thành lập bởi tình yêu Chúa Kitô như một cộng đồng duy nhất và không chia rẽ. Áo Thánh có mục đích làm cho sự hiệp nhất này thể hiện. Tình yêu Đấng Cứu Chuộc gom giữ được những gì đã bị phân ly. Giáo Hội là sự hiệp nhất của muôn người. Chúa Kitô không hủy bỏ sự đa dạng của con người, nhưng đã nối kết họ với nhau vì họ đều là Kitô hữu, mỗi người vì người khác và cùng với người khác, để cho họ có thể trở nên một, trong sự đa dạng này là những người trung gian hòa giải với Thiên Chúa.
Áo choàng Chúa Kitô "được dệt nguyên tấm từ trên xuống dưới (Ga 19, 23). Đây cũng là một hình ảnh của Giáo Hội không sống nhờ sức mạnh của mình, nhưng qua sự tác động của Thiên Chúa. Như một cộng đồng duy nhất và không chia rẽ, đó là công trình của Thiên Chúa, không phải là kết quả của con người và khả năng của họ. Áo Thánh đồng thời, cũng là một sự lưu ý cho Giáo Hội là phải trung thành với nguồn gốc, và phải ý thức là sự hiệp nhất, đồng lòng, có hiệu quả, và nhân chứng - tối hậu là một công trình từ Thiên Chúa - chỉ có thể là một quà tặng của Thiên Chúa. Chỉ khi Thánh Phêrô thú nhận: "Thầy là Đức Kitô" (Mt 16:16), thì ngài mới lãnh nhận được quyền năng để trói buộc hay tháo cởi, và đó là sứ mệnh phục vụ cho sự hiệp nhất của Giáo Hội.
Cuối cùng, Áo Thánh không phải là một áo choàng lịch sự biểu tượng cho một vai vế trong xã hội. Đây là một tấm áo tầm thường, chỉ dùng để che thân cho khỏi bị thời tiết tác dụng. Tấm áo này là quà tặng không phân rẽ của Đấng bị đóng đánh cho Giáo Hội, mà Người đã thánh hiến bằng máu của Mình. Vì lý do này, Áo Thánh nhắc nhở Giáo Hội về phẩm giá của mình. Nhưng có biết bao lần chúng ta đã chứa đựng trong những bình dễ vỡ (2 Cor 4, 7) kho tàng Chúa Kitô đã trao phó cho chúng ta? và, vì tính ích kỷ, sư yếu đuối và những sai lầm của chúng ta, sự nguyên tuyền của NhiệmThể Chúa Kitô đã bị tổn thương? Cần có nhu cầu thường xuyên là phải cởi mở cho việc hoán cải và khiêm nhường, để cho chúng ta có thể là các môn đệ của Chúa Kitô trong tình yêu và sự thật. Đồng thời, phẩm giá và sự nguyên tuyền của Giáo Hội không thể bị đem bán đi và bỏ mặc cho những tiếng ồn ào của một phán đoán sơ sài của công luận.
Hành Hương Năm Thánh có khẩu hiệu là một lời cầu xin Chúa Kitô: "Xin hãy phục hồi sự hiệp nhất của những gì đã bị phân rẽ." Chúng ta không muốn tiếp tục bị cô lập hóa. Chúng ta muốn xin Chúa Kitô dẫn dắt chúng ta trên hành trình chung của đức tin, và duy trì đức tin để sống. Và nhờ đó, cùng tăng trưởng như những Kitô hữu trong đức tin, cầu nguyện và chứng tá, giữa những thử thách của thời đại chúng ta, chúng ta có thể thú nhận sự huy hoàng và thiện hảo của Người. Vì lý do này, tôi xin gửi đến quý vị và tất cả những ai tham dự cuộc hành hương Áo Thánh này phép lành tòa thánh thân ái của tôi.
Bùi Hữu Thư dịch
Nguồn: RVA