Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

GAME


Tìm hiểu về Mùa Chay


"Hãy xé lòng chứ đừng xé áo” (Ge 2,13)
Mùa Chay bắt đầu vào thứ Tư Lễ Tro. Trong Mùa Chay chúng ta hãm mình ép xác để tỉnh thức hơn và nhìn thấy sự đau khổ lớn lao Chúa Giêsu đã vác lấy vì yêu ta. Chúng ta muốn đáp lại tình yêu của Chúa và bước sát theo Ngài. Chúa muốn ban cho chúng ta sự sống đời đời của phục sinh.
Chúc em một Mùa Chay vui tươi vì chúng ta biết có Một Người thương yêu hiến mạng sống mình cho chúng ta. Em hãy đồng hành với Chúa Giêsu, người bạn tốt nhất đời em.
Bắt đầu chơi game: tại đây

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

TIN GIÁO HỘI HOÀN VŨ


MẶT TRÁI TỐI TĂM CỦA INTERNET

Nhân dịp Đức Thánh Cha công bố Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền Thông Năm 2012, chúng tôi xin điểm hầu quý vị và các bạn một số những suy tư về những khía cạnh tích cực và tiêu cực của Internet.
Ngay từ những ngày đầu của kỹ thuật Internet, Giáo Hội đã thấy ở đây những cơ hội thật bất ngờ và lớn lao. Nó cho phép người ta trực tiếp và tức khắc tiếp cận những tài nguyên tôn giáo và tâm linh quan trọng - những thư viện khổng lồ, những nhà bảo tàng và những nơi thờ phượng, những văn kiện giáo huấn của Huấn Quyền, những bài viết của các Giáo Phụ và các Tiến Sĩ Hội Thánh và kho tàng khôn ngoan tôn giáo của nhiều thời đại. Internet có một khả năng đáng kể để vượt qua khoảng cách và sự cô lập, giúp con người có thể tiếp xúc với những người thiện chí có cùng tư tưởng, những người gia nhập vào những cộng đoàn đức tin ảo (virtual communities of faith) để khích lệ và nâng đỡ lẫn nhau. Giáo Hội có thể thực thi một sự phục vụ quan trọng cho người Công Giáo cũng như không Công Giáo bằng sự lựa chọn và truyền đi những dữ liệu hữu ích qua phương tiện truyền thông này.
Chúng ta có thể nói như Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Chúa đang đặt vào tay chúng ta một phương tiện truyền bá sứ điệp của Đức Kitô vượt quá trí tưởng tượng phong phú nhất của những người truyền giảng Tin Mừng đi trước chúng ta”.
Tuy nhiên, đồng tiền có hai mặt. Phương tiện truyền thông mới này trong khi có thể được dùng cho lợi ích của cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội và Giáo Hội thì chính nó cũng có thể được dùng để khai thác, gây ảnh hưởng, thống trị và làm băng hoại. Mặt trái tối tăm của đồng tiền này là những tác hại khôn lường cho mỗi người trong chúng ta, cho gia đình chúng ta, cho Giáo Hội và xã hội.
Một trong những vấn đề trầm trọng nhất là những hình ảnh dâm dục trên Internet
Ngay những ngày đầu của Internet, người ta đã thấy trước hiểm họa này. Tuy nhiên, tất cả những cố gắng ngăn chặn đều tỏ ra vô hiệu, phần lớn vì thái độ không quyết tâm của chính quyền các nước. Quyền tự do phát biểu đã được các chính quyền nại ra để tránh né phải đối đầu với những thế lực tư bản khổng lồ trong kỹ nghệ hình khiêu dâm trên Net. Hiện tượng hình ảnh, sách báo dâm dục là một thực trạng kinh hoàng. Các hình ảnh khiêu dâm đã tràn lan hơn bao giờ trong lịch sử loài người.
Trong thư Mục Vụ nhan đề “Giá phải trả: Những hình ảnh khiêu dâm và cuộc tấn công vào Đền Thờ Sống Động của Thiên Chúa”, Đức Cha Paul Loverde, Giám Mục giáo phận Virginia, Hoa Kỳ đã lên tiếng báo động về thực trạng kinh hoàng đang hoành hành như một trận dịch khổng lồ cướp đi linh hồn người ta và tàn phá hôn nhân gia đình.
Đức Cha Loverde nhận định: “Ngày nay có lẽ hơn bao giờ, người ta thấy hồng ân thị giác của mình và qua đó là viễn ảnh về Thiên Chúa bị bóp méo bởi những hình ảnh dâm dục tội lỗi. Chúng cản trở và hủy hoại khả năng con người nhìn thấy tha nhân như những biểu hiện độc đáo và đẹp đẽ của kỳ công sáng tạo của Thiên Chúa. Thay vào đó chúng làm tối tăm tầm nhìn của họ, khiến họ nhìn người khác như những thứ để lợi dụng và lèo lái”.
Lo ngại của Đức Cha Loverde hoàn toàn có căn cứ. Thật vậy, trong số ra ngày 28/5/2006, tờ Independent tại Anh công bố một kết quả nghiên cứu về việc truy nhập vào các trang chuyên cung cấp các hình ảnh khiêu dâm trên Net. Cuộc nghiên cứu được thực hiện bởi Nielsen NetRatings cho thấy hơn 40% người nam tại Anh đã truy nhập vào các trang dâm dục trong năm 2005.
Cuộc nghiên cứu cũng ghi nhận hơn 50% trẻ em tại Anh đã vào các trang dâm dục trong khi “đang tìm kiếm những thứ khác”.
Một khi computer đã nối vào Internet thì việc truy cập vào các trang dâm dục là vô cùng dễ dàng, nếu người sử dụng chủ ý muốn truy cập vào các trang đó. Điều đáng quan ngại là trong nhiều trường hợp, người dùng không chủ ý vào các trang này nhưng các chương trình tìm kiếm trên Internet cũng vẫn trình bày ra những hình ảnh khiêu dâm hay những nối kết (links) dẫn vào các trang dâm dục.
Trong số ra ngày 10/11/2006 tờ Colorado Catholic Herald ghi nhận rằng những người thường truy cập vào các trang dâm dục trên Net thường nhanh chóng trở thành nghiện ngập. Ông Dan Spadaro của Trung Tâm Tư Vấn Imago Dei Counseling ở Colorado Springs cho biết thêm: “Khi tình trạng nghiện ngập này đạt đến một mức độ nào đó, tính dục thay vì hướng đến một quan hệ yêu thương, nó chỉ còn đơn thuần như một cảm giác”, và khi đó người ta có khuynh hướng “tìm những cảm giác lạ hơn”.
Thật vậy, tại Úc Châu, tờ The Age ở Melbourne, trong số ra ngày 4/6/2006 cảnh cáo rằng những người thường truy cập vào các trang dâm dục cũng thường là những kẻ “săn tình trên Net”, và những “mối tình trên Internet này” đang làm gẫy đổ hạnh phúc của nhiều gia đình. Bà Simone Buzwell, giáo sư môn Tâm Lý tại Đại Học Swinburne cho biết “nhiều mối quan hệ hôn nhân bị tan nát bởi những mối tình bí mật trên mạng, trong khi các luật sư cho biết ngày càng có sự gia tăng những vụ li dị có liên quan đến Internet”.
Trong báo cáo nhan đề "Finding Love Online" (Tìm Tình Trên Mạng), bà Simone Buzwell đã phỏng vấn hơn 1000 người có dính líu đến những mối tình trên Net và ghi nhận rằng hơn một nửa số người được phỏng vấn nhìn nhận đã đi xa đến mức có quan hệ tính dục với người “bạn tình” trên Net.
Trong số ra ngày 16/8/2006 tờ Christian Science Monitor tại Hoa Kỳ ghi nhận rằng những hình ảnh khiêu dâm trên Net đang làm thay đổi nhân cách nhiều người theo chiều hướng xấu đi và bạo lực. Corydon Hammond, đồng giám đốc của Trung Tâm Tính Dục và Hôn Nhân tại Đại Học Utah cho biết: “Tôi chưa từng thấy một kẻ tấn công tính dục nào lại không có dính líu đến những hình ảnh dâm ô”.
Tờ Colorado Catholic Herald cho biết đối với những kẻ nghiện hình dâm ô, tất cả các mối quan hệ quan trọng đều bị dẹp qua một bên. Những kẻ nghiện thường có khuynh hướng phủ nhận các vấn nạn hay đổ lỗi cho người khác. Ông Dan Spadaro ghi nhận những kẻ nghiện này thường phải chống đỡ với những u uất.
Dan Spadaro cũng lưu ý rằng việc những người chồng truy nhập vào những trang dâm ô gây ra một ảnh hưởng tiêu cực nơi người vợ. Với những người chồng công khai xem những hình ảnh này, người vợ cảm thấy lo ngại mình không đủ hấp lực để giữ nổi hạnh phúc gia đình. Trong khi với những người chồng lén lút truy nhập vào các trang dâm ô, người vợ cảm thấy bị phản bội hay là nạn nhân của những lời dối trá.
Một chuyên gia tâm lý khác, ông Rob Jackson, nói với tờ Colorado Catholic Herald rằng những bà vợ của những ông chồng nghiện hình ảnh dâm ô thường có “những biểu hiện phức tạp về cảm xúc bao gồm giận dữ, buồn phiền và u uất”.
Văn hóa của thế giới ngày nay thường coi vấn đề hình ảnh dâm ô chỉ là một sự yếu đuối cá nhân, người ta thường tình; hay ngay cả một thú vui hợp pháp. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh với ông bà và anh chị em rằng việc nhìn ngắm những hình ảnh dâm ô này là một tội trọng, một lỗi hết sức nghiêm trọng, như đã được nêu trong sách Giáo Lý Công Giáo câu 2354.
Tính chất vô luân của hành vi này là ở chỗ nó xuyên tạc sự thật về tính dục của con người. Và do đó, điều đáng lẽ là biểu hiệu sự kết hiệp thân mật của đôi lứa trong cuộc sống và trong tình yêu thì giờ đây bị giản lược thành một thứ giải trí tầm thường hay ngay cả một thứ lợi ích cho những kẻ khác.
Đức Cha Loverde cảnh cáo rằng các hình ảnh dâm ô phương hại đức khiết tịnh vì nó dẫn đến những ý nghĩ dơ bẩn trong trí người nhìn nó và thường dẫn đến các hành vi đồi bại như thủ dâm hay ngoại tình.
Các hình ảnh dâm ô cũng vi phạm công lý. Vì chúng gây ra các thương tổn nghiêm trọng cho phẩm giá những người dự phần, mỗi người trong đó trở thành vật mua vui hay thứ dùng để đem lại lợi nhuận cho kẻ khác.
Các hình ảnh dâm ô dìm tất cả những kẻ dự phần vào trong một thế giới đầy ảo tưởng, trong đó con người hướng chú ý và tình cảm của mình khỏi người phối ngẫu của mình. Chúng làm cho những người nam nữ ngày nay khó lòng sống trung tín với nhau hơn bao giờ.
VietCatholic

TƯ LIỆU



28 câu hỏi về Mùa Chay giúp các tín hữu hiểu rõ hơn Mùa phụng vụ, để yêu mến và không ăn chay cách thiếu hiểu biết.
1. Mùa Chay là mùa gì ?
2. Người tín hữu sống Mùa Chay từ khi nào ?
3. Tại sao lại có Mùa Chay trong Giáo Hội công giáo ?
4. Thần Khí nào của Mùa Chay ?
5. Sám hối là gì ?
6. Những biểu hiện nào của việc sám hối ?
7. Người kitô hữu buộc phải làm việc sám hối ?
8. Có những ngày và giờ nào để sám hối ?
9. Người Kitô hữu phải làm gì trong những ngày thứ sáu hằng năm ?
10. Mùa Chay bắt đầu khi nào ?
11. Thứ tư Lễ tro là ngày nào ?
12. Nguồn gốc của việc xức tro có từ khi nào ?
13. Nhận phép lành và việc xức tro được làm khi nào ?
14. Việc xức tro từ đâu đến ?
15. Có biểu tượng nào của việc xức tro ?
16. Giáo Hội mời gọi người tín hữu điều gì trong Mùa Chay ?
17. Có những hậu quả nào của một Mùa Chay Thánh ?
18. Hoán cải là gì ?
19. Tại sao người ta nói rằng Mùa Chay là thời kỳ quan trọng và là thời kỳ sám hối ?
20. Lòng mong muốn hoán cải cụ thể của tôi thế nào ?
21. Các công việc của lòng thương xót là gì?
22. Các nghĩa vụ của một người Công Giáo trong Mùa Chay là gì?
23. Ăn chay là gì?
24. Ai buộc phải giữ chay?
25. Kiêng thịt là gì?
26. Ai buộc phải kiêng thịt?
27. Người ta có thể thay đổi việc giữ chay và kiêng thịt?
28. Những khía cạnh mục vụ nào cần nhấn mạnh trong Mùa Chay?

GIẢI ĐÁP
1. Mùa Chay là mùa gì ?
Người ta gọi Mùa Chay là thời lỳ gồm 40 ngày, dành cho việc chuẩn bị mừng lễ Chúa Phục Sinh và là thời kỳ cao điểm của các anh chị dự tòng chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Rửa tội trong ngày lễ Phục Sinh.
2. Người tín hữu sống Mùa Chay từ khi nào ?
Bắt đầu từ thế kỷ thứ IV, người tín hữu đã bắt đầu sống Mùa Chay như là thời gian sám hối và đổi mới cho toàn Giáo Hội nhờ vào việc ăn chay và kiêng thịt. Việc làm này thực hiện một cách hiệu quả đối với các Giáo hội Đông Phương, còn đối với các Giáo Hội Tây Phương thì việc sám hối có phần nhẹ hơn, nhưng người tín hữu vẫn giữ chay theo tinh thần sám hối và hoán cải.
3. Tại sao lại có Mùa Chay trong Giáo Hội công giáo ?
Hằng năm Giáo Hội liên kết bốn mươi ngày của Mùa Chay với mầu nhiệm của Chúa Giêsu trong sa mạc. (xem. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 540).
4. Thần Khí nào của Mùa Chay ?
Đó như là một việc tĩnh tâm cộng đồng trong bốn mươi ngày mà Giáo Hội mời gọi các tín hữu noi theo gương Chúa Kitô trong thời gian Người ở sa mạc, để chuẩn bị cho việc cử hành trọng thể Lễ Vượt Qua, trong việc thanh tẩy tâm hồn, thực hành đức ái hoàn hảo trong cuộc sống của người kitô hữu và trong thái độ sám hối.
5. Sám hối là gì ?
Từ « sám hối », theo bản dịch la tinh bắt nguồn từ một từ hy lạp Metanoia, có nghĩa là « trở về » ( theo nghĩa bóng : thay đổi tư tưởng) của người tội, có nghĩa là toàn bộ những hành vi bên trong cũng như bên ngoài để sửa chữa tội lỗi đã phạm và tình trạng của sự việc là hậu quả của tội nhân.
Nghĩa đen là "thay đổi cuộc sống" có nghĩa là hành vi của các tội nhân trở về với Thiên Chúa sau khi đã lìa xa Ngài hoặc đã mất đức tin.
6. Những biểu hiện nào của việc sám hối ?
Việc sám hối bên trong của người Kitô hữu có thể có những biểu hiện rất khác nhau. "Kinh Thánh và các Giáo Phụ nhấn mạnh trên tất cả ba hình thức: ăn chay, cầu nguyện và bố thí, mà thể hiện qua việc chuyển đổi trong mối quan hệ đối với chính mình, đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Cùng với sự thanh tẩy triệt để do Bí tích Rửa tội hoặc sự hy sinh mang lại, các tội nhân kể đó như là phương tiện để có được sự tha thứ tội lỗi, cố gắng hòa giải với tha nhân, nước mắt của sự hối cải, mối quan tâm cho sự cứu rỗi của những người khác, lời chuyển cầu của các thánh và thực hành bác ái phải "bao trùm tội nhân" (1 P 4.8) (Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1434)
7. Người kitô hữu buộc phải làm việc sám hối ?
"Tất cả các tín hữu, mỗi người tùy theo những cách khác nhau của họ, buộc phải theo luật của Thiên Chúa để làm việc sám hối. Tuy nhiên, để tất cả các tín hữu có cùng một việc đền tội, Giáo Hội đã đặt ra những ngày nhất định để trong thời gian này các tín hữu dâng hiến một cách đặc biệt cầu nguyện, làm các công việc đạo đức, bác ái, và quên mình trong việc hoàn thành nghĩa vụ riêng được trao một cách trung thành tuyệt đối, và nhất là tuân giữ việc ăn chay và kiêng thịt (Giáo luật, số 1249)
8. Có những ngày và giờ nào để sám hối ?
"Trong Giáo Hội phổ quát, tất cả các buổi thứ sáu hàng năm và Mùa Chay là những ngày và thời gian để sám hối. "(Giáo Luật, số 1250)
9. Người Kitô hữu phải làm gì trong những ngày thứ sáu hằng năm ?
Để tưởng nhớ cuộc tử nạn của Chúa Giêsu Kitô trên Thập Giá", mỗi thứ sáu, trừ khi trùng hợp với lễ trọng, các tín hữu buộc phải kiêng thịt, hoặc bất kỳ thực phẩm khác theo qui định của Hội Đồng Giám Mục; các tín hữu phải ăn chay và kiêng thịt vào ngày thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. "(Giáo Luật, số 1251)
10. Mùa Chay bắt đầu khi nào ?
Mùa Chay bắt đầu vào ngày thứ Tư Lễ Tro và kết thúc ngay lập tức trước khi Thánh Lễ Tiệc Ly của Chúa (Thứ Năm Tuần Thánh). Trong suốt giai đoạn này được kể như là một sự thống nhất:
1) Thứ tư Lễ Tro,
2) Các Chúa Nhật, I-II ; III, IV, V ; và Chúa Nhật Lễ Lá,
3) Lễ Truyền Dầu.
4) Các ngày lễ.
11. Thứ tư Lễ tro là ngày nào ?
Đây là sự khởi đầu của Mùa Chay, một ngày sám hối đặc biệt, trong đó người tín hữu hiển lộ lòng mong muốn cá nhân đế TRỞ VỀ với Thiên Chúa.
Bằng việc đón nhận việc xức tro trong các nhà thờ, người tín hữu chứng tỏ sự khiêm tốn và chân thành của con tim, mong muốn chuyển đổi và thực sự tin vào Tin Mừng.
12. Nguồn gốc của việc xức tro có từ khi nào ?
Nguồn gốc của việc xức tro thuộc về khuôn khổ của việc sám hối chính thức. Nguồn gốc này bắt đầu bắt buộc đối với toàn bộ cộng đồng Kitô hữu từ thế kỷ thứ mười. Phụng vụ hiện nay vẫn giữ được yếu tố truyền thống xức tro và giữ chay nghiêm ngặt.
13. Nhận phép lành và việc xức tro được làm khi nào ?
Phép lành và việc xức tro được ban trong Thánh Lễ sau bài giảng; trong trường hợp đặc biệt, các tín hữu có thể được lãnh nhận trong một buổi cử hành Lời Chúa. Các hình thức xức tro được lấy cảm hứng từ Kinh Thánh: 3 St,19 và Mac 1,15.
Thêm chú thích
14. Tro lấy từ đâu ?
Theo truyền thống từ thế kỷ thứ mười hai, Tro lấy từ những lá (lá ô liu hoặc lá dừa) được làm phép trong Chúa Nhật Lễ Lá của năm trước. Lời chúc lành nhắc nhớ lại tình trạng tội lỗi cho nhưng ai được nhận lãnh.
15. Có những biểu tượng nào của tro ?
Các biểu tượng của tro là như sau:
a) tình trạng suy yếu và tự mãn của con người dẫn họ tiếp cận gần đến sự chết.
b) tình trạng tội lỗi của con người.
c) Cầu nguyện và khẩn nài tha thiết để Thiên Chúa đến trợ giúp.
d) Được sống lại, vì lẽ tất cả mọi người đều được kêu gọi tham dự vào chiến thắng của Chúa Kitô.
16. Giáo Hội mời gọi người tín hữu điều gì trong Mùa Chay ?
Giáo Hội mời gọi chúng ta làm cho Mùa Chay trở nên một thời gian tĩnh tâm tinh thần trong đó việc cố gắng chiêm niệm và cầu nguyện phải là một nỗ lực lâu dài của cá nhân , tùy thuộc vào lòng quảng đại của mỗi tín hữu.
17. Có những hậu quả nào của một Mùa Chay Thánh ?
Nếu chúng ta sống tốt Mùa Chay, chúng ta phải có một sự chuyển đổi cá nhân thực sự và sâu sắc, và với thái độ này, Mùa Chay giúp chúng ta chuẩn bị tham dự vào đại lễ quan trọng nhất trong năm đó là Chúa Nhật Lễ Phục Sinh.
18. Hoán cải là gì ?
Hoán cải là muốn hòa giải với Thiên Chúa, xa rời sự ác, để thiết lập một mối quan hệ thân thiện với Đấng Tạo Hóa.
Điều này có nghĩa là mong muốn ăn năn và xưng thú tất cả các tội lỗi của chúng ta.
Sau khi trở lại trong ân sủng (không còn tội trọng), chúng ta phải thay đổi từ bên trong (thái độ) bất cứ điều gì không làm hài lòng Thiên Chúa.
19. Tại sao người ta nói rằng Mùa Chay là thời kỳ quan trọng và là thời kỳ sám hối ?
"Thời gian và ngày sám hối trong năm phụng vụ (Mùa Chay, mỗi thứ sáu trong việc tưởng nhớ sự chết của Chúa) là những khoảnh khắc quan trọng của việc sám hối trong Giáo Hội. Thời gian này là đặc biệt thích hợp cho việc tập luyện các bài tập thiêng liêng, cử hành phụng vụ sám hối, các cuộc hành hương như là dấu hiệu của sự ăn năn, tự nguyện ăn chay, làm phúc bố thí, và chia sẻ tình huynh đệ (các công việc từ thiện và truyền giáo) ". (Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1438).
20. Lòng mong muốn hoán cải cụ thể của tôi thế nào ?
Trong nhiều cách khác nhau, nhưng vẫn còn thực hành việc sám hối, chẳng hạn như:
1. Đón nhận Bí Tích Hòa Giải (Bí tích giải tội hoặc xưng tội) và làm tốt việc xưng thú tội: rõ ràng, ngắn gọn, cụ thể và đầy đủ.
2. Xóa bỏ những sự chia rẽ thông qua sự tha thứ, và phát huy tinh thần huynh đệ.
3. Thực hành những công việc của lòng thương xót.
21. Các công việc của lòng thương xót là gì?
Các công việc tinh thần của lòng thương xót là:
- Giảng dạy cho người không hiểu biết.
- Khuyên nhủ những người cần lời khuyên.
- Sửa chữa những người lạc đường
- Tha thứ cho những người nguyền rủa.
- An ủi kẻ buồn sầu.
- Kiên nhẫn chịu đựng những nghịch cảnh và yếu đuối của tha nhân.
- Cầu nguyện cho kẻ sống và kẻ chết.
Những việc phúc đức về thể xác :
- Thăm viếng bệnh nhân.
- Cho kẻ đói ăn.
- Cho kẻ khát uống.
- Cứu kẻ bị giam cầm.
- Cho kẻ rách rưới ăn mặc.
- Cho khách đỗ nhà.
- Chôn xác kẻ chết.
22. Các nghĩa vụ của một người Công Giáo trong Mùa Chay là gì?
Người công giáo phải thực hiện sắc chỉ ăn chay vào ngày thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh và phải kiêng thịt mỗi thứ sáu cũng như việc xưng tội rước lễ.
23. Ăn chay là gì?
Ăn chay là ăn một bữa trong một ngày, với một chế độ ăn uống thanh đạm vào buổi sáng và buổi tối. Không nên ăn ngoại bữa, ngoại trừ trường hợp bệnh tật.
24. Ai buộc phải giữ chay?
Luật giữ chay là bắt buộc đối với các vị thành niên cho đến 59 tuổi. (x. CIC, số 1252)
25. Kiêng thịt là gì?
Kiêng thịt là việc khước từ ăn các loại thịt (đỏ, trắng).
26. Ai buộc phải kiêng thịt?
Luật kiêng thịt buộc tất cả những ai có đủ 14 tuổi tròn (x.CIC, n° 1252).
27. Các tín hữu có thể thay đổi việc giữ chay và kiêng thịt?
Các tín hữu không phải ăn chay hay kiêng cữ như việc áp đặt nhưng như là một phương tiện cụ thể mà Giáo Hội mời gọi các tín hữu lớn lên trong tinh thần thực sự sám hối.
28. Những khía cạnh mục vụ nào cần nhấn mạnh trong Mùa Chay?
Mùa Chay là mùa cao điểm của phụng vụ, trong đó toàn thể Giáo Hội chuẩn bị cho việc cử hành Lễ Phục Sinh. Lễ Vượt Qua của Chúa, Bí tích Rửa tội và lời mời hòa giải, thông qua bí tích giải tội, đó là những mối tương quan quan trọng.
Nên sử dụng phương tiện mục vụ như:
1) Việc dạy Giáo Lý về mầu nhiệm Phục sinh và các Bí tích;
2) Tiếp cận và cử hành thường xuyên Lời Chúa
3) Nếu có thể được, nên tham gia hàng ngày các phụng vụ mùa
Mùa Chay, cử hành sám hối, và nhất là việc tiếp nhận bí tích giải tội.
4) Các kỳ Linh thao, các cuộc hành hương như là một dấu hiệu của sự ăn năn, sự tự nguyện ăn chay, làm phúc bố thí, các công việc từ thiện và truyền giáo.
Theo Catholique.org

TIN GIÁO HỘI HOÀN VŨ


CÙNG VỚI CHÚA GIÊSU CHIẾN THẮNG CÁM DỖ

Trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa nhật thứ I Mùa Chay 26-02, ngỏ lời với hàng ngàn người hành hương tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã suy niệm đoạn Tin Mừng của Thánh Maccô thuật lại 40 ngày Chúa Giêsu ở trong sa mạc và chịu Satan cám dỗ.
ĐTC đã trích dẫn cuốn sách đạo đức nổi tiếng “Gương Chúa Giêsu” của Thomas à Kempis hồi thế kỷ XV. Ngài nói: “Con người chẳng bao giờ miễn nhiễm hoàn toàn với cám dỗ... nhưng nhờ lòng kiên trì và khiêm tốn thật sự, chúng ta sẽ mạnh hơn bất cứ kẻ thù nào”.
“40 ngày trong sa mạc của Chúa Giêsu dạy cho các Kitô hữu một bài học: có thể thắng được cám dỗ trong cuộc sống nếu chúng ta kết hợp với Chúa Giêsu”.
ĐTC cũng trích dẫn thánh Lêô Cả, vị tiền nhiệm của ngài hồi thế kỷ thứ V. Ngài nói: “Chúa Giêsu tự nguyện chịu cám dỗ để bảo vệ chúng ta và nêu gương cho chúng ta”. Sa mạc có thể là một nơi “hoang liêu và cô quạnh”, ở đó cám dỗ trở nên mạnh mẽ hơn; nhưng cũng có thể là “nơi nương náu và trú ẩn, như đối với dân Israel khi thoát khỏi chế độ nô lệ ở Ai Cập”. Sa mạc là một nơi “mà chúng ta cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa một cách đặc biệt”.
ĐTC nói tiếp: Cần phải kiên trì và khiêm tốn để đánh bại “kẻ thù” bằng cách bước theo Chúa Kitô mỗi ngày và “học cách xây dựng cuộc sống của mình không phải ở ngoài Chúa như thể Chúa không hiện hữu, nhưng là trong Chúa và cùng với Chúa, vì Người là nguồn mạch sự sống đích thực”.
Ngược lại với điều này là cơn cám dỗ “loại bỏ Thiên Chúa, sắp đặt cuộc sống và thế giới theo ý riêng mình, chỉ dựa vào khả năng của chính mình”. Đây là lý do tại sao trong Chúa Giêsu “Thiên Chúa nói với con người một cách bất ngờ, gần gũi con người một cách cụ thể, đầy yêu thương”, vì nay Thiên Chúa đã nhập thể, “bước vào thế giới con người và gánh lấy tội lỗi của con người, để chiến thắng sự dữ và đưa con người trở về thế giới của Thiên Chúa”.
Để đáp lại “món quà tặng lớn lao” này, Chúa Giêsu đòi hỏi mỗi người phải “sám hối và tin vào Tin Mừng”. ĐTC giải thích, đòi hỏi này là “một lời mời gọi tin vào Thiên Chúa và hoán cải đời sống của chúng ta mỗi ngày theo ý Chúa, quy hướng mọi hành động và suy nghĩ của chúng ta về điều thiện”.
ĐTC kết luận, Mùa Chay là mùa thuận tiện để làm điều này vì nó đem lại cơ hội lý tưởng để “đổi mới và củng cố mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa” qua lời cầu nguyện hằng ngày, việc sám hối và bác ái huynh đệ.
ĐTC đã cầu xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành và che chở những người hành hương trên hành trình Mùa Chay. ĐTC cũng xin cầu nguyện cho ngài và cho giáo triều Roma trong tuần tĩnh tâm Mùa Chay bắt đầu từ tối Chúa nhật.
(David Kerr, CNA/EWTN News, 26-02-2012)
An Phong
Nguồn:  WHĐ

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

TIN GIÁO HỘI HOÀN VŨ


YOUCAT (GIÁO LÝ CHO GIỚI TRẺ):
SÁCH CÔNG GIÁO BÁN CHẠY NHẤT TRÊN THẾ GIỚI

Bernhard Meuser – người tham gia soạn thảo YouCat (Giáo lý cho giới trẻ) cho biết YouCat là cuốn sách Công giáo bán chạy nhất trên thế giới: “Các số liệu mới nhất cho thấy YouCat đã bán được 1,7 triệu bản trên toàn thế giới. Đó là một thành công lớn tại hầu hết các quốc gia nơi nó được ấn hành”.
 “Chẳng hạn, sách này chiếm vị trí số một tại Tây Ban Nha, tại Mỹ, và tại Đức cùng với cuốn sách mới nhất của Đức giáo hoàng”.
Năm 2006 Đức hồng y Christoph Schönborn, Tổng giám mục Tổng giáo phận Vienna và Meuser quyết định biên soạn một quyển Sách giáo lý dựa theo Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo để truyền đạt giáo huấn của Hội Thánh “theo cách những người trẻ có thể hiểu được”. Meuser nói Đức hồng y Schönborn đã khuyên: “Nếu bạn làm một cái gì đó cho những người trẻ, bạn nên làm với những người trẻ”.
Trong năm năm sau đó, hai người đã làm việc với các nhà thần học, các nhà giáo dục, các linh mục, và hơn 60 bạn trẻ để soạn ra “YouCat”. YouCat là tên viết tắt của “Youth Catechism of the Catholic Church” – Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cho người trẻ.
Quyển sách mỏng màu vàng và đặc biệt này đã được xuất bản trước ngày Đại hội Giới trẻ Thế giới 2011 tại Madrid, gồm có 527 câu hỏi và trả lời, kèm theo rất nhiều trích dẫn, hình ảnh và minh họa. Đặc biệt, hình minh họa một người bằng những nét vẽ đơn giản in ở góc trang bên phải sẽ chuyển động khi lật nhanh các trang sách.
Meuser nói: “Tôi ngạc nhiên khi thấy người trẻ rất thích cuốn sách như thế. Chúng tôi nhận được rất nhiều lời ca ngợi của những người trẻ. Thật vậy, họ thực sự rất thích hình minh họa một người chuyển động”. Cho đến nay trang Facebook YouCat cũng đã thu hút được hơn 21.000 người theo dõi.
Cuốn sách hiện được xuất bản bằng 20 ngôn ngữ, nhưng Meuser nói rằng sang năm con số này sẽ tăng lên 30, bao gồm cả tiếng Trung Quốc và tiếng Ả Rập.
Tại Việt Nam, YouCat đang được Ủy ban Mục vụ Giới trẻ trực thuộc Hội đồng Giám mục dịch sang tiếng Việt.
Một trong những niềm hy vọng của Đức giáo hoàng Bênêđictô 16 về cuốn sách cũng đã đơm hoa kết trái. Nhiều nhóm học hỏi Sách giáo lý này đã được thành lập, trong đó một nhóm ở Philippines có đến hơn 12.000 người tham gia.
Meuser tạ ơn Chúa, “Đấng đã giúp chúng tôi từ lúc ban đầu” để đi đến thành công. Ông nói, “Tôi thực sự tin rằng đó là hoa quả của Chúa Thánh Thần”.
(Theo CNA, 23-02-2012)
Minh Đức
Nguồn:  WHĐ

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

TIN GIÁO HỘI VIỆT NAM

Bài Ca Tâm Niệm cho năm 2012

TIN GIÁO HỘI HOÀN VŨ


PHÁP: TĨNH TÂM MÙA CHAY TRÊN MẠNG

Hình ảnh từ wesite: www.carmes-paris.org  
Hiện nay tại Pháp có nhiều trang mạng cung cấp những bài suy gẫm, những cách cầu nguyện, những bài linh thao thực tiễn, và cả âm nhạc... Chẳng hạn các sư huynh Cát Minh thuộc tỉnh dòng Paris mời tham dự tĩnh tâm trên mạng với Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu với chủ đề: “Tôi ao ước giúp các bạn hiểu được sự dịu dàng của Thánh Tâm Chúa Giêsu, cũng là điều Người mong đợi nơi các bạn!” Tương tự như thế, trang croire.com, một trong những trang mạng của tập đoàn Bayard, đưa ra chương trình tĩnh tâm với Thánh Claire và Thánh Phanxicô Assisi qua chủ đề: “Sống đơn sơ muôn năm!”. Có 6 chủ đề được trình bày theo tinh thần Phanxicô: chay tịnh, cầu nguyện, thiên nhiên, thinh lặng, bình an và chia sẻ.
Các tu sĩ dòng Đa Minh ở Lille cũng đang tổ chức cuộc “Tĩnh tâm trong thành phố” lần thứ 10. Người tham dự tĩnh tâm sẽ nhận được bài suy niệm hằng ngày trên máy tính hay trên điện thoại di động. Họ cũng có thể xin cầu nguyện và trao đổi với một trong 50 tu sĩ đồng hành với họ. Thầy Thierry Hubert cho biết: “Năm ngoái, trong số 50.000 người ghi danh tĩnh tâm, thì có khoảng 5000 người đang xa rời Giáo Hội”.
Sơ Maria-Têrêsa, nữ tu dòng Thánh Tâm đồng thời là thành viên của nhóm “Đức Mẹ trên mạng” là nhóm tổ chức cuộc tĩnh tâm theo linh đạo của Thánh I-Nhã từ ngày 22 tháng Hai đến 8 tháng Tư chia sẻ thêm: “Tĩnh tâm trên mạng có thể là bước dọn đường cho việc tĩnh tâm theo truyền thống. Nhất là đây lại là một phương thế hữu ích để chuẩn bị cho những mùa phụng vụ như lễ Phục Sinh”.
Về phần mình, Đền thánh Paray-le-Monial đặt ra những câu hỏi cho một “huấn luyện viên” mùa Chay về “những gì cản trở chúng ta trong đời sống thiêng liêng” thông qua một ứng dụng trên điện thoại đi dộng. Chẳng hạn Charlotte tự hỏi làm sao trả lời cho người bạn mời mình đi ăn tiệc vào ngày thứ Sáu. Huấn luyện viên trả lời cho Charlotte: hãy đề nghị dời vào Chúa nhật. Mỗi ngày, các cư dân trên mạng cũng được mời gọi có một quyết tâm để hướng đến mừng lễ Phục Sinh.
Theo phong cách cổ điển hơn, trang Magnificat và nhà xuất bản Bayard đề nghị tải về máy điện thoại đi dộng một người “Bạn đồng hành mùa Chay” là ứng dụng “Cầu nguyện với Giáo Hội”. Và nếu muốn tìm hiểu thêm về mùa Chay, có thể truy cập trang mạng Ngày của Chúa để theo dõi các bài giảng của cha Yves Combeau. Trang này cũng cung cấp một bản đồ Giêrusalem thời Chúa Giêsu. Đây là một bản đồ tương tác giúp hiểu rõ hơn Đàng thánh giá, sẽ được cử hành vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh.
 (Hugues-Olivier Dumez, la-croix.com, 23-02-2012)
An Phú Sĩ
Nguồn:  WHĐ

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

TƯ LIỆU


THÀNH JERICHO: Nơi Chúa Giêsu bị cám dỗ

Jericho, cách Jerusalem 24 km về phía Đông, là thành phố lâu đời nhất thế giới có dân cư sinh sống liên tục cách nay 10 ngàn năm.




Nằm dưới mực nước biển 260 mét, Jericho là thị trấn thấp nhất thế giới.

Du khách đến Israel đều đến xem cây vả ông Gia-kêu trèo lên cách nay 2000 năm để được nhìn thấy bóng dáng Chúa Giêsu!






Nhưng chẳng những ông đã được nhìn thấy mà còn được Chúa dừng lại nói chuyện và đến ở nhà ông!

Jericho còn một địa điểm thu hút khách hành hương nữa: ngọn núi nơi Chúa Giêsu bị Satan cám dỗ với những vinh hoa phú quí thế gian, sau khi ăn chay 40 đêm ngày.



Trên sườn núi hiện nay có Tu Viện Cám Dỗ (Monastery of Temptation) thuộc Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp






Hai em gái Palestine bên luống bắp cải dưới chân núi Cám Dỗ


Ngoài ra còn có nhà hàng Cám Dỗ - một cách "ăn theo" Phúc Âm của ngành du lịch!







Nhà thờ Chính Thống Giáo Hy Lạp

Nhà thờ Công Giáo

Trường Học trong khu nhà thờ Công Giáo


Trong nhà thờ

Cảnh chạng vạng tối trên đường đi đến Jerusalem


Là thành phố đầu tiên dân Do Thái thời Cựu Ước chiếm đóng sau 40 quanh quẩn trong sa mạc, Jericho lại là vùng đất đầu tiên (cùng với dãi Gaza) người Do Thái trao lại cho Palestine theo hiệp ước hòa bình năm 1994!
Hoài Bão