Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

TƯ LIỆU


BÍ ẨN HIỆN TƯỢNG XÁC CÁC THÁNH KHÔNG HƯ NÁT
QUYỀN NĂNG CỦA SIÊU NHIÊN

Có những thi thể không bị rữa nát qua thời gian dù không trải qua bất cứ sự can thiệp kỹ thuật nào. Hiện tượng có vẻ đi ngược với quy luật tự nhiên này được gọi là nhục thân bất hoại (incorruptible body).
Các tài liệu tôn giáo ghi nhận nhiều trường hợp các vị thánh “nhục thân bất hoại” : Thánh Jean Marie Baptiste Vieanney [Gioan Maria Vianê] (1786-1859) được khai quật năm 1904, xác cũng còn nguyên vẹn. Thánh Francis Xavier [Phanxicô Xaviê] (1506-1552) được chôn cất tại một đảo ở Trung Quốc trong quan tài bằng gỗ. Khoảng 2 tháng rưỡi sau, người ta khai quật mộ ngài để di chuyển, thấy thánh thể vẫn như lúc sống. Hiện nay di hài 400 năm tuổi của ngài vẫn còn nguyên và được lưu giữ tại thành Goa (Ấn Độ).
 Di hài Thánh Francis Xavier [Phanxicô Xaviê]
Thánh Bernadette (Lourder, Pháp) là một ví dụ điển hình. Bà qua đời ở tuổi 35. Và 30 năm sau đó (1909), vì một nghi lễ tôn giáo, nhà thờ đã khai quật mộ. Đại diện nhà thờ, bác sĩ phẫu thuật và những người chứng kiến đã vô cùng kinh ngạc khi thấy thi thể của bà vẫn nguyên vẹn, dường như đang trong một giấc ngủ dài.



Thánh Bernadette trong quan tài pha lê
Bác sĩ phẫu thuật Tourdan đã ghi lại những gì ông quan sát được: “Cỗ quan tài của bà được mở ra dưới sự chứng kiến của mọi người trong đó có tôi. Di hài của Thánh Bernadette trong trang phục yêu thích của bà không hề có mùi xú uế. Khuôn mặt, bàn tay và cẳng tay lộ ra bên ngoài. Đầu của bà nghiêng sang một bên, miệng hé mở có thể nhìn thấy hàm răng trắng. Hai tay đặt trên ngực, vẫn giữ được lớp da hoàn hảo”. Gia đình của Thánh Bernadette đã làm lễ tắm rửa, thay quần áo và quan tài cho bà. Di hài của bà được đặt vào một vị trí mới sâu trong nhà mồ.
Vào năm 1913, Đức Giáo Hoàng Pius X phong Chân Phước cho Bernadette. Điều này đồng nghĩa với việc mộ của bà được mở ra một lần nữa. Việc này bị gián đoạn đến năm 1919 vì cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất. Điều kinh ngạc là ở lần khai quật này, di hài của bà vẫn nguyên vẹn.
Năm 1925, Thánh nữ Bernadette được Đức Giáo hoàng Pius XI phong Thánh. Lần thứ ba, mộ bà được mở ra. Di hài được đưa vào một quan tài bằng pha lê cho mọi người chiêm ngưỡng và quàn tại nhà nguyện ở Nhà thờ Lourder cho đến tận ngày nay vẫn còn, nếu có dịp xin mời các bạn đến thăm để được tận mắt chứng kiến.
Hùng hồn không kém là thi hài của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII (Đấng triệu tập Thánh Công Đồng Chung Vatican II năm 1962). Ngài qua đời ngày 03/06/1963 khi Công Đồng vẫn đang diễn ra, và sau đó Đức Hồng Y Montini lên ngôi với hiệu triều Đức Thánh Cha Phaolô VI tiếp tục Thánh Công Đồng.

Thi hài của ĐTC John XXIII được đặt ngay bên dưới chân bàn thờ chính của Đền thờ thánh Phêrô để dân chúng chiêm ngắm
38 Năm sau ngày ngài băng hà, Tòa Thánh tiến hành các thủ tục tôn phong Chân Phước cho ngài, khi mở quan tài để kiểm tra thì phát hiện xác chết của ngài không hề mảy may hư nát và thối rữa. Thời gian sau, ngài được tôn phong Chân Phước (Beautification).
Hiện nay, thi hài của ĐTC Gioan XXIII đã được đưa lên đặt trong 1 quan tài bằng pha lê bên dưới bàn thờ chính của Đền thờ Thánh Phêrô để dân chúng có thể kính viếng và chiêm ngắm. Nét mặt ngài vẫn giữ nguyên sức sống và cơ thể không hề bị tẩm ướp bằng bất cứ loại hóa chất nào. Hầm mộ cũ trước đây nơi đặt quan tài của ngài bây giờ đã được thế chỗ bằng quan tài của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.
 Thi hài Đức Thánh Cha John XXIII
Khoa học đang tìm lời giải
Các tài liệu tôn giáo nhìn chung đều cho rằng hiện tượng các vị thánh đạt tới nhục thân bất hoại là do sức mạnh siêu nhiên của Thiên Chúa, hoặc tu luyện đến độ gột rửa sạch mình đến mức cơ thể không thể bị phân hủy.
Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu hiện tượng này, nhưng theo một hướng khác tuy nhiên vẫn chưa có lời giải. Một giả thiết được đưa ra là trong những điều kiện môi trường, vật chất khá đặc biệt (như nhiệt độ, độ ẩm, yếm khí), vi khuẩn bị tiêu diệt làm quá trình phân rã theo tự nhiên không thể thực hiện. Nhưng xem ra giả thiết này không phù hợp, vì khi họ đưa xác các Thánh ra điều kiện môi trường bình thường, nó cũng không bị hư nát.
Di hài Thánh Vincent de Paul [Vinhsơn Phaolô]
Cho đến nay, chưa có cơ sở nào để giải thích hiện tượng nhục thân bất hoại. Hiện tượng này đang bị bao phủ bởi một bức màn kỳ ảo, và tất cả vẫn đang là giả thiết. Khoa học đang đau đầu khi tiếp cận với các thế lực của siêu nhiên.
Di hài Thánh Catherine Laboure (1806-1876)
Có rất nhiều trường hợp các Thánh khác xác không thối rữa và hư nát, ngược lại còn bốc mùi của hương hoa hồng như thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Thánh Martinô de Porrés...nhưng không liệt kê ra ở đây vì chưa kiếm thấy tài liệu hình ảnh, Peter sẽ post ngay khi kiếm được ảnh chứng thực như các ảnh trên.
Nguồn: http://2010menchuayeunguoi.blogspot....-bat-hoai.html

BÀI VIẾT


PHẢI CHĂNG ĐÀN GẨY TAI TRÂU?

Đàn đâu đàn gảy tai trâu
Đạn đâu bắn sẻ, gươm đâu chém ruồi
(Ca dao Việt)
Vào một buổi sáng mùa đông năm 2007, tại ga metro ở Washington DC, một thanh niên với chiếc đàn vĩ cầm, đứng chơi những bản nhạc nổi tiếng của Bach, Schubert, Massenet... trong vòng 45 phút.
Trong thời gian ấy, có chừng 2 ngàn người đi qua, đa số đang trên đường đến sở làm. Dường như không ai tỏ vẻ chú ý đến anh ta.
Sau khoảng 3 phút, một người đàn ông đứng tuổi đi qua, thấy nhạc sỹ đang chơi vĩ cầm. Ông đi chầm chậm, dừng lại vài giây, rồi vội vã đi tiếp cho kịp giờ...
4 phút sau:
Nhạc sỹ vĩ cầm nhận được đồng đô la đầu tiên do một người đàn bà ném vào thùng đàn của anh, nhưng không dừng lại, mà tiếp tục bước đi.
6 phút:
Một thanh niên trẻ đứng dựa vào tường, lắng nghe tiếng đàn, nhìn đồng hồ đeo tay, rồi tiếp tục bước đi...
10 phút:
Một đứa bé dừng lại nghe, nhưng người mẹ vội vàng lôi em đi tiếp. Bé cứ nhìn anh nhạc sỹ vĩ cầm, nhưng mẹ đẩy mạnh nên em phải bước đi và ngoái đầu quay nhìn lại. Nhiều đứa bé khác cũng ''bị'' đối xử như thế.
45 phút:
Nhạc sỹ vĩ cầm vẫn tiếp tục gảy đàn. Chỉ có 6 người dừng lại, lắng nghe trong vài ba phút, rồi cũng bỏ đi. Khoảng chừng 20 người ''cho'' anh tiền, vẫn tiếp tục bước đi... Chàng nhạc sỹ ''thâu được'' 32 đô la.
1 giờ sau:
Anh ta ngừng chơi và không gian im lặng trở lại. Không ai chú ý đến anh. Không một tiếng vỗ tay, và cũng chẳng có một lời tán thưởng.
Không ai biết thiên tài ấy chính là Joshua Bell, một trong những nhạc sỹ vĩ cầm nổi danh nhất thế giới. Trong hơn 45 phút qua, anh đã chơi những kiệt tác phức tạp nhất bằng cây đàn vĩ cầm trị giá khoảng 3.5 triệu đô la. Hai ngày trước đó, Joshua Bell trình diễn tại một nhà hát ở thành phố Boston, vé bán hết, không còn chỗ trống, mỗi vé là 100 đô la. Ban Tổ Chức sẵn sàng trả 1000 đô la mỗi phút cho tài năng của anh!
Ðây là kết quả của cuộc thử nghiệm do báo The Washington Post tổ chức. Trong cuộc thử nghiệm này, Joshua Bell phải ăn mặc thật bình thường: quần jean, áo thun, mũ kết, và chơi đàn trong giờ cao điểm: 7 giờ 45 sáng. Ban Tổ Chức chọn địa điểm biểu diễn là trạm ga ''L'Enfant Plaza'' vì, nơi đây, đa số khách metro đi qua là hạng trung lưu, chuyên nghiệp, trí thức, mà phần lớn làm việc cho Chính Phủ Liên Bang.
Trước khi tổ chức, các nhà thử nghiệm nghĩ rằng, tại Washington DC, một trong những đô thị phát triển nhất nước Mỹ về nhạc cổ điển (classical music), nhạc giao hưởng, Joshua Bell có thể sẽ thu hút rất đông khán thính giả dừng lại nghe, và có lẽ họ sẽ phải nhờ Cảnh Sát đến đó để giữ trật tự.
Nhưng, than ôi, chỉ có một người nhận ra Joshua Bell vì, trước đó ba tuần, cô ta có đi xem anh ấy trình diễn ở Library of Congress. Cô ta đã bỏ vào hộp đàn của Joshua Bell 20 đô la và tự giới thiệu mình khi anh ngưng chơi đàn.
Tờ Washington Post cho biết mục đích của cuộc thử nghiệm này là để xem thiên hạ có thể nhận ra, ý thức được những gì hay và đẹp giữa cuộc sống bận rộn của mình hằng ngày không!!!
Và, nếu như, trong cuộc sống, chúng ta không thể dừng lại giây lát để lắng nghe một nhạc sỹ lừng danh nhất thế giới chơi những giai điệu hay nhất, bằng nhạc cụ tốt nhất, nếu như cuộc sống quá bận rộn đến nỗi chúng ta không còn có thời gian để dừng lại, khiến mình vô tình lãng quên những điều tốt đẹp thì, trên ''con đường ta đi'', mình còn vô tình bỏ qua và đánh mất bao nhiêu điều đáng quý nào khác nữa...
Trong thời đại hôm nay, dường như đa số chúng ta có khá đầy đủ mọi thứ, nhưng có một điều mà chắc chắn ai trong chúng ta cũng thiếu, đó là cách biết sử dụng thời giờ của mình, dù chỉ một vài giây để đừng thờ ơ với cuộc sống, nhất là ''tình đời, nhạc sống'' quanh ta...
Phan Văn Phước
(PvP nhận từ người bạn cùng lớp, tự đặt câu hỏi làm tựa đề suy gẫm và có thêm ý của mình.)

BÀI VIẾT


CHUYỆN NGÔN NGỮ

Ông Phạm Quỳnh, chủ bút tạp chí Nam Phong (đầu thế kỷ XX), nói: "Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, mà tiếng ta còn thì nước ta còn".
Vấn đề là "nước ta còn". Thế nhưng "tiếng nước ta", gọi là "quốc ngữ", mà vẫn thường bị dùng thiếu chính xác – ngay cả trong cách dùng của những người được coi là "giới trí thức", báo chí, đài phát thanh và đài truyền hình. Có các "dư ngữ" quá nhiều: thì, là, mà,... Phàm cái gì "thừa" thì sẽ gây "vướng víu", "khó chịu" lắm!
Hằng ngày chúng ta dùng ngôn ngữ nhiều, dù nói hoặc đọc, nhưng đôi khi có những cách dùng từ hoặc câu văn thật... "ngây ngô". Chữ nghĩa mà biết nói năng, chắc là nó phải kêu oan tới trời!
Người ta thích đơn giản, nhưng lại thường làm ngược lại. Chắc hẳn ai cũng biết rằng câu văn ngắn gọn và súc tích sẽ làm người nghe/đọc dễ hiểu và hiểu chính xác vấn đề. Ngược lại, kiểu cách quá hóa rườm rà và lủng củng, khiến người nghe/đọc khó hiểu hoặc hiểu sai vấn đề.
Điển hình một số trường hợp:
Thay vì nói "cái này đẹp", chúng ta lại thường nói "cái này là đẹp" hoặc "cái này thì đẹp". Ngay cả báo viết cũng ghi vậy, và đài phát thanh hoặc đài truyền hình cũng nói vậy. Chữ "là" hoặc "thì" không cần thiết, chỉ làm câu văn nặng nề, rườm rà và "non yếu".
Tương tự, trong câu "nói đến người dân tộc thì mọi người đều liên tưởng đến...", chữ "thì" làm câu văn "trĩu nặng", nên dùng dấu phẩy để câu văn gọn gàng và nhẹ nhàng hơn: "Nói đến người dân tộc, mọi người đều liên tưởng đến...".
Liên từ "và" thì lại nói "thế và" (không phải "thế mà") – với nghĩa tương tự liên từ "vả lại", "tuy nhiên", "nhưng".
Người ta thường nói "đề cập đến" là dư chữ "đến" (tới), vì trong từ kép "đề cập" (nói đến, nói tới) đã ngầm hiểu giới từ "đến" (tới). Chỉ cần nói: "Đừng đề cập vấn đề đó nữa". Cũng vậy, cụm từ "liên quan đến (tới)" không thực sự cần thiết có giới từ "đến" (tới). Chỉ cần nói: "Vấn đề A liên quan vấn đề B".
Sao lại nói "hãy tự cứu lấy mình" hoặc "hãy biết lấy mình" mà không nói "hãy tự cứu mình" hoặc "hãy tự biết mình" cho gọn? Chữ "lấy" ở đây không cần thiết, nó làm câu văn rất... "vướng".
Chữ "dấu" và "giấu" cũng thường bị dùng sai. "Dấu" là "dấu vết", còn "giấu" là "che giấu" hoặc "giấu giếm". Ngay trên các website vẫn thấy người ta viết "che dấu", mà đúng ra phải viết "che giấu".
Người ta thường nói: "Tôi có yếu điểm là không ăn được cay". Đáng lẽ phải dùng chữ "nhược điểm" mới đúng, vì "yếu điểm" là "điểm mạnh", là sở trường, không phải là "điểm yếu"; "nhược điểm" mới là "điểm yếu".
Câu "tôi muốn biết bạn làm gì" khác với "bạn làm gì?". Câu "bạn làm gì?" là câu hỏi trực tiếp, phải có dấu nghi vấn (?); còn câu "tôi muốn biết bạn làm gì" là câu hỏi gián tiếp (không có dấu nghi vấn). Thế nhưng ngay cả báo chí vẫn in sai (có dấu ? trong dạng câu hỏi gián tiếp).
Những chữ thông thường mà nhiều người vẫn viết sai: "Sử dụng" mà lại viết "xử dụng", "giành nhau" mà lại viết "dành nhau", "quý vị" mà lại dùng "các quý vị",... Vì "giành" là "giành giật", "giành lấy"; còn "dành" là "dành riêng", "để dành"; và trong chữ "quý vị" đã bao hàm số nhiều, dư chữ "các".
Và còn nhiều từ ngữ khác bị dùng sai đến... "thấy thương". Đó là "bóp méo" ngôn ngữ! Quốc ngữ là "tiếng mẹ đẻ" mà còn dùng sai, sử dụng "xả láng", thiếu cân nhắc, huống chi khi sử dụng ngoại ngữ là ngôn ngữ của dân tộc khác, cứ lo "dịch" mà bỏ ngữ nghĩa hoặc cách nói của người ta.
Ngôn ngữ thể hiện bản sắc một dân tộc. Sử dụng một cách "vô tội vạ" là làm hư ngôn ngữ, làm mất tính trong sáng của ngôn ngữ. Việt ngữ bị "lệch lạc", học sinh ngày nay yếu kém vì Việt ngữ đã không được coi trọng, không được dạy đúng mức. Một Việt Nam vẫn hãnh diện là anh hùng với bốn ngàn năm văn hiến mà không có hàn lâm viện nào. Việt Nam có số tiến sĩ nhiều bậc nhất nhì Đông Nam Á mà không chấn chỉnh Việt ngữ. Không chịu hay không thể? Mẹ Việt Nam đau lòng biết bao! Có ai thấy hổ thẹn?
Ngôn ngữ nào cũng có cái "độc đáo" và có "độ khó" riêng. Còn Việt ngữ, ông bà ta so sánh: "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam". Điều đó chứng tỏ Việt ngữ rất phức tạp – phức tạp mọi thứ. "Đầu gối" hoàn toàn khác "gối đầu". Câu viết được ngắt bằng những dấu "chấm, phẩy". Câu nói được thể hiện bằng những "ngắt hơi". "Chấm, phẩy" sai, ngắt câu sai có thể làm biến nghĩa, thậm chí là hoàn toàn trái nghĩa. Vậy mà người ta thích "chấm" thì "chấm", khoái "phẩy" thì "phẩy". Chỉ là "cái nhỏ" nhưng không "nhỏ" chút nào!
Ví dụ: "Mỗi gia đình có hai con, vợ chồng hạnh phúc"; nghĩa là "nếu mỗi gia đình có hai (đứa) con thì vợ chồng (sẽ) hạnh phúc". Nhưng nếu dấu phẩy đặt sau chữ vợ, câu nói hoàn toàn biến nghĩa: "Mỗi gia đình có hai con vợ, chồng hạnh phúc"; nghĩa là "nếu mỗi gia đình có hai con (người) vợ thì (người) chồng hạnh phúc". Thật nguy hiểm!
Một nhà thơ "có tiếng" (Việt Nam) mà phát biểu thế này: "Chọn Tuyên Quang làm địa chỉ gặp gỡ đáng nhớ này, chúng tôi muốn diễn đàn Hội nghị là nơi bày tỏ tình cảm và trách nhiệm của các cây bút trẻ tiếp tục một cách xứng đáng truyền thống lịch sử vẻ vang của cách mạng và kháng chiến". Danh từ "địa chỉ" được dùng không chuẩn xác, đáng lẽ phải là "địa điểm".
Về các "thì", Việt ngữ không như ngoại ngữ, đôi khi không cần diễn tả "thì" chính xác, vì thế những từ diễn tả "thì" như "sẽ" và "đã" có thể khiến câu văn thêm cầu kỳ, đôi khi không thực sự cần thiết. Có những trường hợp nên lược bỏ. Liên từ "và" cũng vậy, đừng lạm dụng liên từ này, vì làm câu văn thêm luộm thuộm.
Việt ngữ có những từ... "rắc rối". Chẳng hạn: Văn sĩ và Thi sĩ là dùng từ Hán Việt, nghĩa là Nhà văn và Nhà thơ. Vậy Nhạc sĩ sao không gọi là "nhà nhạc"?
Ngoài những từ ngữ bị dùng sai trong tiếng Việt, vẫn thường thấy có những câu văn ngô nghê, tối nghĩa, rất mơ hồ. Danh nhân văn hào Tagore nói: "Trò chơi chỉ là trò chơi khi có người chơi nó". Chữ nghĩa có là trò chơi hay không mà sao người ta dám... "đùa" với nó? Trò chơi có thể là trời cho, nhưng cái gì trời cho chưa chắc là trò chơi!
Chữ phải có nghĩa, không có nghĩa thì còn gì là chữ? Tiền nhân nói: "Sai một ly, đi một dặm". Đúng thật!
TRẦM THIÊN THU
Ngày báo chí Việt Nam, 21-6-2012
Nguồn: WTGPHN

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

PHÓNG SỰ

THÁNH LỄ KỶ NIỆM 20 NĂM LINH MỤC
CỦA QUÝ CHA KHÓA I ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SG
TẠI NHÀ THỜ CHÁNH TÒA GP MỸ THO
21.06.2012

Để cảm tạ hồng ân của Thiên Chúa, vào sáng Thứ Năm 21.06.2012, quý cha thuộc Khóa I của Đại Chủng Viện (ĐCV) Thánh Giuse Sài Gòn đã quy tụ về Nhà thờ Chánh Tòa Giáo phận Mỹ Tho, để dâng Thánh lễ Tạ Ơn Kỷ Niệm 20 Năm Linh Mục. Trong thánh lễ này, Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc –Giám Mục GP Mỹ Tho– chủ sự phần Phụng Vụ Lời Chúa và Cha Giacôbê Hà Văn Xung –Cha sở Giáo xứ Chánh Tòa GP Mỹ Tho– chủ sự phần Phụng Vụ Thánh Thể. Đồng tế với Đức Cha và Cha sở, có Cha Tổng Đại Diện Phaolô Trần Kỳ Minh, 13 vị linh mục đồng niên với Cha sở và linh mục đoàn của Giáo phận. Tham dự thánh lễ này còn có các Sơ Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho, các Dì Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, các Dì Dòng Mến Thánh Giá Tân An và đông đảo giáo dân trong và ngoài giáo xứ. Số người tham dự thánh lễ này vào khoảng 400 người.
Quý cha là những Đại Chủng sinh đầu tiên sau khi ĐCV được phép tái hoạt động vào năm 1986. Do vậy, khóa này không gọi tên theo năm tốt nghiệp và lãnh nhận thánh chức linh mục như những khóa trước, mà được gọi là Khóa I (Khóa đầu tiên). Khi khai giảng, khóa này có 64 Đại Chủng sinh đến từ 6 giáo phận (Sàigòn, Mỹ Tho, Xuân Lộc, Đà Lạt, Phan Thiết và Phú Cường- lúc này chưa có GP Bà Rịa) và có 37 thành viên (thuộc các GP Mỹ Tho, Đà Lạt và Sài Gòn) được thụ phong linh mục vào ngày 27.06.1992. Trong số đó có 5 cha thuộc GP Mỹ Tho:
1.    Cha Giacôbê Hà Văn Xung: Cha sở Gx Chánh Tòa– Hạt Mỹ Tho
2.    Cha Phaolô Đặng Tiến Dũng: Cha sở Gx Thủ Ngữ– Hạt Mỹ Tho
3.    Cha Lêô Trần Văn Thanh: Cha sở Gx Kiến Bình– Hạt Tân An
4.    Cha Stêphanô Ngô Văn Tú: Cha sở Gx Mỹ Điền– Hạt Đức Hòa
5.    Cha Phaolô Phạm Minh Thanh: Cha sở Gx Vạn Phước– Hạt Đức Hòa

Cũng theo như lời của Cha Phaolô Đặng Tiến Dũng thì “đây là khóa học rất nhiều gian nan và vất vả, nhưng nhờ ơn Chúa các cha đã vượt qua và đã hiến dâng cho Giáo hội toàn bộ năng lực của mình.”
Đúng 9g30, đoàn đồng tế từ Nhà xứ di chuyển dọc theo hông nhà thờ đến trước tiền đàng Nhà thờ, sau đó tiến lên cung thánh. Trong khi đó, Ca đoàn cùng hợp xướng tâm tình bài hát nhập lễ “Con là Linh mục”: “Con là Linh mục đời đời theo phẩm hàng Menkisêđê...
Vào đầu thánh lễ, Đức Cha ngỏ lời chào đến Cha TĐD, quý cha trong và ngoài Giáo phận, đặc biệt là các cha Khóa I ĐCV. Đức Cha cầu xin Thiên Chúa chúc phúc cho các linh mục, và cộng đoàn cũng vỗ tay chào mừng quý cha.
Trong phần Giảng lễ, Đức Cha bắt đầu bằng một câu Kinh thánh: “Không có Thầy, anh em không làm gì được”, ngay sau đó ngài đã đặt lại một câu hỏi cho các linh mục: “Sau nhiều năm làm linh mục, anh em có nhiều kinh nghiệm, anh em thấy câu nói đó của Thầy có đúng không?”. Và để trả lời cho câu hỏi này, Đức Cha hướng dẫn các linh mục hãy đặt Chúa vào tâm hồn khi rao giảng, khi thi hành công việc mục vụ, khi đi truyền giáo, hay khi sống đời nội tâm. Và khi các cha đã đưa Chúa vào trong tinh thần của các công việc này thì đời sống của người linh mục sẽ tràn đầy tình yêu thương và niềm vui trọn vẹn của người môn đệ Chúa Kitô.
Đức Cha nói tiếp: “Anh em có vui, có hạnh phúc trong cuộc đời linh mục của mình không? Nếu có, đó là dấu hiệu Chúa Thánh Thần là Thần Tình Yêu đang cư ngụ trong lòng anh em. Bấy giờ anh em mới có thể thực hiện một cách dễ dàng điều răn mới Thầy dạy cho anh em là “hãy yêu thương nhau, như thầy đã yêu thương anh em(Ga 15,12).
Tiếp theo, Đức Cha cũng giải thích về hoa trái mà các linh mục gặt hái trong đời sống mục vụ, đó chính là những kết quả mà các giáo dân của các cha đã đạt được trong đời sống đạo đức; những hoa trái của Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến. Cuối cùng ngài ước mong các linh mục luôn “ở lại trong tình thương của Thầy Giêsu để cuộc đời linh mục của anh em luôn được hạnh phúc và sinh nhiều hoa trái như lòng Chúa mong ước.”
Thánh lễ tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể do Cha Giacôbê Hà Văn Xung chủ sự. Sau lời nguyện hiệp lễ, Cha Giuse Phạm Hồng Thái –Cha sở Gx Hàng Xanh Gp TP. Hồ Chí Minh, trưởng lớp– đại diện cho các linh mục Khóa I có đôi lời tri ân với Đức Cha. Đầu tiên, Cha chân thành cảm ơn Đức Cha đã yêu thương chăm sóc và dạy dỗ cho các linh mục Khóa I trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Cha cũng nói lên đôi điều cảm nhận và suy tư về đời sống mục vụ của các ngài, sau khi nghe bài giảng của Đức Cha. Và những điều này sẽ như một bài học, là kim chỉ nam cho đời sống linh mục của các ngài. Dù chưa đến ngày lễ kính, nhưng cha nói lời tiên chúc bổn mạng thánh Phaolô của Đức Cha. Sau đó, các ngài dâng lên Đức Cha bó hoa tươi thắm, và món quà nhỏ như tấm lòng của con thảo, trong tiếng vỗ tay của cộng đoàn.
Đáp từ, Đức Cha kể về một số kỷ niệm vui thời làm cha giáo trên ĐCV, đồng thời ngài cũng giới thiệu tên và nhiệm sở của một số cha Khóa I cho cộng đoàn. Ngài mong ước rằng tất cả mối quan hệ trong giáo hội đều biểu lộ được tình yêu của Thiên Chúa. Sau cùng, ngài chúc cho các cha mạnh khỏe và hạnh phúc trong đời sống linh mục.
Thánh lễ kết thúc vào lúc 11g00, 14 linh mục Khóa I đã chụp hình lưu niệm với Đức Cha. Chúng ta cùng cầu chúc các linh mục luôn được tràn đầy hồng ân Chúa, trong sứ vụ cao cả mà các ngài đã lãnh nhận 20 năm trước.
Hoài Bão

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

BÀI VIẾT


TẢN MẠN CHUYỆN ĂN MẶC

Ngày nay, người ta biện minh với lý do là văn minh. Văn minh thì phải có văn hóa, nhưng văn minh đôi khi lại thiếu văn hóa trầm trọng, thậm chí là phi văn hóa ngay trong những cái được mệnh danh là văn hóa!
Thường ngày chúng ta thấy có những phụ nữ trên đường mà ăn mặc lố bịch, gây “xốn” mắt thiên hạ, chắc hẳn họ nghĩ là đẹp” mới chưng diện kiểu “ô uế” như vậy. Và chắc hẳn họ muốn tạo sự chú ý của người khác. Các ca sĩ là những người “làm văn hóa”, đáng lẽ phải thể hiện văn hóa thì lại ăn mặc phi văn hóa. Từ diễn viên hoặc người mẫu tới các cô gái bình thường cũng đua nhau chụp hình “nghèo”, họ gọi đó là để “lưu dấu tuổi xuân”, thậm chí họ còn quay các video clip tung lên các website để “bắt” người khác xem “miễn phí”.
Người Việt vốn dĩ theo văn hóa Đông phương mang tính lễ giáo cao mà còn vậy huống chi các nước văn minh khác trên thế giới!
Người xưa quan niệm: “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Nhưng ngày nay, những người-tự-nhận-có-văn-hóa lại hùng hồn tuyên bố thẳng thừng: “Cái đẹp đè bẹp cái nết”. Đúng là… “hết ý”! Ngày xưa người ta nói: “Hồng nhan bạc phận”, còn ngày nay người ta nói: “Hồng nhan bạc triệu”. Chắc hẳn Mẹ Việt Nam đau lòng lắm lắm!
Cách ăn mặc thể hiện rõ nét văn hóa. Người Việt chúng ta nói giản dị mà thâm thúy: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Những điều tưởng chừng là cơ bản nhất theo bản năng như vậy mà vẫn phải học, huống chi những thứ khác. Lạ thật!
Có vấn đề về cách mà sự khiêm nhường được nói đến và được tiếp cận. Sự khiêm nhường đó được che đậy bằng từ ngữ giới tính. Thông điệp đó là: Cơ thể tốt cho 2 thứ – có con và truyền cảm hứng cho đàn ông tán tỉnh. Chỉ một trong những thứ đó là tốt và bạn phải tránh những thứ khác bằng mọi giá. Bạn ô uế vì bạn là phụ nữ.
Dĩ nhiên vấn đề đó là không thật. Nhưng thực sự đã có sự tổn thương. Khi chúng ta thường xuyên nói về sự khiêm nhường thì chúng ta nói về giới tính. Dĩ nhiên, hiếm khi hiển nhiên như thông điệp trên kia, nhưng vẫn là một thông điệp: Phụ nữ nên khiêm nhường vì cơ thể cô ta có thể kích thích nam giới. Có người “khêu” mới có người “gợi”. Chắc chắn họ nói: “Cô ấy có phẩm giá, cô ấy nên ăn mặc đúng phẩm giá”, nhưng điều không được giải thích là cách định nghĩa về phẩm giá. Phẩm giá ở đây được xác định là “vô tính” (asexual).
Vui khi nhìn, như ngắm một bông hoa. Một đối tượng thực tế. Một phụ nữ có phẩm hạnh sẽ không bao giờ làm nổi bật bất cứ thứ gì trên cơ thể họ, trừ khuôn mặt hoặc mái tóc. Cô ta không bao giờ phơi bày đôi chân, bộ ngực, vòng eo hoặc mông. Chỉ có người chồng của cô ta mới có thể biết những thứ đó.
Đây là điều xấu hổ. Cách này chỉ dùng để cụ thể hóa phụ nữ như công nghệ khiêu dâm. Phụ nữ không là một đóa hoa mà là một con người. Nó cũng làm giảm giá trị đàn ông như thú vật, không thể kiểm soát những tư tưởng tồi tệ nhất của họ. Thông điệp của sự khiêm nhường chỉ là sự tổn thương.
Phải có cách giáo dục giá trị của sự khiêm nhường mà không cụ thể hóa phụ nữ và đàn ông. Phải có cách giáo dục giá trị của sự khiêm nhường mà không tập trung vào giới tính tới mức người ta cảm thấy ghê tởm. Khiêm nhường là con đường hai chiều.
Chúng ta nên giáo dục sự khiêm nhường. Khi nói về sự khiêm nhường, chúng ta nên nói về việc ăn mặc, nữ giới và nam giới đều cần. Có biết tự trọng thì mới khả dĩ tôn trọng người khác, và đó cũng là tôn trọng nhân phẩm lẫn nhau. Khiêm nhường cũng là tự hạ – một phụ nữ khiêm nhường là phụ nữ kín đáo và dè dặt, cách ăn mặc phản ánh điều đó. Mặc đẹp không phải là chưng diện lòe loẹt hoặc thiếu trước hụt sau.
Ăn mặc có mục đích. Cái gì cũng có mục đích, ngay cả cách ăn mặc. Đồ này mặc lúc này, đồ kia mặc lúc khác. Rõ ràng và hợp lý. Đó là “luật ăn mặc”. Bikini để đi tắm biển, pyjamas để đi ngủ, đồ bộ lửng để mặc ở nhà, quần shorts để đi chơi,… Thế nhưng người ta đã “đảo lộn” tất cả, thậm chí có người còn mặc những trang phục “ngược đời” đến những nơi tôn nghiêm! Phụ nữ tinh tế có thể “làm duyên” bằng nhiều cách, dùng trang phục hở hang để “làm duyên” là hạ cấp!
Ăn mặc vì tôn trọng. “Ăn cho mình, mặc cho người” – tục ngữ Việt Nam nói vậy. Ăn mặc nghiêm túc là tự trọng và tôn trọng người khác. Ăn mặc lố bịch không chỉ tự hạ thấp mình mà còn coi thường người khác. Ăn mặc nghiêm túc là gọn gàng và sạch sẽ, chứ không phải là đồ mới hoặc đồ tốt. Biết ăn mặc là người thông minh! Người giản dị là người có “chiều sâu”. Người thích chưng diện là người nông cạn, muốn dùng bề ngoài che giấu “cái yếu” của mình.
Phụ nữ Công giáo càng phải cẩn trọng hơn về cách ăn mặc, vì là con cái Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói: “Tôi muốn người đàn bà phải ăn mặc đoan trang, đồ trang điểm phải kín đáo, giản dị: không phải là những kiểu tóc cầu kỳ, vàng bạc, ngọc trai hay quần áo đắt tiền” (1 Tm 2:9). Còn Thánh Phêrô nói: “Ước chi vẻ duyên dáng của chị em không hệ tại cái mã bên ngoài như kết tóc, đeo vòng vàng, hay ăn mặc xa hoa; nhưng là con người nội tâm thầm kín, với đồ trang sức không bao giờ hư hỏng là tính thuỳ mị, hiền hoà: đó chính là điều quý giá trước mặt Thiên Chúa” (1 Pr 3:3-4).
Bạn có thể tham khảo thêm chương 11 trong thư gởi giáo đoàn Côrintô về trang phục phụ nữ (1 Cr 11:4-15).
Trầm Thiên Thu
Nguồn: giaophanvinh