Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

BÀI VIẾT


Mẹ

                        Xin tặng cho những ai được diễm phúc còn có Mẹ

Con sẽ không đợi một ngày kia
khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt
Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua
mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ
ai níu nổi thời gian?
ai níu nổi?

Con mỗi ngày một lớn lên
Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi
Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn.

Con sẽ không đợi một ngày kia
có người cài cho con lên áo một bông hồng
mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ
mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bông hồng
hoa đẹp đấy - cớ sao lòng hoảng sợ?
Ta ra đi mười năm xa vòng tay của mẹ
Sống tự do như một cánh chim bằng
Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái
Có bao giờ thơ cho mẹ ta không?
Những bài thơ chất ngập tâm hồn
đau khổ - chia lìa - buồn vui - hạnh phúc
Có những bàn chân đã giẫm xuống trái tim ta độc ác
mà vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ
ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ
giọt nước mắt già nua không ứa nổi
ta mê mải trên bàn chân rong ruổi
mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng
Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân
mấy kẻ đi qua
mấy người dừng lại?
Sao mẹ già ở cách xa đến vậy
trái tim âu lo đã giục giã đi tìm
ta vẫn vô tình
ta vẫn thản nhiên?

Hôm nay...
anh đã bao lần dừng lại trên phố quen
ngả nón đứng chào xe tang qua phố
ai mất mẹ?
sao lòng anh hoảng sợ
tiếng khóc kia bao lâu nữa
của mình?
Bài thơ này xin thắp một bình minh
trên đời mẹ bao năm rồi tăm tối
bài thơ như một nụ hồng
Con cài sẵn cho tháng ngày
sẽ tới !

Đỗ Trung Quân


BÀI VIẾT


CÂU CHUYỆN VỀ CHỮ NHẪN

Có một nhà sư chọn tu pháp Nhẫn nhục Ba la mật, sau nhiều năm tháng nỗ lực tu tập thì sư cũng thành tựu được rất nhiều công hạnh, trụ vững như kim cương khi bình an trước mọi nghịch cảnh, bị người khách ganh ghét, lăng nhục, mưu hại sư vẫn luôn nở nụ cười trên môi thản nhiên như không.
Rất nhiều người tán thán sư và thường xuyên đến chỗ sư để đàm đào và thực tập hạnh tu này, sư luôn vui vẻ tiếp đón và chia sẻ những kinh nghiệm thực tập được cho họ.
...
Một hôm có một thanh niên đến tham quan chùa, anh ngưỡng mộ hạnh tu của sư nhưng vì mới tìm hiểu đạo nên không biết chuyện gì để tham vấn, nhìn quanh thấy trên tường treo tấm bảng gỗ có một chữ sư viết rất bay bướm, anh liền hỏi: “Thưa Thầy, đây là chữ gì ạ?”
Sư trả lời đầy vẻ tự hào:
- Chữ Nhẫn viết theo lối thư pháp, ta phải tập viết hàng trăm lần mới được như ý đấy con à.
Anh gật gù vẻ tán thưởng, sau khi đi lòng vòng ngó nghiêng đây đó anh đứng trước tấm bảng gỗ gãi đầu gãi tai: Thưa Thầy chữ gì đây ạ?”
Nhà sư tươi cười trả lời:
- Ta tu hạnh nhẫn nhục nên viết chữ Nhẫn đó mà .
Một chút sau, anh lại ngắm nghía tấm bảng và hỏi: “Thưa Thầy, thầy viết chữ gì đây ạ ?”
- Chữ NHẪN!
Trước khi ra về anh lại tần ngần trước tấm bảng: “Thưa Thầy, chữ gì đây ạ?”
Nhà sư không chịu nổi nữa , nộ khí xung thiên:
- Chữ nhẫn! nhẫn! nhẫn! Đồ ngu, ngu gia truyền! Có một chữ mà nãy giờ hỏi hoài, hỏi hoài! Cút ngay!

Lời bàn :
Chữ Nhẫn được ghép từ hai chữ: Đao ở trên và Tâm ở dưới. Tâm (tức là trái tim) mà không chịu nằm yên thì Đao (tức con dao) sẽ phập xuống tức thì. Vậy đấy, tự mình mà nhẫn nhịn được thì đao kề cổ vẫn bình yên vô sự, bằng không thì tai họa sẽ giáng xuống đầu mình trước tiên
Cách viết chữ nhẫn:
Chữ ĐAO (con dao) ở trên và chữ TÂM (con tim) ở dưới. Lưỡi dao ấy ở ngay trên tâm, và nếu như gặp chuyện mà không biết nhẫn nhịn thì tránh sao khỏi đau đớn, có nhẫn nhịn mới chuyển nguy thành yên, bại thành thắng, dữ thành lành…

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

BÀI VIẾT


VẤP NGÃ

Đi vào cuộc đời, chẳng ai muốn mình bị vấp ngã. Té kiểu nào, vấp kiểu nào cũng đều để lại thương tích, không lớn thì bé; không nghiêm trọng thì cũng trầy xước, để lại cái đau. Nên ai cũng mong đường đời mình bằng phẳng, không đi trên đá sỏi, chẳng vấp ngã bao giờ.
Cái vấp ngã thấy được để lại những vết thương hiển nhiên. Cái vấp ngã vô hình để lại cái nhức nhối, thấm thía từ bên trong. Vấp ngã đau nhất vẫn là cái bên trong, cái chẳng có hình tượng, nhưng lại rõ mồn một và làm cho con người thấm thía hơn bao giờ hết sự thất bại của tự mãn, của giới hạn hiển nhiên trong thân phận hữu hạn đầy yếu đuối của con người.
Cái tự đắc, kiêu căng, kiểu tự tin vượt mức cho phép bỗng trở nên trò đùa, trở nên lố bịch trước cú vấp ngã. Tình trạng dở khóc dở cười ở con người là thế! Không khóc nổi bởi nhận ra cái hão huyền của tự mãn. Và cũng không cười nổi bởi không thể cười thật vào chính mình, vì có mấy ai muốn nhìn thấy khuôn mặt đáng thương với nhiều vết lọ lem to nhỏ của mình bao giờ!
Vấp ngã như cơn lũ đến, quét sạch những cái rác rưởi, các vật thể có mặt trên đường lũ đi qua. Vấp ngã ào tới, cái ý thức về giới hạn bỗng nhận diện trở lại, con người chợt bừng tỉnh sau giấc ngủ mê của cái ảo tưởng về bản thân, của sự tự đánh bóng, ru ngủ chính mình. Vấp ngã đạp đổ cái kiêu ngạo, bắt tận mục cái “tôi” hèn yếu đang ẩn núp, và kết tội cái tôi tự mãn đang thống trị con người.
Chàng thanh niên giàu có hăm hở tiến đến hỏi Đức Giê-su “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” ( x. Mt 19,16-22). Có lẽ, khuôn mặt anh lúc ấy đang rạng lên những tia hy vọng khi ngỡ mình đã đạt được sự công chính khi biết mình đã giữ luật từ thưở bé “Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa không?”. Nhưng cú vấp ngã đau nhất của anh ở vào cuối câu chuyện, trước lời yêu cầu của Đức Giê-su “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Anh đau đớn, buồn rầu bỏ đi. Không ai đẩy mà anh lại té ngã. Cú ngã của thất bại nơi chính mình. Anh vấp ngã bởi anh không thể từ bỏ những gì anh đang sở hữu. Anh tưởng mình hoàn thiện nhưng thật ra lại quá giới hạn, không đủ sức mạnh vượt thắng được chính mình.
Hình ảnh một Phê-rô khóc lóc thảm thiết sau khi chối Thầy, bởi ông nhận ra sự vấp ngã của mình khi bội phản Thầy ( x. Mt 26,69-75). Một hình ảnh trái ngược hoàn toàn với lời quyết đoán chắc nịch trước đó của ông “Lạy Chúa, dẫu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng” ( x. Lc 22,31-34). Cú vấp ngã cay đắng làm cho Phê-rô chợt tỉnh, nhận ra sự hèn yếu, đáng thương, giới hạn của sức mạnh nơi chính mình. Lòng hăng say, quyết tâm sống chết vì Chúa trong lời tuyên bố đầy dũng khí, bỗng trở nên bọt bèo, vô nghĩa khi đối diện với sự sợ hãi, bắt bớ và cái chết. Nhưng điều lạ lùng nơi tình yêu đỡ nâng của Thiên Chúa đã làm cho Phê-rô nhận ra bài học từ sự vấp ngã, nhìn nhận yếu đuối thực của con người mong manh giới hạn, để rồi ông đã hoàn toàn phó thác trọn vẹn cho Thiên Chúa cuộc đời của mình, để Ngài dẫn dắt “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự. Thầy biết con yêu mến Thầy”. (x. Ga 21,15-19).
Cuộc đời có bao nhiêu kiểu người, thì cũng có bất nhiêu dạng vấp ngã, nên nó chẳng có “form” chung, không có hình hài rõ rệt. Nó tùy thuộc vào nhận thức, điểm yếu, giới hạn, kiểu suy nghĩ, hành xử, nét tính cách của mỗi người mà hình thành, làm nên cú vấp ngã nặng cân hay nhẹ ký.
Vấp ngã không chỉ một lần, nhưng sao mãi hoài như điệp khúc bài hát cuộc đời? Điệp khúc ấy, không muốn hát, nhưng vẫn cứ lặp lại, bởi cái giới hạn phận người trong tôi, của cát bụi, của mỏng manh thân phận, của cái bất nhất trong con người, của cuộc chiến nội tâm “điều tôi muốn, tôi lại không làm, những điều tôi ghét, tôi lại cứ làm” ( x. Rm 7,15).
Vấp ngã...thương tích ê chề...
những nỗi đau vô hình...
gắng gượng từng chút...từng chút một,
đè lên nỗi đau để đứng lên,
hay, vấp ngã ... bi thương, đau đớn trong mệt mỏi, thất vọng...
đóng kín lòng mình
và buông xuôi mái chèo?
Biết bao người đã té ngã, nhưng lại tìm thấy niềm vui trong nước mắt, tìm thấy vinh quang trong thất bại, và đã thật sự đứng lên trong nhịp đập của yêu thương, trong tiếng hò reo của chiến thắng. Nhưng lại cũng có bao nhiêu cú vấp ngã không thể vực dậy, không nhắc nổi thân mình để đứng gượng một chút một ra khỏi vùng mờ mịt, buông xuôi kéo lê cuộc đời chìm ngập trong thất vọng.
...
Tôi, cũng không loại trừ bị vấp ngã, cho dù tôi là ai đi chăng nữa. Bởi tôi cũng chỉ là con người với biết bao yếu đuối, giới hạn lớn nhỏ, mang theo suốt cả cuộc đời mình.
Những vết sẹo mờ dần trong cuộc đời sau bao phen vấp ngã đủ để chứng minh cuộc đời mình đã bao phen không thể đứng vững. Nước mắt...hạnh phúc và...nước mắt... như là bản nhạc cuộc đời của riêng mình, dù muốn dù không, mà tôi vừa là nhạc sĩ và ca sĩ, phối nhạc, thu âm, hát... cho đến khi... tôi nhắm mắt, từ giã mọi người để đi vào miền đất sẽ chẳng còn vấp ngã! Ca khúc ấy, được hát, được nghe...có cả những cung bậc trầm buồn của thương đau, của nước mắt, nhưng cũng có cả những âm vực cao vút với giai điệu của rộn ràng, hạnh phúc. Ca khúc được tấu lên sẽ không phải để than trách, nhưng là để tạ ơn, để cảm nếm hạnh phúc bởi tôi được yêu ngay cả khi tôi đang bội phản, khi tôi đang vấp ngã, khi tôi đang sóng soài loay hoay mệt mỏi, khi tôi đang đưa mắt tìm...bàn tay nâng tôi đứng dậy.
Bàn tay ... đôi tay kéo tôi đứng dậy sau vấp ngã, giúp tôi đứng lên, và dìu tôi đi tới miền đất mới phải là bàn tay, những ngón tay của yêu thương, nhân hậu, khoan dung và tha thứ.
Bàn tay dịu dàng, êm ái ấy luôn sẵn sàng nắm lấy tay tôi, kéo tôi lên và đưa tôi trở lại vùng đất của sự sáng “Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!” (Rm 7, 24-25).
Vấp ngã bỗng trở nên biến cố hồng ân, là quà tặng để tôi nhận ra tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa đang cúi xuống trên mình. Không phải ngẫu nhiên hay tình cờ, nhưng tình yêu đó đã có từ trước muôn đời, từ khi con người bé nhỏ của tôi được tạo dựng “Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy” ( x. Tv 138,16). Tình yêu ấy giăng trải suốt cuộc đời, trong cả những đau thương và niềm vui, trong cả thất bại lẫn chiến thắng, và trong tất cả những lần tôi vấp ngã. Có té đau, tôi mới cảm nhận được sự êm ái của đôi tay bồng bế mình. Có vấp ngã, tôi mới hiểu được nước mắt của hạnh phúc khi nhận ra mình vẫn luôn được yêu thương, chăm sóc và che chở. Có vấp ngã, tôi mới nhận ra tình yêu nhưng không, một tình yêu bất biến, một tình yêu nhân hậu, thật kiên nhẫn của Thiên Chúa dành tặng cho con người bất toàn, yếu đuối và bất trung nơi tôi. Và nơi vùng trời đầy yêu thương ấy, tôi lặng lẽ thầm với Chúa “Chúa ơi! Chúa biết rõ mọi sự. Chúa biết con yêu mến Ngài!” (x. Ga 21,15-19)
Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, OP
(Nguồn: Vietcatholic)

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

TIN GIÁO HỘI HOÀN VŨ


LẦN ĐẦU TIÊN CUỘC ĐỜI THÁNH AUGUSTINÔ ĐƯỢC ĐƯA LÊN MÀN ẢNH RỘNG

Trái tim không nghỉ yên”, một bộ phim về nhà thần học nổi tiếng, thánh Augustinô thành Hippo, sắp được trình chiếu tại các rạp chiếu bóng được tài trợ trên khắp nước Mỹ.
Ông Mark Brumley, giám đốc phát hành phim Ignatius Press phát biểu: “Chúng tôi rất vui mừng đưa “Trái tim không nghỉ yên” lên màn ảnh rộng. Câu chuyện của Thánh Augustinô thật lôi cuốn, hấp dẫn và các tác phẩm của ngài thuộc hàng những tác phẩm được tôn trọng nhất trên thế giới, cả đến ngày nay”.
Bộ phim với chi phí 20 triệu đôla do Christian Duguay đạo diễn. Diễn viên đóng vai Augustine là Alessandro Preziosi, diễn viên Monica Guerritore đóng vai Monica.
Thánh Augustinô là tác giả của nhiều bài giảng và tác phẩm lớn, trong đó có “Tự thú”, một tác phẩm nổi tiếng viết về thời thơ ấu và cuộc sống của ngài khi là một học giả và giám mục vào thời Đế quốc Roma, thế kỷ thứ tư. Tác phẩm mô tả về những tội lỗi và cuộc hoán cải của ngài đã đem lại nguồn cảm hứng cho những người khác trong nhiều thế kỷ.
Brumley cho biết bộ phim là “câu chuyện cảm động nhất về việc hoán cải và hòa giải từng được đưa lên màn ảnh rộng”.
Có thể xem trích đoạn phim tại địa chỉ:
(Theo CNA, 20-08-2012)
Thái Hòa
(Nguồn:  WHĐ)

SƯU TẦM


VÀI ĐIỀU THÚ VỊ VỀ DINH THỰ MÙA HÈ
CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG


Ông Saverio Petrillo, giám đốc khu Dinh thự Giáo hoàng Castel Gandolfo, cho biết các biệt thự và trang trại tại dinh thự mùa hè của Đức Giáo hoàng được hình thành sau nhiều thế kỷ.
Petrillo, người làm việc tại Dinh thự Giáo hoàng trong 50 năm qua, nói rằng Dinh thự Giáo hoàng là một quần thể gồm 3 di tích lịch sử “được dần dần sát nhập lại với nhau để tạo thành dinh thự mùa hè của Đức Thánh Cha”. Khu biệt thự và trang trại rộng 55 ha, một diện tích lớn hơn cả thành phố Vatican.
Ông Petrillo nói rằng Castel Gandolfo đã trở thành nơi tĩnh dưỡng của Đức Giáo hoàng kể từ thế kỷ XVII, khi Đức Giáo hoàng Urban VIII liên tục thực hiện các chuyến viếng thăm của ngài kể từ khi ngài được vinh thăng hồng y.
15 trong số 31 vị Giáo hoàng gần đây nhất đã tiếp tục truyền thống này, mặc dù một số vị không đến đây vì sở thích cá nhân, vì lý do sức khoẻ hoặc vì những lý do lịch sử, như khoảng thời gian từ thời ĐGH Piô IX đến thời ĐGH Piô XI, các ngài đã không rời khỏi Vatican vì tình hình chính trị tại Ý lúc bấy giờ.
Khu di tích lớn nhất từng là biệt thự riêng của Hoàng đế La Mã Domitian. Dinh thự của vị hoàng đế này rộng hơn 8 km2 trong khu vực và bao gồm một nhà hát. “Nhà hát đó khá nhỏ, có thể chứa khoảng 400 khán giả, chỉ dành cho hoàng đế và những người thân cận nhất của nhà vua”.
Đức Giáo hoàng Piô XI đã dựng một cây Thánh giá trong khu biệt thự “để ghi nhớ cuộc chiến thắng của Thánh giá đối với kẻ bách hại. Hoàng đế Domitian, hẳn bạn còn nhớ, là một người bắt bớ các Kitô hữu cách dữ dội và Đức Giáo hoàng muốn minh chứng sự chiến thắng của Thánh giá”.
Mỗi mùa hè, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đều đến các khu vườn này để đi dạo và thỉnh thoảng lần chuỗi Mân Côi ở đó.
Khu vườn Belvedere của dinh thự được chia làm 3 khu vực. Khu thứ nhất là những vườn hoa, được lấy cảm hứng từ những công trình tại các vương cung thánh đường của Rôma. Khu thứ hai có 4 mê cung phản chiếu như gương. “Mê cung như thế trong khu vườn của Ý diễn tả sự tìm kiếm tri thức của con người”. Khu thứ ba của là vườn cam quýt với những cây bách bao quanh. Xuống phía dưới có những hồ nước phẳng lặng như gương và hàng rào cây cảnh được cắt tỉa khiến khách hành hương gợi nhớ đến những cống nước thời La Mã”.
Khu dinh thự còn có lối đi có mái che của Hoàng đế Domitian, được gọi là “hiên-mật” (crypto-potico). Hàng hiên dài khoảng 300m, nhưng chỉ còn giữ lại khoảng 130m. Những vết khói ám trên các bức tường của hàng hiên có thời từ thời Thế giới II là một biến cố lớn đối với Castel Gandolfo.
“Khi quân Đồng minh dừng chân tại Anzio (phía nam thành Rôma), Đức Thánh Cha đã tiếp đón khoảng 10.000 người tị nạn tại đây. Đặc biệt, một sự kiện đẹp đáng nhớ là trong khoảng thời gian đó có 50 em bé được sinh ra và tất cả các bé đều được sinh ra trong phòng của Đức Giáo hoàng, lúc đó được chuyển thành phòng hộ sinh”.
Trang trại của khu dinh thự “đặc biệt ấn tượng” và cung cấp hầu như tất cả thực phẩm mà Đức Giáo hoàng dùng. “Nơi đó chúng tôi nuôi bò sữa, gà, trồng rau và có rất nhiều cây ô liu để sản xuất một ít dầu ô liu”.
Giuseppe Bellapadrona, Giám đốc Trang trại Giáo hoàng, cho biết Đức Giáo hoàng Piô XI muốn có một trang trại nhỏ để sản xuất thực phẩm theo cách thức “hữu cơ và tốt cho sức khoẻ”.
Trang trại bao gồm gà và một chuồng 30 con bò sữa để lấy sữa mỗi ngày. Ngoài ra còn có những cây ô liu 800 năm tuổi, trái của nó được sử dụng để chế biến dầu ô liu “tinh khiết”.

















Mai Trang
(Nguồn: emty.org)

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

BÀI VIẾT


Hạnh phúc đời thường

Cảm nhận hạnh phúc giữa đời thường
Sáng Chúa Nhật ngày 12.08.2012, anh em chúng tôi có dịp đến Mái Ấm Thiên Ân, tọa lạc ở số 122 Nguyễn Ngọc Nhựt, phường Tân Quý, quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh. Nơi đây có những con người với những hoàn cảnh rất đặc biệt: họ là những người khiếm thị. Dù vậy, những tia sáng ấm áp  nhạy cảm yêu thương và hy vọng vẫn toát lên từ trong sâu thẳm tâm hồn họ. Nơi những con người ấy, anh em chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc giữa đời thường.
Bạn thân mến, sống trong cuộc đời ai cũng đi tìm cho mình hạnh phúc. Thế nhưng, hạnh phúc là gì? Cuộc sống với muôn màu muôn vẻ, vậy đâu là hạnh phúc đích thực cho con người?  Bạn và tôi đã từng cảm nhận hạnh phúc giữa đời thường bao giờ chưa?
Hạnh phúc giữa đời thường là khi biết sống bởi những điều đơn giản
Anh tôi có lần tâm sự: “Cha mẹ hai đứa cháu của mình đi làm tăng ca tới tối mới về. Tụi nó đi học không có người đưa rước. Mình muốn về quê để làm công việc này thay cho cha mẹ nó. Thật tội nghiệp.” Anh tôi là người sống rất đơn giản. Đơn giản trong cách ăn mặc. Đơn giản trong cách giao tiếp. Đơn giản trong nghề nghiệp mà anh chọn là tham vấn viên thiện nguyện cho những thân chủ bị nhiễm HIV. Bởi vậy, hạnh phúc giữa đời thường mà anh chọn cũng thật đơn giản biết bao. Anh nói: “Mình thích một cuộc sống an nhàn. Đôi lúc muốn về quê đi dạy giáo lý phục vụ Chúa, giáo xứ và Giáo hội như năm xưa.” Ngẫm nghĩ mới thấy anh đã xác định rất rõ niềm hạnh phúc cho cuộc đời mình. Hạnh phúc bởi những điều đơn giản và bình thường.
Thế nên, Albert Camus mới đúc kết trải nghiệm cuộc đời bằng câu nói ngắn gọn:“Nhưng hạnh phúc còn là gì ngoài sự hài hòa giản đơn giữa một người và cuộc sống của anh ta.” Thật vậy, chúng tôi đã cảm nhận được niềm hạnh phúc của những con người nơi mái ấm Thiên Ân. Hạnh phúc thật đơn giản và bình thường qua những nụ cười, ánh mắt, qua những lời ca tiếng hát hay những khoảnh khắc thinh lặng riêng tư trải nghiệm đời mình. Bữa ăn trưa của chúng tôi cũng thật đơn giản. Mỗi người chỉ có một tô bò kho và mấy miếng mít tráng miệng. Dù vậy, mái ấm Thiên Ân vẫn chan hòa sự ấm áp và hạnh phúc. Hạnh phúc khi được ngồi ăn chung. Hạnh phúc khi được hỏi thăm chuyện trò. Rất thân thiện và hòa đồng.
Dù vậy, cuộc sống đâu đơn giản như ta nghĩ bao giờ. Phần đông con người hiện đại hôm nay đâu dễ gì lựa chọn cho mình những điều đơn giản bình thường? Vậy khao khát những gì?
Hạnh phúc là biết chấp nhận những gì mình đang có và làm những gì mình yêu thích
Publilius Syrus từng nói: “Không ai hạnh phúc nếu không nghĩ mình hạnh phúc.” Vì thế, hạnh phúc là khi con người ta biết chấp nhận những gì mình đang có. Dù vậy, con người vốn không bằng lòng với những gì mình có bao giờ. Có tiền lại muốn có thêm tiền. Có tiền lại muốn có thêm quyền v.v… Thế nhưng, cuộc đời này đâu có gì là trọn vẹn tuyệt đối bao giờ. Con người ta vẫn không thấy thỏa mãn. Hạnh phúc giữa đời thường cũng thế thôi. Bởi vậy, nhà hiền triết Sol Gordon mới có câu: “Hạnh phúc trên đường đi chứ không phải ở cuối đường.” Thật vậy, hạnh phúc hệ tại ở cảm nhận biết chấp nhận của mỗi người.
Não trạng của phần đông con người hiện đại hôm nay luôn lựa chọn cho mình một công việc thật nhiều tiền. Tuy nhiên, thực tế luôn có ngoại lệ. Có những người thích chọn cho mình những công việc thầm lặng như quét rác, bán vé số, bán hàng rong, hay nhân viên xã hội v.v… Điều cốt lõi miễn sao đó là những công việc mà họ cảm thấy yêu thích. Càng đam mê với công việc càng hăng say làm việc hiệu quả. Vì thế, anh em chúng tôi cũng không ngoại lệ. Đến với mái ấm Thiên Ân, công việc của chúng tôi chỉ là giảng dạy, sinh hoạt trò chơi, thăm hỏi những bạn trẻ khiếm thị. Thật đơn giản. Dù vậy, nơi đây vẫn ngời lên trong tâm hồn chúng tôi một niềm hạnh phúc chan chứa lòng người như Henry Drummond đã cảm nhận trong đời: “Hạnh phúc… là cho, và sống vì người khác.” Quả thật, cuộc sống này còn có biết bao những con người bất hạnh hơn chúng ta rất nhiều.
Đi tìm hạnh phúc tuyệt đối cho cuộc đời
Bạn thân mến, có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi hanh phúc tuyệt đối cho cuộc đời của mình là gì chưa? Quả thật, con người là thụ tạo thật mỏng giòn. Hạnh phúc thật mong manh. Vậy đâu mới là hạnh phúc tuyệt đối cho cuộc đời mỗi Kitô hữu chúng ta? Điều này đã được Chúa Giêsu nhấn mạnh trong “bài giảng trên núi” cách đây hơn hai ngàn năm. Bài giảng này xoáy sâu vào Tám Mối Phúc Thật như là kim chỉ nam dẫn mỗi chúng ta đi về niềm hạnh phúc thật. Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó. Phúc cho ai hiền lành và khiêm nhượng. Phúc cho ai xây dựng hòa bình vì lẽ công chính v.v… Tất cả đều quy về Thiên Chúa là cội nguồn hạnh phúc bất tận cho con người.
Vậy, bạn và tôi cần phải làm gì để cảm nhận được niềm hạnh phúc thật sự ngay trong giây phút hiện tại đời mình?
Raphael Trần Dương Tuyển
(Nguồn: giaophanmytho.net)

BÀI VIẾT


GIÁO XỨ CHÁNH TÒA GIÁO PHẬN MỸ THO
MỪNG LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI,
BỔN MẠNG THỨ HAI CỦA GIÁO XỨ
15.08.2012

Như thông lệ hằng năm, vào ngày 15.08.2012, Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Nhà thờ Chánh Tòa Giáo phận Mỹ Tho đã long trọng mừng lễ Bổn mạng Thứ hai của Giáo xứ. Vào lúc 17g45, Cha sở Giacôbê Hà Văn Xung đã chủ sự thánh lễ, đồng tế với ngài có các phó: Cha G.B Nguyễn Nhựt Cương, Cha Phêrô Phạm Bá Đương, và Cha Phêrô Trần Trọng Khương. Số giáo dân tham dự thánh lễ vào khoảng 800 người.
Thánh lễ bổn mạng diễn ra trong bầu khí phụng vụ đượm sắc thái vui tươi, với những bài hát ngợi khen và chúc tụng Đức Maria hiển vinh lên trời. Thánh lễ được khởi sự với bài hát nhập lễ “Mẹ về trời” do ca đoàn Chánh Tòa hợp xướng, trong khi đoàn đồng tế từ phòng thánh tiến ra bàn thờ. Cha chủ tế xông hương bàn thờ, sau đó, nói lời chúc mừng Bổn Mạng thứ hai của Nhà thờ và Bổn Mạng của một số giáo dân. Thánh lễ bắt đầu với nghi thức sám hối.
Trong Bài đọc 1, sách Khải huyền trình thuật việc thị kiến của thánh Gioan Tông đồ về cuộc tranh hùng giữa thiện - người nữ là Mẹ Maria và ác - con Rồng hoả ngục. Con Rồng lớn màu đỏ là sức mạnh của thần dữ đã không thể tiêu diệt Con Trai của Người Nữ là Đức Kitô. Sau hết là bài ca chiến thắng: ơn Cứu độ, quyền năng và vương quyền của Thiên Chúa đã toàn thắng sự dữ. Tiếp đến trong Bài đọc 2 thánh Phaolô đã chỉ cho các tín hữu Côrintô thấy rằng: cuộc chiến thắng thần chết của Đức Kitô chính là hoa quả đầu mùa được hiến dâng lên Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng ta hy vọng được sống lại để cùng chia sẻ sự phục sinh của Người.
Để mở đầu cho phần giảng lễ, Cha chủ sự đã miêu tả lại việc rước kiệu Đức Mẹ trong ngày này ở một số thành phố của nước Ý. Những cuộc rước kiệu đó đã mô tả lại hành trình của Đức Maria ở trần thế, và sự hiển vinh khi được Chúa đưa lên trời cả hồn và xác. Việc rước kiệu đã giúp những tín hữu tại nơi đó một niềm xác tín về tín điều này. Cha cũng giải thích thêm rằng: theo Đức Piô XII và các nhà thần học thì đặc ân “Hồn và Xác lên trời” của Mẹ, là do thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa và Sự đồng trinh trọn đời. Mẹ đã dùng cuộc đời dương thế của mình để sống phù hợp những đặc ân được lãnh nhận. Và Cha cũng giúp cộng đoàn nhận ra việc cần thiết phải bắt chước Mẹ trong cuộc sống này; chúng ta cũng đã nhận nhưng không những hồng ân từ Thiên Chúa, nhưng chúng ta đã không dùng chính cuộc sống của mình để đáp trả hồng ân của Thiên Chúa. Cuối cùng, Cha kể về câu chuyện tin tưởng vào Mẹ Maria của nữ vận động viên người Ethiopia - Meseret Defar - trong Thế Vận Hội Luân Đôn 2012 vừa qua; cô ấy đã làm dấu thánh giá khi xuất phát và hôn ảnh Mẹ hằng cứu giúp khi đoạt huy chương vàng. Cha khuyên cộng đoàn hãy phó thác cuộc đời của mình vào bàn tay yêu thương của Mẹ. Thánh lễ tiếp tục như thường lệ.    
Thánh lễ kết thúc vào lúc 18g50. Cộng đoàn ra về trong an bình.
Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta cũng đang đi lại những chặng đường của Đức Mẹ: có cả Sự Vui, Sự Thương, Sự Mừng, và Sự Sáng. Vậy chúng ta hãy dâng lên cho Mẹ những niềm vui, nỗi lo âu, nhữnggiọt mồ hôi, và nước mắt với tâm tình phó thác và cậy trông.

Hoài Bão

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

BÀI VIẾT


VỀ LẠI QUÊ HƯƠNG

Bắt đầu từ chuyện đời thường
Anh tôi làm nhân viên tham vấn cho một nhóm thiện nguyện đã hơn mười năm qua. Làm cái nghề này đòi hỏi phải có một cái Tâm. Cái Tâm để cảm thông và yêu thương những người bị nhiễm HIV. Đã hơn 10 năm rồi anh từng tham vấn, chuyện trò và thăm hỏi những gia đình và thân chủ rơi vào căn bệnh thế kỷ ấy. Công việc thiện nguyện này rất thích hợp với sở thích và trái tim yêu thương của anh. Thế nhưng, cuộc sống không có gì là chắc chắn. Công việc của anh bị gián đoạn vì không có nhà tài trợ kinh phí cho các hoạt động. Chán nản và bon chen hoài cũng thế. Cuối cùng, anh quyết định về quê. Anh rất thích về quê. Đi làm Sài Gòn tuần nào cũng về. Quê anh ở một xã nghèo huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Quê anh tuy nghèo nhưng thắm đượm ân tình và rất đỗi bình yên. Lần này anh quyết định về quê ở luôn. Không đi làm trên Sài Gòn nữa. Anh mượn những lời bài hát của Trịnh Công Sơn để tâm sự với nhiều người: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.” Anh còn bảo rằng: “Cuối cùng rồi mình cũng thế. Ai cũng có một cõi để đi về.” 
Bạn thân mến, khởi đi từ câu chuyện trên đây, chúng ta có những tâm tình gì về quê hương? Quê hương để lại những ấn tượng sâu kín gì trong tâm khảm mỗi chúng ta? 
Về lại quê hương để tìm một chốn bình yên
Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết rất hay về quê hương: “Quê hương mỗi người chỉ một. Như là chỉ một mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ. Sẽ không lớn nổi thành người” (Quê hương – Đỗ Trung Quân). Quả thật, quê hương đã trở thành một cái gì đó rất thiêng liêng gắn bó với máu thịt của chúng ta. Quê hương được ví như mẹ hiền. Mỗi chúng ta chỉ có một người mẹ và chỉ có một quê hương mà thôi. Độc đáo và rất đỗi riêng tư. 
Mẹ của anh tôi đã mất cách đây 5 năm. Anh chỉ còn lại quê hương và căn nhà ghi dấu bao kỷ niệm. Anh rất thích về quê bởi vì không khí ở quê hương anh rất mát mẻ. Bà con hàng xóm sống chân chất và tình cảm. Bởi vậy anh muốn về quê để tận hưởng những giây phút bình yên và chan hòa tình nghĩa xóm làng. Có lần anh tâm sự: “Về quê có cháo ăn cháo, có rau ăn rau nhưng không phải bon chen xô bồ như ở Sài Gòn.” Ngẫm nghĩ mới thấy anh đã lựa chọn cho mình một hướng đi đúng đắn và một hạnh phúc thật đơn giản.
Chợt nghĩ đến những người xa quê, không dám về lại quê hương
Thế nhưng, cuộc sống đâu đơn giản như ta nghĩ. Có những người phải tha hương cầu thực không có cơ hội về lại quê hương. Họ là những thợ may ở các khu chế xuất. Họ là những người thợ hồ ở nhiều công trình đô thị Sài Gòn. Họ là những người lính lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Và họ là những người lầm lỡ, sa cơ thất thế không dám về lại quê hương… Tâm trạng ấy đã được một người nếm trải như sau: “Quê hương ơi, con gọi Người đấy chứ. Nhớ lâu rồi mà chẳng dám về thăm. Hãy thứ lỗi cho con người xa xứ. Nhớ quê hương chỉ với một tấm lòng".
Thật vậy, bạn đã bao giờ rơi vào tâm trạng của những người không dám về lại quê hương chưa? Nhớ quê lắm nhưng không dám về thăm. Cha mẹ mong mỏi đứa con về thăm nhà nhưng người con cứ biền biệt tăm hơi nơi xứ người. Một lần nào đó người con về lại quê hương. Cha mẹ vui mừng trong nước mắt. Những bữa ăn ngon. Những tiếng nói tiếng cười yêu thương và vui tươi. Thật bình yên và hạnh phúc.
Chợt nghĩ đến tâm trạng về lại quê hương của hai môn đệ Emmaus
Tin Mừng theo thánh Gioan thuật lại câu chuyện của hai môn đệ trên đường Emmaus. Họ đang trở về nhà. Chán chường. Thất vọng. Họ muốn về lại quê hương để nghỉ ngơi thư giãn. Không có một dự tính nào mới cho tương lai. Hoàn toàn bế tắc. Thế nhưng, Chúa Giêsu Phục Sinh đã xuất hiện đúng lúc. Hai môn đệ Emmaus bắt đầu có hy vọng và định hướng mới cho cuộc đời. 
Câu chuyện hai môn đệ Emmaus gợi lên nơi mỗi Kitô hữu chúng ta những tâm tình gì? Một cuộc đời để lạc mất Chúa Giêsu khiến chúng ta sống trong lệch lạc và bất an. Một cuộc đời gặp được Chúa Giêsu luôn đem đến một tia sáng hy vọng cho chúng ta. Đó là sứ điệp Tin Mừng Chúa muốn dạy chúng ta.
Vậy, bạn và tôi tiếp tục suy nghĩ về tình Chúa và tình yêu quê hương. Mỗi Kitô hữu chúng ta cầu nguyện cho những người lầm lỡ, thất bại trong chuyện tình cảm, kinh doanh không dám về lại quê hương.
Có rất nhiều bài hát, câu thơ, ca dao tục ngữ nói về quê hương. Tuy nhiên, những cảm nhận của mỗi chúng ta về quê hương thường rất trân quý và độc đáo trong cuộc đời như một tác giả nào đó đã từng cảm nghiệm: “Quê hương là gì hả mẹ? mà sao cô giáo dạy phải yêu? Quê hương là gì hả mẹ? Ai đi xa cũng phải nhớ nhiều.”
Tâm Thương
(Nguồn: WGPSG)