Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

PHÓNG SỰ

LỄ TỔNG KẾT NĂM HỌC 2011-2012 & LỄ TỐT NGHIỆP KHOÁ 2004 TẠI TRƯỜNG KHUYẾT TẬT NHÂN ÁI TP MỸ THO


Vào 10g00 ngày 25.5.2012 tại trường Khuyết Tật Nhân Ái (KTNA), số 290 đường Lý Thường Kiệt, Tp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã diễn ra Lễ Tổng Kết năm học 2011-2012. Đặc biệt trong dịp này, trường cũng tổ chức Lễ Tốt Nghiệp cho các em khoá 2004, là những em nhập học khoá đầu tiên của trường. Trường KTNA vốn là một cơ sở thuộc Chương Trình Bác Ái của Toà Giám Mục Mỹ Tho.
Tham dự Lễ Tổng Kết có Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho, Cha Tổng Đại Diện Phaolô Trần Kỳ Minh, Cha Giacôbê Hà Văn Xung – Giám đốc trường KTNA, quý Cha, và quý Sơ dòng Phaolô Mỹ Tho. Về phía chính quyền có sự tham dự của Bà Cao Thị Loan – Phó phòng Giáo dục và Đào tạo Tp Mỹ Tho, Ông Diệp Chánh Thanh – Chủ tịch Uỷ Ban Nhân Dân Phường 5, cùng một số vị trong Mặt Trận Tổ Quốc và Phòng Giáo Dục Tp Mỹ Tho. Ngoài ra còn có các thầy cô và nhân viên của trường, các phụ huynh, các ân nhân, và toàn thể học sinh. Số lượng người tham dự buổi lễ khoảng 350 người.
Sau khi người hướng dẫn chương trình (MC) chào mừng quan khách và tuyên bố lý do buổi lễ, toàn thể cử tọa được mời đứng lên để chào Quốc kỳ. Trong nền nhạc Quốc ca, các em học sinh khiếm thính đã cùng “hát theo” bằng cử điệu thật sinh động. Sau khi chào Quốc kỳ, những tiết mục văn nghệ mừng lễ của các em học sinh hâm nóng khán phòng. Đầu tiên, trong đồng phục áo vàng váy trắng, các em lớp Dự Bị đã làm say mê khán giả trong tiết mục “Hộp Bút Chì Màu”; Kế đến, trong tiết mục tự tập luyện, các em sắp sửa tốt nghiệp đã tự tin trình diễn vũ điệu “Vào đời”; Tiếp theo, bài Thể dục nhịp điệu của các em lớp Dự Bị cũng đã nhận được nhiều tràng pháo tay tán thưởng. Cuối cùng, bài múa “Một trái tim, một quê hương” của các em khối Tiểu học đã khép lại chương trình văn nghệ mừng lễ Tốt Nghiệp. Trong tiếng nhạc nền, nhìn những động tác đồng đều của các em, đôi khi khán giả đã quên rằng các vũ công là những người khiếm thính; Để làm được điều này, các cô giáo của trường đã phải vất vả và kiên nhẫn rất nhiều trong việc truyền tải những động tác trong vũ điệu cho các em.
Sau chương trình Văn nghệ, Sơ Phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng Bích đã báo cáo ngắn gọn về quá trình phấn đấu học tập và rèn luyện của các em lớp 5. Sơ cũng đã nêu lên những kỹ năng mà các em đạt được sau 8 năm học tại trường, những khả năng này sẽ là hành trang căn bản cho các em trong bước đường vào đời. Sơ cũng nhắn nhủ các em cần phải tiếp tục phấn đấu học tập, và hứa sẽ dõi theo từng bước chân của các em. Em Trần Nguyễn Ngọc Đức đã đại diện 7 bạn trong lớp, nói lên cảm nghĩ của các em trong suốt quá trình học tập tại Trường. Em hết lòng biết ơn các thầy cô, nhớ trường nhớ lớp và nhắn nhủ các bạn còn lại hãy cố gắng thật nhiều trong quá trình học tập. Thật là tuyệt vời đối với một người câm điếc bẩm sinh, dù không nghe được nhưng em đã cố gắng phát âm một số từ khá rõ. Sau đó, các em lớp 5 đã trao tặng cho các khách mời những bó hoa tươi đẹp, để tỏ lòng biết ơn, vì các vị này đã giúp đỡ tinh thần và vật chất cho các em trong quá trình học tập ở Trường.
Buổi lễ được tiếp tục với bài phát biểu của cô Ngà, đại diện tập thể giáo viên của Trường, cô đã khuyên nhủ các em hãy tiếp tục học tập, đừng để phụ lòng mong ước của mọi người. Kế tiếp, một vị đại diện phụ huynh cũng tỏ lòng biết ơn đối với những người đã giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất cho các em. Sau đó, Sơ Hiệu trưởng Nguyễn Thị Sương cũng đã đọc Bản Báo Cáo Tổng Kết năm học 2011-2012. Trong báo cáo này, Sơ đã nêu lên một số thuận lợi và khó khăn trong quá trình giảng dạy cho các em; Thuận lợi vì: 1) Trường có nhiều mạnh thường quân, 2) có đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp và đầy nhiệt tâm, 3) và học sinh đã có nề nếp trong những năm trước. Bên cạnh những thuận lợi thì khó khăn cũng không ít, chẳng hạn như phụ huynh chưa quan tâm chăm sóc cho các em, kinh phí hoạt động của trường còn eo hẹp,… Trong hoàn cảnh như vậy, nhưng nhà trường đã hết sức cố gắng để dạy chữ và nghề cho các em. Sau khi báo cáo xong, Sơ Hiệu trưởng phát thưởng cho các em đạt thành tích tốt trong năm học vừa qua.       
Cuối cùng, Đức Cha với giọng hiền từ và vui vẻ cũng đã có bài huấn từ hết sức xúc động. Ngài nói rằng, thực hiện công việc giáo dục là cả một nghệ thuật, mà làm nghệ thuật là vươn lên với cái đẹp, cái toàn mỹ. Muốn làm được điều đó các giáo viên đã phải tận tâm tận lực để thực hiện sứ mạng này, việc này đã khó ở các trường Tiểu học bình thường, riêng đối với trường của các em khuyết tật thì sự tận tâm và kiên nhẫn còn phải nâng lên gấp bội. Tuy vậy, đôi khi trong quá trình giảng dạy, các nhà sư phạm còn gặp sự bất hợp tác của các em và phụ huynh; Do vậy, Đức Cha còn khuyên các giáo viên phải hết sức cố gắng và trau dồi nghiệp vụ để có thể công tác tốt hơn trong tương lai. Đáp lại bài huấn từ của Đức Cha, Sơ Hiệu Trưởng hết lòng cám ơn ngài vì đã thương giúp đỡ bằng vật chất lẫn tinh thần cho nhà trường.
Buổi lễ kết thúc vào lúc 11g30, sau đó quan khách dùng cơm thân mật với nhà trường.

Hoài Bão



Y KHOA


NHỮNG ĐIỀU BẠN NÊN BIẾT
VỀ HAI CON MẮT QUÝ BÁU CỦA MÌNH...

Ðôi mắt đã được gọi bằng nhiều tên rất biểu tượng như là đôi mắt huyền, mắt nhung, mắt biếc, mắt buồn tênh, mắt nai tơ, mắt tình nhân, mắt thù hận, mắt bạc tình, mắt dao cau, mắt sắc như dao, mắt bơ vơ, mắt xanh, mắt lá dăm, mắt toét....
Ciceron có nói: “Khuôn mặt là chân dung của tâm hồn, mà đôi mắt là để diễn tả”.
Cùng nhận xét này, Mạnh Tử góp ý: “Bụng ngay thẳng thì con ngươi trông sáng tỏ. Bụng đầy tà khúc thì con ngươi mờ đục, tối tăm”.
Rừng thơ có cả nhiều ngàn câu nói đến đôi mắt.
Xin ghi lại “Mắt Biếc” của Bích Khê diễn tả nhiều khả năng đáng yêu của mắt:
Ôi! cặp mắt của người trong tơ ngọc
Sáng như gươm và chấp chóa kim cương
Mỗi cái ngó là một vì sao mọc!
Mỗi liếc yêu là phảng phất nùi hương.
Hai mắt ấy chói hào quang sáng ngợp
Dẫn hồn ta vào thế giới thiêng liêng.
Hớp nhiều trăng cho niềm trinh rất ngớp
Say nhạc hường nổi bồng giữa đào nguyên”
và của Trịnh Công Sơn với “ Những con mắt trần gian”:
Những con mắt tình nhân, Nuôi ta biết nồng nàn.
Những con mắt thù hận, Cho ta đời lạnh câm.
Những con mắt cỏ non, Xanh cây trái địa đàng.
Những con mắt bạc tình, Cháy tan ngày thần tiên...”
 Một cách thực tế, Addison nhận xét: “Trong tất cả các giác quan, thị giác toàn hảo và thích thú nhất”.
 Người mình vẫn so sánh: “Hai mắt là ngọc, hai tay là vàng”.
 Thực vậy, mắt là vật sở hữu quý giá nhất của con người mà cho tới nay, chưa có cách nào để thay thế toàn bộ được. Người ta có thể thay tim, thay thận, thay gan, nhưng mắt chỉ mới thay được giác mạc, thủy tinh thể mà thôi.
Mắt là cơ quan để thu hình ảnh và nhìn sự vật, như một chiếc máy ảnh, nhưng với một cấu trúc tinh vi và những khả năng hoàn hảo gấp bội.
Ðôi mắt
a- Nhãn cầu là bộ phận phần chính của mắt nằm trong ổ mắt và được mi mắt bảo vệ ở phía trước. Ổ mắt do các xương gò má, xương trán, xương sống mũi họp thành.
 Ðây là một khối hình cầu mà kích thước do di truyền quyết định. Khi mới sinh ra, trẻ nhìn xa rõ hơn vì nhãn cầu nhỏ. Tới giai đoạn tăng trưởng, trẻ nào có nhãn cầu to do di truyền sẽ nhìn gần rõ ràng hơn. Tuổi tăng trưởng lại trùng vào thời gian bắt đầu đi học, nên các em này thường hay bị cận thị. Vì vậy, cận thị thị được “cho là” do đọc sách nhiều, ngồi gần màn hình tivi, đọc sách thiếu ánh sáng...
Phía ngoài của mắt là 6 bắp thịt nhỏ, dài để di động nhãn cầu nhìn về nhiều phía.
 b- Mi mắt là một lớp da với nhiều cơ và mô liên kết lót bằng kết mạc. Mi mắt nhắm lại khi giác mạc bị kích thích, đe dọa hiểm nguy. Viền quanh mi mắt là hai hàng lông mi để ngăn vật lạ bay vào mắt và chớp chớp khi bẽn lẽn tình yêu. Một hàng lông mày nằm phía trên mắt ngăn mồi hội, chất lỏng chảy vào mắt.
Nằm dưới mi mắt trên, là những tuyến, tiết ra nước mằn mặn để mắt khỏi khô. Mắt thông với miệng bằng một cái ống nhỏ nằm ở góc trong mi mắt. Cạnh mi có nhiều tuyến tiết ra chất nhờn, mồ hôi...
Mi mắt chớp mở mỗi vài giây, có tác dụng như cặp gạt nước kính xe hơi, để loại bỏ bụi bặm bám trên giác mạc. Ðêm ngủ, mi mắt khép kín để giác mạc khỏi bị khô.
Lâu lâu, nhiều người hay nháy mi mắt và e ngại đó là triệu chứng của bệnh tật. Thực ra, đây chỉ là sự co giựt của cơ trên mi mắt và thường thường xẩy ra khi cơ thể mệt mỏi, căng thẳng. Nháy mắt kéo dài trong vài giây, không nguy hại, chỉ cần thoa nhẹ lên mi một chút là hết. Ðôi khi nháy mắt liên tục cũng thấy trong bệnh đa xơ cứng (multiple sclerosis), co giựt cơ mặt (facial tic).
c- Phần trước của nhãn cầu là giác mạc (cornea), không vẩn đục, không mạch máu và rất nhậy cảm với với sự đau đớn. Phủ lên giác mạc là kết mạc (conjunctiva) trong suốt, có rất ít mạch máu.               
d-Thủy tinh thể (lens) là bộ phận quan trọng tiếp nhận và hội tụ ánh sáng hình ảnh lên võng mạc (retina). Ðây là một cấu trúc hai mặt lồi, trong suốt, gồm có nước và chất đạm, nằm sau đồng tử và có thể thay đổi độ cong để mắt có thể thấy rõ sự vật.
Tinh thể dẹp xuống khi tập trung vào vật ở xa và vật nhìn nhỏ. Tinh thể dầy lên để tập trung vào vật ở gần, vật nhìn thấy to. Ðó là sự điều tiết của mắt. Khả năng này hoàn toàn tự động, con người không điều khiển được.
đ- Ánh sáng lọt qua đồng tử (pupil), một lỗ nhỏ nẳm giữa mống mắt.
e- Mống mắt (iris)là cái màng che trước thủy tinh thể. Một cơ vòng bao quanh bờ mống mắt điều khiển đồng tử thu nhỏ khi ánh sáng mạnh hoặc mở rộng khi ánh sáng yếu. Ðồng tử cũng mở rộng khi ta có cảm xúc kinh ngạc, sợ hãi hoặc hớn hở, vui mừng.
Tùy theo mống mắt có nhiều hay ít chất mầu mà có người có mắt đen, mắt xanh, mắt nâu...
g- Võng mạc (retina) là lớp tế bào nhậy cảm với ánh sáng, lót phía trong mắt. Ðây là cấu trúc căn bản của cặp mắt, có công dụng như tấm phim của máy ảnh để thu nhận và ghi lại cả ngàn hình ảnh, tĩnh cũng như động, suốt ngày này qua tháng khác mà không cần thay phim như trong máy ảnh..
Trên võng mạc, có những tế bào hình nón, hình que chuyển ánh sáng ra những tín hiệu điện năng, được dây thần kinh thị giác chuyển lên não bộ. Tế bào não phân tích, tổng hợp các tín hiệu và tạo ra hình ảnh của sự vật.
h- Mắt còn chứa hai dung dịch lỏng rất quan trọng.
Thể mi (ciliary body) với nhiều cơ bắp để thay đổi độ cong của tinh thể, đồng thời cũng tiết ra một chất lỏng như nước, gọi là thủy dịch, nằm giữa tinh thể và giác mạc. Thủy dịch có đủ các thành phần cấu tạo của máu, ngoại trừ tế bào máu.
Dung dịch thứ hai, dịch pha lê, trong suốt, nẳm giữa võng mạc và tinh thể.
Chăm sóc mắt
Nhiều người hơi lơ là trong việc giữ gìn “đôi mắt ngọc” của mình. Ðây là một thiếu sót lớn, vì một tổn thương dù nhỏ của mắt cũng có thể dần dần đưa tới khiếm khuyết thị giác.
Sau đây là một số điều nên lưu ý:
1. Ðừng bao giờ rụi mắt với những ngón tay, dù là ngón tay ngọc ngà người đẹp, huống chi lại rụi mắt với bàn tay dính đất, một cái khăn nhiễm trùng, một miếng giấy dơ bẩn...
2. Khi chẳng may có một chất kích thích nào đó, như nước sà bông, nước mắm, dầu xe hơi, mỡ...bắn vào mắt, nên lập tức tạt nước lạnh vào mắt. Tổn thương cho mắt sẽ giảm thiểu rất nhiều nếu ta làm hành động rất giản dị, sẵn có, nhưng quan trọng này.
3. Mang kính bảo vệ mắt khi cắt cỏ, mài dũa kim loại, đi xe gắn máy...để tránh vật nhỏ bay vào mắt. Công nhân làm công việc có rủi ro cho mắt, cần mang kính bảo vệ mắt do chủ nhân cung cấp.
4. Không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác, vì mỗi người có mỗi bệnh khác nhau. Ngoài ra, có nhiều loại thuốc nhỏ mắt cấm dùng trong vài bệnh nhiễm của mắt.
Nhỏ thuốc vào mắt như sau: đứng trước một tấm gương, dùng đầu ngón tay kéo nhẹ mi mắt dưới xuống, bàn tay kia bóp thuốc vào góc con mắt, buông ngón tay giữ mi, chớp mắt vài lần, thuốc sẽ lan đều khắp mắt.
5. Nhiều người, đặc biệt là quý vị cao niên, hay bị khô mắt, gây ra cảm giác rất khó chịu, lâu ngày giác mạc có thể bị trầy. Nguyên do thông thường là tuyến nước mắt tiết ra ít nước mắt hoặc ống dẫn nước mắt bị tắc nghẹt.
Nên đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân rồi trị liệu. Trong khi chờ đợi, có thể nhỏ các dung dịch nước mắt nhân tạo để giảm thiểu khó chịu này.
6. Nên cẩn thận với các tia cực tím từ ánh nắng mặt trời. Tiếp xúc trực tiếp và lâu ngày, các tia này có thể gây tổn thương cho giác mặc, thủy tinh thể và cũng là nguy cơ đưa tới cao áp suất trong mắt.
 Thực ra, không cần phải mang kính râm mỗi lần ra ngoài nắng. Nhưng nếu làm việc hoặc đi dưới ánh nắng trong thời gian khá lâu, thì nên mang kính râm đề chặn các tia tử ngoại và khỏi chói mắt. Lựa kính có độ lọc cao đối với các tia tử ngoại.
7. Nên đi bác sĩ khám mắt theo định kỳ. Nếu không có bệnh mắt, nên đi khám mỗi 5 năm, cho tới khi 50 tuổi. Sau tuổi này, nên khám thường xuyên hơn để tìm ra dấu hiệu của cao áp nhãn và các bệnh khác. Nếu có rối loạn về khúc xạ ánh sáng, nên đi khám mỗi 2 năm hoặc thường xuyên hơn, tùy theo chỉ định của bác sĩ.
Bác sĩ chỉnh mắt (optometrist) có thể khám mắt, đo thị lực, chỉ định độ nặng nhẹ của kính và, tùy theo luật lệ từng nơi, có thể điều trị mấy bệnh nhẹ của mắt.
Bác sĩ chuyên ngành nhãn khoa (ophtalmologist) đều khám, chữa tất cả các bệnh của mắt, cho toa kính mắt và giải phẫu mắt.
8. Ánh sáng khi làm việc, đọc chữ, cần vừa phải, thích hợp, không sáng quá hoặc không tối quá để khỏi gây trở ngại cho sự nhìn. Các nhà chuyên môn về mắt đều đồng ý là cường độ ánh sáng hoặc ngồi gần màn hình tivi không gây tổn thương cho mắt.
9.Nên cẩn thận với mỹ phẩm làm đẹp mắt, vì nhiều người có thể dị ứng với các sản phẩm này. Mua một ít dùng thử,nếu an toàn thì tiếp tục.
Tránh để mỹ phẩm rớt vào mắt gây kích thích. Bôi mỹ phẩm tô đậm lông mi (mascara) vào 2/3 phần ngoài cùa lông, tránh mỹ phẩm rơi váo mắt. Kẻ bút chì xa mi mắt một chút, tránh đầu nhọn đụng vào giác mạc.
10.Cẩn thận khi xịt keo tóc, đừng để hóa chất bắn vào mắt.
11. Nhiều bác sĩ nhãn khoa đề nghị gắn lông mày giả loại lấy ra mỗi ngày được, để các tuyến nhờn mi mắt tiếp tục hoạt động bình thường. Khi uốn cong lông mi, tránh kéo mi mắt quá căng.
12. Nhiều người than phiền mỏi mắt sau mấy giờ đọc sách, coi máy vi tính hoặc làm công việc tỉ mỉ cần sự tập trung của mắt. Họ e ngại là mắt suy nhược, bị bệnh mắt hoặc cần mang kính.
Thực ra, đây chỉ vì mắt phải làm việc quá khả năng chịu đựng, nên các bắp thịt mệt mỏi. Lâu lâu nên ngưng công việc, nhắm mắt vài phút, hoặc ngó lên trần nhà để nhãn cầu, cơ mắt thư giãn.
Ngoài ra, cũng nên lưu ý là nếu sức khỏe tổng quát không tốt, thiếu dinh dưỡng, mất ngủ, căng thẳng tâm thần... cũng làm mắt mau mệt mỏi. Kính mắt chỉ để điều chỉnh khiếm khuyết về khúc xạ ánh sáng của nhãn cầu, chứ không làm mắt mạnh hơn hay yếu đi.
13. Mắt đỏ cũng là mối ưu tư của nhiều người. Bình thường, trên giác mạc có một số mạch máu nhỏ xíu phủ lên. Khi nhiễm vi khuẩn, dưới tác hại của khói thuốc, hóa chất trong môi trường, uống nhiều rượu, làm việc bằng mắt quá lâu hoặc khi “nộ khí sung thiên”, tức giận... đều làm cho máu tụ lại nhiều, mắt sẽ đỏ lên...
Khi đỏ mắt do nhiễm bệnh hoặc gây ra do hóa chất, cần đi bác sĩ để điều trị. Còn các trường hợp khác, chỉ cần dùng nước lạnh tạt vô mắt hoặc đắp khăn nước lạnh dăm phút lên mắt, là có thể làm giảm đỏ mắt.
14. Duy trì chế độ ăn uống hợp lý, đa dạng, cân bằng có đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt các sinh tố A, C, E., các khoáng chất kẽm, selenium...
 Và đặc biệt là giữ tâm thân an lạc, giảm thiểu lo âu, buồn bực, ham muốn, giận hờn, ghen tức, đố kỵ...
“Trời sinh con mắt là gương
Người ghét ít ngó, người thương ngó hoài - Ca dao.
 Vì “Ðôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”, nhìn vào, thấy hết...
Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức
Texas-Hoa Kỳ
Nguồn: tonggiaophanhue

KINH THÁNH BẰNG HÌNH


KINH THÁNH BẰNG HÌNH:
LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG NĂM B

Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống nhắc nhớ việc Chúa Thánh Thần được ban cho các tín hữu sơ khai, và cũng là biến cố được xem như ngày khai sinh Giáo hội. Các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay còn trình bày cho chúng ta ý nghĩa quan trọng và căn bản hơn của biến cố Hiện Xuống: sự liên kết giữa Chúa Giêsu phục sinh và Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Giêsu phục sinh là Đấng ban Thánh Thần cho các môn đệ, sai họ ra đi để qui tụ muôn dân qua lời loan báo Tin Mừng phục sinh.
(Trích Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống)
 Kinh Thánh tiếng Việt





 Kinh Thánh tiếng Anh





 Jothanh
Nguồn: WGPSG

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

BÀI VIÊT


SINH NHẬT GIÁO HỘI

SINH NHẬT GIÁO HỘI (CN HIỆN XUỐNG)
Bài Tin Mừng hôm nay (Ga 20, 19-23) trình thuật việc Chúa Giê-su Phục Sinh hiện ra với các Tông đồ vào ngày thứ nhất trong tuần. Người phán dạy: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ." Như vậy, Chúa Giê-su đã ban Thánh Thần cho các môn đệ ngay từ khi Người mới sống lại. Vậy tại sao mãi tới 50 ngày sau (vào ngày Lễ Ngũ Tuần) Chúa Thánh Thần mới thực sự đến với các Tông đồ? Sở dĩ vậy, vì Thiên Chúa muốn mạc khải cho loài người biết mọi việc Người làm đểu thể hiện tình yêu vô bờ bến của Người đối với nhân loại. Thiên Chúa là Đầng Toàn Năng chỉ cần phán một lời thì tất cả tội lỗi của loài người sẽ được tha thứ hết, nhưng như thế thì con người – vì được tự do và với sự hiểu biết hạn chế, bất toàn – sẽ không thể hiểu được ân sủng vô cùng cao quý ấy, và chắc chắn sẽ tiếp tục sai lầm, tiếp tục sống đời tội lỗi một cách vô tư. Hoá cho nên tất cả những sự kiện – từ biến cố Giáng Sinh đến cuộc khổ nạn, rồi phục sinh và lên trời vinh hiển của Chúa Giê-su đều được thể hiện một cách cụ thể, để con người thấy tận mắt mà tin vào Thiên Chúa. Đến như vậy mà loài người vẫn còn không ít những kẻ hoài nghi, không tin. Vậy đó! Vì thế, nên vẫn rất cần thiết cho các môn đệ và cho tất cả mọi người một ngày Lễ Ngũ Tuần vậy.

Sách Xuất hành có viết về Lễ Vượt Qua trong Cựu Ước: “Đó là lễ tế Vượt Qua mừng ĐỨC CHÚA, Đấng đã vượt qua các nhà của con cái Ít-ra-en tại Ai-cập, khi Người đánh phạt Ai-cập và cho các nhà chúng ta thoát nạn." (Xh 12, 27).  Vì được Thiên Chúa thương giải thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập, và ban cho mười giới luật để đóng ấn giao ước giữa Chúa và dân của Người (trên núi Si-nai), nên dân Ít-ra-en đã mừng biến cố này hết sức long trọng vào đúng ngày thứ 50 sau lễ Vượt Qua. Vì thế, ngày này được gọi là lễ Ngũ Tuần (“Pentecost”: ngày thứ 50). Bước sang thời kỳ Tân Ước, thì cuộc vượt qua khổ nạn, chiến thắng sự chết và sống lại hiển vinh của Chúa Ki-tô cũng đúng vào dịp mừng Lễ Vượt Qua và 50 ngày sau (vào đúng Lễ Ngũ Tuần) thì biến cố hiện xuống của Đức Thánh Linh xảy ra. Biến cố ấn tượng và hết sức lạ lùng này được Sách Công vụ Tông Đồ tường thuật lại một cách rất thuyết phục: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.” Sự kiện lạ lùng xảy ra khiến đám đông dân chúng hiện diện ”sửng sốt, thán phục và nói: "Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê; nào là những người từ Rô-ma đến đây; nào là người Do-thái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!" (Cv 2, 1-4.7-11)
Kinh Thánh nói đến Chúa Thánh Thần bằng nhiều danh xưng như Thần Khí, Thần Chân Ly, Đấng An Ủi, Đấng Bảo Trợ… Vì là Ngôi Ba Thiên Chúa kết hợp mật thiết vời Ngôi Cha và Ngôi Con, nên Thánh Thần đã hiện diện cả trong Cựu Ước và Tân Ước, suốt dọc quá trình lịch sử cứu độ từ khởi nguyên đến tận cùng. Ngay từ tạo thiên lập địa, Thánh Thần đã hiện diện trong sáng tạo vũ trụ và con người của Thiên Chúa (“Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” – St 1, 1-2; “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.” – St 2, 7-8). Thời kỳ Cựu Ước cũng vậy, Thánh Thần luôn hiện diện bên dân Chúa và với các ngôn sứ trong mọi trường hợp, điển hình như "Ông Sa-mu-en cầm lấy sừng dầu và xức cho cậu, ở giữa các anh của cậu. Thần khí ĐỨC CHÚA nhập vào Đa-vít từ ngày đó trở đi.” (1Sm 16, 1-13) ; "Thần khí của ông Ê-li-a đã ngự xuống trên ông Ê-li-sa." (2V 2, 15) v.v... Không chỉ có sách Sa-mu-en và sách Các Vua như vừa dẫn, mà hầu hết các sách Cựu Ước đều trình thuật những sự kiện chứng minh có sự tác động rất mạnh của Thần Khi vào những việc Thiên Chúa thực hiện thông qua các ngôn sứ, tư tế hay các vua.
Đến thời Tân Ước thì phải nói một điều Chúa Thánh Thần luôn hiện diện trong tất cả mọi sự kiện diễn ra trên trái đất, cụ thể là nơi vùng đất được tuyển chọn (It-ra-en). Chính Đức Giê-su cũng luôn luôn nhắc đến vai trò đặc biệt của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần cũng chính là Thiên Chúa vì “Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật." (Ga 4, 24). Không những Đức Ki-tô giảng dạy cho các môn đệ hiểu về sức mạnh và sự cần thiết của Chúa Thánh Thần trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng; mà chính Người cũng luôn chịu sự tác động của Thần Khi trong khi Người chịu Phép Rửa tại sông Gio-đan (Mt 3, 13-17), khi Người được Thần Khí dẫn vào sa mạc để chịu ma quỷ cám dỗ (Mt 4, 1-11), khi Người giảng dạy (Mt 10, 19-20 ; Ga 7, 38-39 ; Ga 14, 16-18 ; Ga 15, 26 ; Ga 16, 7-8...) và thậm chí cả khi Người chịu chết trên thập tự rồi sống lại hiển vinh (“Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Ki-tô sống lại từ cõi chềt” (Rm 8, 11).
Còn đối với Giáo Hội, thì Chúa Thánh Thần hoạt động như thế nào? Ngay từ khi Chúa Giê-su thiết lập Hội Thánh thì Chúa Thánh Thần đã hoạt động thông qua Đức Ki-tô (mỗi khi Người chào các môn đệ, Người đều nói “Bình an cho anh em” hay “Thầy ban bình an của Thầy cho anh em”, sự bình an đó chính là Chúa Thánh Thần vậy; hoặc cũng có khi Người nói thẳng: ”Nói xong Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” – Ga 20, 21-23). Tuy nhiên phải đến ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần mới thực sự hiện xuống trên các thánh Tôing đồ. Vì thế, Lễ Hiện Xuống là ngày khởi đầu cho hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, là “Sinh Nhật” của Hội Thánh Chúa. Ơn Chúa Thánh Thần đã biến cải các Tông đồ trở nên những người can đảm, những người thông hiểu Kinh Thánh và nhớ lại các điều Chúa Giê-su đã giảng dạy, đặc biệt là ân sủng “vẫn nói tiếng Ga-li-lê quê hương của mình, nhưng người nghe lại nghe thành tiếng nói bản xứ của họ”. Các Tông đồ không còn “đóng kín cửa vì sợ người Do Thái” (Ga 20, 19); nhưng bắt đầu rao giảng cho dân chúng đang tụ họp chung quanh nơi các ngài ở (Cv 2, 14…) và đã có nhiều người ăn năn sám hối và xin chịu Phép Rửa để gia nhập Giáo Hội Chúa (Cv 2, 41).
Có thể nói trong cuộc tử nạn của Chúa Giê-su thì các Tông đồ cũng chết theo Người. Sự sợ hãi, co cụm vào nhau không dám hoạt động, khiến cho môi trường sinh hoạt của các Tông đồ mất hết sinh khí và chỉ giời hạn trong một gian phòng nhỏ đóng kín các cửa. Nhưng khi Chúa Phục Sinh và nhất là từ ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống thì sinh khí bùng phát, các Tông đồ như được từ cõi chết cùng sống lại với Đức Ki-tô. Đúng là Giáo Hội tiên khởi đã cùng chết với Đức Ki-tô và được tái sinh bởi Thần Khí Thiên Chúa vậy. Vì thế mới coi ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là ngày sinh của Giáo Hội (“Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.” (Rm 8, 11). Từ ngày đó, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, công cuộc truyền giáo của Giáo hội tiếp tục phát triển và cho đến ngày nay, Giáo hội đã hiện diện trên khắp năm châu bốn biển, đem Tin Mừng Cứu Độ đến cho mọi người, để “ai tin thì sẽ được cứu rỗi” (Mc 16, 16…). Qua dòng thời gian, Chúa Thánh Thần vẫn luôn đồng hành và chở che Giáo hội qua “mọi cơn gian nan thử thách!”, qua bao cuộc “bách hại” khủng khiếp.
Như vậy thì Đức Thánh Linh luôn hiện diện ở khắp mọi nơi và trong mọi thời điểm, còn nói Chúa Thánh Thần hiện xuống chỉ là cách nói nhằm làm sáng tỏ sự thật về Ngôi Ba Thiên Chúa. Đó là Đấng Thánh, là Thần Khi Sự Thật luôn kết hợp mật thiết với Ngôi Cha và Ngôi Con trong mọi công trình của Thiên Chúa (từ sáng tạo vũ trụ và con người, đến hồng ân cứu độ, từ khởi nguyên tới tận cùng). Một cách cụ thể, khi nòi Chúa Thánh Thần hiện xuống, là để miêu tả hình ảnh thật (Chim Bồ Câu, Lưỡi Lửa, Ánh Sáng…) từ trời cao bay xuống đậu trên những vật thể hữu hình, và đó cũng chính là những mạc khải của Thiên Chúa để con người hiểu được mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.
Ôi! Lạy Chúa Ki-tô Phục Sinh! Chúa đã ban Thánh Thần cho Giáo Hội ngay từ ngày mới thiết lập và cũng nhờ thế mà Giáo Hội ngày nay đã hiện diện trên toàn thế giới. Tuy nhiên, những người biết và tin vào Thiên Chúa trên thế giới vẫn còn là thiểu số. Xin Chúa thương ban cho chúng con được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần để chúng con được như các Tông đồ thủa xưa tái sinh trong Thần Khí mà vững bước trên con đường loan báo Tin Mừng, đem Chúa đến cho mọi người, ở mọi nơi, trong mọi lúc của cuộc đời con. Ôi! Lạy Chúa! “Thần Khí Chúa đã sai tôi đi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng. Thần Khí Chúa đã thánh hiến tôi. Sai tôi đi ngài sai tôi đi…” (TCCĐ). Amen. Alleluia! Alleluia!

JM. Lam Thy ĐVD.
Nguồn: thanhlinh.net

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

BÀI VIẾT

LÃNH NHẬN NHƯNG KHÔNG QUÀ TẶNG
CỦA CHÚA THÁNH THẦN

Rải rác trong toàn Bộ Kinh Thánh, chúng ta đọc thấy nhiều vai trò của Chúa Thánh Thần từ thuở tạo thiên lập địa cho tới nay. Thánh thần hay “Thần khí” là gió hoặc hơi thở của Thiên Chúa được chép trong Sách Sáng Thế 1; Đấng xếp đặt trật tự và là Đấng ban sự sống (STK 2:7); Đấng hướng dẫn con người (Isaiah 11); là Đấng chữa lành (Ezekiel 36) Chúa Giêsu khi đàm đạo với Nicôđêmo trong Gioan 3 đã nói “gió muốn thổi ở đâu tùy ý” để ám chỉ về Chúa Thánh Thần là Đấng thiêng liêng thần nhiệm, không như con người hiểu một cách hạn hẹp.
Hôm nay, Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Đức Mẹ và các Thánh Tông Đồ để bắt đầu việc rao giảng của Giáo Hội cho mọi người trên khắp tận cùng bờ cõi trái đất, ra ngoài ranh giới địa hạt Israel. Bắt đầu từ Israel, tới Roma, và từ Roma lan rộng khắp thế giới. Một cuộc rao giảng và truyền giáo vĩ đại vượt khỏi giới hạn con người mà Chúa Thánh Thần là động lực thúc đẩy. Chúa Thánh Thần cũng đang hoạt động trong mỗi Kitô hữu sau khi họ chịu Phép Rửa và Thêm sức.
Chúa Thánh Thần chứng minh cho thế giới biết rằng đạo Chúa Kitô là đạo của hoàn vũ (công giáo), đạo của hết thảy những ai tin vào Đức Kitô trên địa cầu. Bản chất hoàn vũ của đạo Công giáo mở toang cánh cửa thu nhận tất cả mọi người. Không chỉ ở Âu Châu, Mỹ Châu mà còn ở Á, Úc và Phi Châu nữa.
Dĩ nhiên sự cứu độ của Ngôi Hai Thiên Chúa trải qua các thời đại đã không dễ dàng mà đã trải qua nhiều gian nan thử thách và nhiều khi hoang mang và hiểu lầm trầm trọng. Nhiều thánh Giáo phụ trong thời Trung Cổ đã so sánh sự chia rẽ của con người khi xây tháp Babel trong Cựu Ước với sự đoàn kết của các Tông đồ nơi phòng tiệc ly là một dấu ấn của Chúa Thánh Thần trong ngày Lễ Hiện xuống. Đoàn thể nào không có Chúa Thánh Thần, đoàn thể đó thiếu cảm thông, đàm thoại. Tinh thần của các Tông Đồ và dân chúng nghe giảng trong ngày đó vẫn là một niềm khích lệ lớn lao cho Kitô hữu chúng ta ngày nay về sự hiệp nhất trong cùng một Thánh Thần.
Ta hãy nghe lại lời Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI nhắn nhủ các giáo hữu trong ngày Đại Hội Giới Trẻ tại Sydney, Australia: “…Chúng ta hãy chú ý tới phương cách làm thế nào để trở thành nhân chứng thực. Các bạn đã thừa biết việc làm nhân chứng của Kitô hữu chúng ta cho thế giới ngày nay đang bị rạn nứt. Sự đoàn kết mà Chúa có ý định khi sáng tạo vũ trụ và con người đang bị yếu dần bởi các vết thương trầm trọng khi mà xã hội ly khai với đời sống tâm linh, dẫn đến sự lạm dụng của con người. Quả vậy, xã hội ngày nay đang sống trong não trạng công nhận chỉ một phần của sự thật thay vì chấp nhận nguyên vẹn sự thật của Thiên Chúa đối với con người. Thuyết Tương đối đã không nhìn thấy cả hoạt cảnh. Vì từ khước tính chất căn bản của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho chúng ta sống và thu hoa kết trái trong sự đoàn kết, trật tự và hài hòa…Ly khai Chúa Thánh Thần khỏi Chúa Giêsu Kitô sẽ làm thương tổn sự đoàn kết trong cộng đồng Kitô giáo...”
Đức Thánh Cha kết luận: “Chúng ta hãy kêu xin Chúa Thánh Thần, Đấng điều hợp viên tuyệt hảo mọi hành động của Thiên Chúa. Hãy để tặng ân Ngài rèn luyện các bạn. Như Giáo hội lữ hành cùng với cộng đồng nhân loại, các bạn được kêu mời để sống ân sủng Chúa Thánh Thần trong đời sống đầy thăng trầm của các bạn. Hãy để đức tin của các bạn trưởng thành trong lúc học hành, chơi thể thao, âm nhạc và hội họa nhờ sự cầu nguyện và các bí tích. Cuối cùng, sống không phải để thu góp hay tích tụ. Đời sống cao trọng hơn sự thành công nhiều. Thực sự, sống sung mãn đích thực là sự biến đổi từ trong tâm hồn để đón nhận sức mạnh từ tình yêu Thiên Chúa. Chấp nhận quyền năng của Chúa Thánh Thần để biến cải gia đình, cộng đồng và quốc gia các bạn. Hãy lãnh nhận nhưng không quà tặng ân ban từ Chúa Thánh Thần. Hãy đón nhận sự khôn ngoan, cố gắng, và kính sợ Chúa làm dấu ấn của sự toàn thiện.”
Chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng: “Đấng mà Chúa Cha sai đến sẽ dạy chúng ta mọi điều và nhắc nhở tất cả mọi sự mà Chúa Giêsu đã nói.” (Jn 14:26) Giáo Lý GHCG điều 1099 cũng nhắc chúng ta “Chúa Thánh Thần hiện hữu trong đời sống của Giáo Hội.” Nhân dịp mừng kính lễ sinh nhật của Giáo Hội, chúng ta cùng nhau cảm tạ ân sủng của trí nhớ, để áp dụng sức mạnh mầu nhiệm Chúa Thánh Thần vào đời sống thường nhật hằng ngày. Amen.
PT Đặng Phi Hùng
Nguồn :thanhlinh.net

TƯ LIỆU


"CÔNG GIÁO" LÀ GÌ?


Từ “công giáo” được dịch từ tiếng La Tinh “catholicus” (phổ quát), có xuất xứ từ nguyên ngữ Hy Lạp “katholikós” có nghĩa là “toàn thể”. Dọc theo lịch sử Giáo Hội Công Giáo tính từ này đã mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Ở đây chỉ xin đóng góp ý kiến về một vài khía cạnh.
Tên gọi “Đạo Công Giáo” tại Việt Nam đã tạo nên một số hiểu lầm, kể cả bực bội, thù ghét ; nhất là từ thời Đệ Nhất Cộng Hoà. Nhiều Phật Tử, đã cho rằng, ông Diệm (hoặc ai đó) đã gọi “Đạo Thiên Chúa”[1] là “Đạo Công Giáo” như là một cách để “hợp thức hóa” Công Giáo như một thứ “quốc giáo”! Điều này hiển nhiên là không đúng.
Thuật ngữ “công giáo” đã được Ignations von Antiochien (qua đời năm 117) xử dụng lần đầu vào cuối thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên (!), để chỉ thuộc tính căn bản của Hội Thánh Chúa Giêsu Kitô. Công Đồng Nizea (năm 325) và sau đó là Công Đồng Konstantinopel (năm 431) đã chính thức coi “công giáo” là một trong bốn nội dung căn bản thuộc tính của Giáo Hội “Tôi tin có Giáo Hội duy nhất, thánh (thiện) [2], công giáo, và tông truyền” – kinh “Tin Kính“.

Tính từ “công giáo” vì thế trước tiên hết có nội dung thần học. Ta hãy đọc vài đoạn Tân Ước:
Trích đoạn từ sách “Tông Đồ Công Vụ”:
9 Hôm sau, đang khi họ đi đường và đến gần Gia-phô, thì ông Phê-rô lên sân thượng cầu nguyện; lúc đó, vào khoảng giờ thứ sáu.10 Ông thấy đói và muốn ăn. Đang khi người ta dọn bữa thì ông xuất thần.11 Ông thấy trời mở ra và một vật gì sà xuống, trông như một tấm khăn lớn buộc bốn góc, đang được thả xuống đất.12 Trong đó có mọi giống vật bốn chân và rắn rết sống trên đất, cùng mọi thứ chim trời.13 Có tiếng phán bảo ông: "Phê-rô, đứng dậy, làm thịt mà ăn! "14 Ông Phê-rô thưa: "Lạy Chúa, không thể được, vì không bao giờ con ăn những gì ô uế và không thanh sạch."15 Lại có tiếng phán bảo ông lần thứ hai: "Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì ngươi chớ gọi là ô uế."16 Việc ấy xảy ra đến ba lần, và lập tức vật ấy được đưa lên trời. (TĐCV, chương 10, 9-18)
34 Bấy giờ ông Phê-rô lên tiếng nói: "Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào.35 Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận. (TĐCV, chương 10, 34-35)
44 Ông Phê-rô còn đang nói những điều đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa.45 Những tín hữu thuộc giới cắt bì cùng đến đó với ông Phê-rô đều kinh ngạc vì thấy Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần xuống trên cả các dân ngoại nữa,46 bởi họ nghe những người này nói các thứ tiếng và tán dương Thiên Chúa. Bấy giờ ông Phê-rô nói rằng:47 "Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta, thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ? " (TĐCV, chương 10, 44-47)
44 Ngày sa-bát sau, gần như cả thành tụ họp nghe lời Thiên Chúa.45 Thấy những đám đông như vậy, người Do-thái sinh lòng ghen tức, họ phản đối những lời ông Phao-lô nói và nhục mạ ông.46 Bấy giờ ông Phao-lô và ông Ba-na-ba mạnh dạn lên tiếng: "Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại.47 Vì Chúa truyền cho chúng tôi thế này: Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất." (TĐCV, chương 13, 44-47)
Trích đoạn từ thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma:
16 Nếu cái bánh đầu tiên mà thánh thì cả khối bột làm bánh cũng vậy; nếu rễ cây mà thánh, thì cành cây cũng vậy.17 Một số cành cây ô-liu đã bị chặt đi, còn bạn là ô-liu dại đã được tháp vào đó, và cùng được hưởng sự sống dồi dào từ rễ cây ô-liu chính. (Roma, chương 11, 16-17)
16 Vâng, tôi không hổ thẹn vì Tin Mừng. Quả thế, Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp. (Roma, chương 1, 16)
25 Còn phép cắt bì, đã hẳn là có ích, nếu bạn thi hành Lề Luật. Nhưng nếu bạn vi phạm Lề Luật, thì bạn có được cắt bì cũng kể như không cắt bì.26 Trái lại, nếu người không được cắt bì mà giữ những điều Luật dạy, thì tuy họ không được cắt bì, Thiên Chúa chẳng coi họ như đã được cắt bì sao? (Roma, chương 2, 25-26)
28 Thật vậy, chúng tôi nghĩ rằng: người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy.29 Hay là Thiên Chúa chỉ là Thiên Chúa của người Do-thái thôi? Thiên Chúa không là Thiên Chúa của các dân ngoại nữa sao? Có chứ! Người cũng là Thiên Chúa của các dân ngoại nữa, (Roma chương 3, 28-29)
Ngay từ những ngày đầu của sứ mạng rao giảng, các tông đồ đã gặp phải những vấn nạn: rao giảng chỉ cho người Do Thái, hay cho cả dân ngoại? Khi dân ngoại chịu Phép Rửa và tin theo thì họ có phải giữ lề luật của Môisen không?

Những trích đoạn trên cho thấy rằng, xung đột tư tưởng này không nhỏ. Bởi lẽ, mục tiêu rao giảng ban đầu chỉ là dân Do Thái (các môn đồ của Chúa Giêsu cũng là người Do Thái, Phaolô mang quốc tịch Rôma). Đó là khó khăn thứ nhất: “46 Bấy giờ ông Phao-lô và ông Ba-na-ba mạnh dạn lên tiếng: "Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại.47 Vì Chúa truyền cho chúng tôi thế này: Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất." (TĐCV, chương 13, 46-47)
Khó khăn thứ hai liên quan đến “lề luật“. Lề luật ở đây chính là luật mà Môisen đã được Giavê trao cho trên núi Sinai. Các tranh luận về “cắt bì“, “ngày Sabát“, “thức ăn ô uế hay trong sạch” đều xuất phát từ điểm này: “10 Ông (Phêrô) thấy đói và muốn ăn. Đang khi người ta dọn bữa thì ông xuất thần.11 Ông thấy trời mở ra và một vật gì sà xuống, trông như một tấm khăn lớn buộc bốn góc, đang được thả xuống đất.12 Trong đó có mọi giống vật bốn chân và rắn rết sống trên đất, cùng mọi thứ chim trời.13 Có tiếng phán bảo ông: "Phê-rô, đứng dậy, làm thịt mà ăn! "14 Ông Phê-rô thưa: "Lạy Chúa, không thể được, vì không bao giờ con ăn những gì ô uế và không thanh sạch."15 Lại có tiếng phán bảo ông lần thứ hai: "Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì ngươi chớ gọi là ô uế."16 Việc ấy xảy ra đến ba lần, và lập tức vật ấy được đưa lên trời.” (TĐCV, chương 10, 10-18).
Sự đồng thuận của các tông đồ, nhất là của Phêrô và Phaolô, đã xác minh tính “phổ quát” (universalis, katholikós) của niềm tin Kitô Giáo, hiểu theo nghĩa không phải chỉ là tôn giáo nằm trong phạm vi Do Thái nhưng là cho cả muôn dân.
Theo thiển ý của tôi, đây là nguyên ủy sâu xa nhất của tính từ “công giáo“. Tính từ “công giáo Rôma” (ta gọi là Công Giáo La Mã [3]) dùng để phân định với “công giáo cổ” (altkatholisch) – hình như chỉ còn ở Đức và ở Hoa Kỳ.

[1] Gọi đạo Công Giáo là “đạo Thiên Chúa” thì chỉ đúng một phần. Tất cả các tôn giáo “độc thần” (thờ một chúa), có nguồn gốc từ tổ phụ Abraham đều là những đạo Thiên Chúa. Các đạo này gồm có: Do Thái Giáo, Hồi Giáo và Kitô Giáo – bên Tin Lành quen gọi là Cơ Đốc Giáo - (Công Giáo, Chính Thống, các hệ phái Tin Lành, Anh Giáo). Hai từ ngữ Kitô và Cơ Đốc là hai cách “dịch” khác nhau của từ “cristo, Christus, Christ” - đấng cứu thế.
[2] Bản Kinh Tin Kính tiếng Việt viết là “Tôi tin có Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền“. Trong từ “hội thánh” đã có chữ “thánh” (holy, sacred, heilig). Ngoài ra “thánh” và “thiện” là hai khía cạnh khác nhau. Giáo Hội là “thánh“, nhưng chưa hẳn đã “thiện“, hiểu theo cả hai nghĩa trần thế và thần học. Theo thần học, thì Hội Thánh gồm ba thành phần: các tín hữu, các thánh và các linh hồn nơi luyện ngục. Như thế Hội Thánh chưa thể “thiện”! Hiểu theo nghĩa trần thế thì con người chỉ “nhân chi sơ tính bản thiện” (?) thôi, chứ việc đi tìm cái “thiện” (chẳng hạn trong chân, thiện, mỹ) cũng còn gian nan lắm!
[3] Người Tàu không phát âm được chữ “R” nên khi cha ông ta dùng Hán Việt thì Roma đã biến thành La Mã!
JB Lê Văn Hồng
Hamburg, 07.08.2010
Bổ sung:
Công giáo là thuật ngữ được sử dụng đặc biệt trong ngữ cảnh Kitô giáo. Nó có xuất xứ từ chữ Hi Lạp καθολικος có nghĩa "chung" hay "phổ quát". Công giáo được dùng với một số nghĩa như sau:
* Do ảnh hưởng lịch sử và hiện tại của Giáo hội Công giáo Rôma, "Công giáo" thường được dùng để chỉ hệ thống niềm tin tôn giáo của giáo hội này.
* Trong cách dùng không chính thức, thuật ngữ này có thể được giới hạn thêm nữa để chỉ các thành viên, truyền thống hay thần học của nghi lễ La Tinh thuộc Giáo hội Công giáo Rôma.
* Thuật ngữ này cũng được dùng để chỉ mọi giáo hội 'Công giáo về bản chất' qua việc họ tuyên bố giữ niềm tin Công giáo và có tính tông truyền vì đã ở phía Công giáo trong cuộc Đại li giáo, như Giáo hội Công giáo Cổ (tách khỏi Giáo hội Công giáo Rôma năm 1870) hay Giáo hội chính thức của Anh.
* Nó lần đầu được dùng để phân biệt giáo hội Kitô giáo tiên khởi (Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền) với các nhóm lạc giáo.
Trong tiếng Việt, thuật ngữ Công giáo được dùng dể dịch chữ καθολικος, Catholica (Catholique), với ý nghĩa đó là đạo chung, đạo phổ quát, đạo công cộng đón nhận mọi người, chứ không riêng cho dân tộc hay quốc gia nào. Ngoài ra, Công giáo tại Việt Nam còn được gọi là đạo Gia Tô, Thiên Chúa giáo hoặc Kitô giáo.
.....
Thiên Chúa giáo có nhiều nhành nhưng Công giáo là nhánh lớn nhất và chính xác nhất
Công giáo ý chỉ tôn giáo của chung nhưng người ngoại đạo không thờ Chúa nên không công nhận
John Duong
Nguồn: http://clcgk.forumotion.net

QUÀ TẶNG CUỘC SỐNG


BÀI THUYẾT GIẢNG…

Xin xem video "Bài thuyết giảng" tại đây
Xin xem video nội dung "Bài thuyết giảng" bằng cách bấm vào đây
Nguồn: menchuayeunguoi

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

Y KHOA


ATISÔ

Một chút dầu giấm, trứng bóp nhuyễn và tim atisô là công thức của món salad rất mát và có hương vị thật thanh.
Atisô (Cynara scolymus) có thân chắc khỏe, có thể cao đến 2 m với lá to, dài, mọc so le; phiến lá xẻ thùy sâu và có răng không đều, mặt trên xanh lục mặt dưới có lông trắng, thường có gai nhỏ. Ngoài phần ăn được là một búp hoa được thu hoạch, trước khi hoa phát triển thì lá và thân được sử dụng làm nước thảo dược rất tốt để giải nhiệt, lợi tiểu và thanh lọc gan.
Từ atisô đã xuất hiện trong các tài liệu tiếng Pháp từ năm 1530, nhưng về sau này thì Ý là quốc gia trồng atisô hàng đầu thế giới, ở mức thu hoạch hơn 750 ngàn tấn/năm. Là loại “rau” rất giàu polyphénol (flavonoid và acid phénol), acid chlorogénic, chất xơ hòa tan (27%) và không hòa tan (18%) có tác dụng kháng oxy hóa và giữ vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa tiểu đường dạng 2, táo bón. Theo một báo cáo mới nhất của các chuyên gia sức khỏe thì khả năng kháng oxy hóa của atisô rất tuyệt vời. Atisô còn có nhiều vitamin nhóm B, C, K và khoáng chất thiết yếu như potassium, canxi, kẽm, sắt, mangan, magné có lợi cho sức khỏe. Chiết xuất từ lá atisô có tác dụng giảm cholesterol xấu, ngăn ngừa các bệnh tim mạch, ung thư ruột kết và trợ gan mật.
Chọn mua và bảo quản
Chọn búp atisô chắc và nặng tay, lá khép sát, xanh mởn và giòn. Nếu lá hở nghĩa là atisô quá già, phần lông gai bên trong tim sẽ cứng và dày. Chú ý chọn búp không có vết thâm ở ngọn và gốc, vì đó là dấu hiệu hàng không được tươi.
Trước khi cho nguyên bông atisô vào bao kín để bảo quản, nên phun ít nước. Nếu giữ đông thì nên tách từng tai, loại bỏ lông tơ của tim và trụng 3 phút trong nước sôi. Ngâm lại nước lạnh và để ráo trước khi cho vào bao kín và để ngăn đá.
Tim atisô ngoài cách ăn kèm với tất cả các loại xốt chua hay cho vào các món bánh ngọt và mặn, thì búp nguyên còn làm món farci, với các nguyên liệu chín từ thịt, hải sản, rau củ hay phô mai được nhét giữa các tai hoa hay vào giữa tim (đã nhổ bỏ lông tơ) và mang bỏ lò.
Lưu ý: Những người bị chứng tắc nghẽn đường mật và các bệnh lý về đường ruột; phụ nữ mang thai, vì có khả năng gây tắc sữa do một enzym trong bông, không nên dùng atisô. Atisô nấu chín nên được sử dụng trong vòng 24 giờ, trước khi có thể bị mốc và gây ngộ độc.
Sưu Tầm