CHÚA KITÔ PHỤC SINH MỞ CÁC NẤM MỒ CON TIM
VÀ BAN ĐỨC TIN HĂNG SAY CHO CÁC MÔN ĐỆ
Mùa Phục Sinh là dịp
thuận tiện giúp tất cả chúng ta tái khám phá ra các suối nguồn của đức tin và sự
hiện diện của Chúa Phục Sinh giữa chúng ta với niềm vui và lòng hăng say; tái
khám phá ra Lời Chúa và bí tích Thánh Thể như hai môn đệ trên đường làng
Emmaus.
Đức Thánh Cha Biển Đức
XVI đã nói như trên với hơn 40.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham
dự buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 11-4-2012.
Trong bài huấn dụ Đức
Thánh Cha đã trình bày đề tài Chúa Kitô Phục Sinh biến đổi tâm trí các môn đệ.
Người mở toang các nấm mồ của trái tim và trao ban cho họ nhiệt huyết đức tin.
Vào chiều ngày Phục Sinh các môn đệ ở trong nhà đóng kín cửa vì sợ người do
thái (Ga 20,19). Sự sợ hãi làm cho con tim họ co thắt, và ngăn cản họ ra đi gặp
gỡ tha nhân và cuộc sống. Thầy không còn nữa. Ký ức về cuộc Khổ Nạn của Người
nuôi dưỡng sự bất an. Nhưng Chúa Giêsu lưu tâm đến các môn đệ và sắp sửa hoàn
thành điều đã hứa trong Bữa Tiệc Ly: "Thầy không để các con mồ côi, Thầy sẽ
đến với các con" (Ga 14,18). Và đó là điều Người cũng nói với chúng ta
ngày nay trong các giai đoạn ảm đạm đen tối: "Thầy sẽ không để các con mồ
côi". Đức Thánh Cha nói:
Tình trạng lo lắng này
của các môn đệ thay đổi một cách triệt để với biến cố Chúa Giêsu tới. Người vào
nhà khi cửa đóng kín, ngự giữa các ông và ban cho các ông sự bình an trấn tĩnh:
"Bình an cho các con" (Ga 20,19). Đây là một lời chào thông thường,
nhưng giờ đây mang một ý nghĩa mới, bởi vì nó tạo ra một sự thay đổi nội tâm.
Nó là lời chào phục sinh khiến cho các môn đệ thắng vượt mọi sợ hãi. Sự bình an
mà Chúa Giêsu đem tới là ơn cứu độ Người đã hứa trong các diễn văn từ biệt các
môn đệ: "Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho
các con. Thầy ban cho các con không theo kiểu thế gian. Các con đừng xao xuyến
cũng đừng sợ hãi" (Ga 14,27). Trong ngày Phục Sinh này Chúa ban bình an
tràn đầy cho chúng ta và nó trở thành cho cộng đoàn suối nguồn của niềm vui, sự
chắc chắn của chiến thắng, sự an ninh cậy dựa vào Thiên Chúa.

Thật thế, với ơn Thánh
Thần đến từ Chúa Kitô phục sinh, một thế giới mới bắt đầu. Với việc gửi các môn
đệ ra đi bắt đầu con đường của dân giao ước mới trong thế giới, dân tin nơi Người
và công trình cứu độ của Người, dân làm chứng cho sự thật của sự phục sinh. Sự
mới mẻ này của một cuộc sống không chết, đã được lễ Phục Sinh đem tới được phổ
biến khắp nơi, để các gai góc của tội lỗi đả thương trái tim con người nhường
chỗ cho các mầm giống của Ơn Thánh, của sự hiện diện của Thiên Chúa và tình yêu
của Người, chiến thắng tội lỗi và cái chết.
Đức Thánh Cha nói tiếp
trong bài huấn dụ: Các bạn thân mến, cả ngày nay nữa, Chúa Phục Sinh bước vào
trong nhà và con tim của chúng ta, mặc dù thường khi cửa đóng. Người vào và ban
niềm vui, sự bình an, sự sống và niềm hy vọng, là các ơn mà chúng ta cần đến
cho sự tái sinh nhân bản và tinh thần của chúng ta. Đức Thánh Cha quảng diễn
thêm điểm này như sau:
Chỉ có Người mới có thể
lay động các tảng đá lấp huyệt mộ, mà con người thường lăn lên trên các tâm
tình, các tương quan, các cung cách hành xử của mình, các tảng đá thừa nhận cái
chết: các chia rẽ, các thù nghịch, bất hòa, oán hận, ghen tương, nghi ngờ, thờ
ơ. Chỉ có Chúa, Đấng Hằng Sống, mới có thể trao ban ý nghĩa cho cuộc sống và
khiến cho người mệt mỏi và buồn sầu, mất tin tưởng và không hy vọng tiếp tục tiến
bước. Đó là điều hai môn đệ trên đường từ Giêrusalem về làng Emmaus đã sống
trong ngày lễ Phục Sinh (x. Lc 24,13-35). Họ nói về Đức Giêsu, nhưng gương mặt
sầu muộn của họ diễn tả các niềm hy vọng tan vỡ, sự bất an và nỗi nhớ tiếc. Họ
đã bỏ quê sinh để theo Đức Giêsu với các bạn hữu, và họ đã khám phá ra một thực
tại mới, trong đó sự tha thứ và tình yêu thương không phải chỉ là các lời nói,
nhưng họ đã sờ mó được sự hiện hữu của Đức Giêsu một cách cụ thể. Đức Giêsu
thành Nagiarét đã khiến cho tất cả mọi sự đều mới mẻ, đã biến đổi cuộc sống của
họ. Nhưng giờ đây Người đã chết và tất cả xem ra chấm dứt.
Tuy nhiên bất thình
lình có ba người bộ hành, chứ không phải là hai nữa. Đức Giêsu tới gần hai môn
đệ và cùng đi với họ, nhưng họ không có khả năng nhận ra Người. Chắc chắn họ đã
nghe các tiếng nói về sự phục sinh của Người, vì họ kể: "Thật ra, cũng có
mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra
mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần
hiện ra bảo rằng Người vẫn sống" (cc. 22-23). Nhưng tất cả những điều đó
đã không đủ để thuyết phục họ, bởi vì "họ đã không thấy Người" (c.
24). Khi đó Chúa Giêsu mới kiên nhẫn giải thích cho họ hiểu những gì liên quan
đến Người, bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ. Chúa Giêsu giải thích cho
các môn đệ về Thánh Kinh bằng cách cống hiến cho các ông chìa khóa đọc hiểu nền
tảng là những gì liên quan tới chính Người và Mầu nhiệm phục sinh của Người...
Ý nghĩa của mọi sự: Lề Luật, các Ngôn sứ, và các Thánh vịnh bất thình lình mở
ra và trở thành rõ ràng trước mắt các ông. Chúa Giêsu đã mở trí thông minh cho
các ông hiểu Thánh Kinh (x. Lc 24,45)...
Trong khi đó thì họ tới
làng, chắc là nhà của một trong hai người. Người khách lạ làm như còn phải đi
xa hơn, nhưng vì họ nài nỉ "Hãy ở lại với chúng tôi", nên Người ở lại
với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra
trao cho họ. Mắt họ liền mở ra, và họ nhận ra Người, nhưng Người đã biến mất".
Sự hiện diện của Chúa Giêsu, trước tiên với lời nói rồi với cử chỉ bẻ bánh, khiến
cho các môn đệ nhận ra Người và họ có thể cảm nhận một cách mới mẻ điều họ đã cảm
thấy trong khi đồng hành với Người: lòng họ bừng cháy lên. Câu chuyện này cho
thấy có hai nơi giúp chúng ta gặp gỡ Chúa Phục Sinh biến đổi cuộc sống: việc lắng
nghe lời Chúa trong niềm hiệp thông với Chúa Kitô và việc bẻ bánh: Lời Chúa và
Thánh Thể gắn liền mật thiết với nhau.
Sau cuộc gặp gỡ, ngay
lúc ấy hai môn đệ đã trở lại Giêrusalem chia sẻ kinh nghiệm của họ với Mười Một
Tông Đồ và các môn đệ khác. Những người này nói với họ: "Chúa chỗi dậy thật
rồi và đã hiện ra với ông Simon" (c. 33-34). Hai người đã thuật lại những
gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
Họ đã được tái sinh vào niềm hy vọng sống động bởi việc Chúa phục sinh từ cõi
chết. Thật thế, tái sinh trong họ niềm hăng say của đức tin, tình yệu thương đối
với cộng đoàn, việc cần phải thông truyền tin vui cho người khác.
Trước khi cất kinh Lạy
Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người, Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng
nhiều thứ tiếng khác nhau. Ngài chúc tất cả mùa Phục Sinh sốt mến tràn đầy ơn
thánh của Chúa Kitô phục sinh khải hoàn.
Linh Tiến
Khải
Nguồn:
WTGP HN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét