HÃY ĐỂ TÌNH YÊU THÔI THÚC BẠN KHI GIÁO DỤC TRẺ
Khi có việc gì đó xảy
ra hoàn toàn không đúng lúc, làm bạn phật lòng, thường thì chúng ta hay phản ứng
lại trong giận dữ hoặc đầy thất vọng. Có thể bạn mệt mỏi vì đêm qua chỉ ngủ được
vài tiếng do đứa con nhỏ mọc răng và quấy, hoặc bạn trải qua thời gian căng thẳng,
hoặc bạn cãi vã với ai đó, cảm thấy tức giận và bị hiểu lầm và rồi con bạn làm
việc “gì đó”. Một cô bé giành đồ chơi của anh/chị/em, hoặc cậu bé không chịu giải
tiếp bài toán vì cho rằng nó quá khó, hoặc bạn bắt quả tang cô bé chơi trò chơi
điện tử mà không được phép... Những cảm xúc của bạn dành thế thượng phong và bạn
phản ứng lại trong giận dữ, hoặc cao giọng, hoặc đưa ra hình phạt khắt khe. Có
thể bạn không có thói quen kỷ luật thô bạo - ngược lại bạn là người rất hiền từ
- nhưng những phản ứng giận dữ bốc đồng đôi khi có thể chiếm thế thượng phong.
Đôi lúc khó có thể
tránh được những phản ứng giận dữ như thế, bởi vì chúng ta là con người và bị cảm
xúc chế ngự. Nhưng đây là điều có thể học cách để tránh và cố gắng vượt qua để
chúng ta có thể chắc chắn rằng hình thức kỷ luật được chúng ra đưa ra là vì
tình yêu và được thôi thúc bởi tình yêu.
Dưới đây là một số cách
cụ thể bạn có thể áp dụng khi đối mặt với những cảm xúc giận dữ. Bạn không cần
phải áp dụng tất cả những cách này trong bất cứ tình huống nào - có rất nhiều
cách bạn có thể áp dụng và dùng chúng một cách khôn ngoan:
* Giận dữ là một phản ứng
tự nhiên tức thì, vì thế, có thể tránh được những phản ứng giận dữ đơn giản bằng
cách kiềm chế phản ứng lại của bạn. Hãy ngừng lại ít phút và xin Chúa giúp bạn
bớt giận và thay thế những cảm xúc tiêu cực của bạn bằng tình yêu và Thần Khí của
Ngài.
* Hãy để cho trẻ ngồi ở
nơi mà chúng có thể thinh lặng để suy ngẫm về hành động của chúng trong lúc bạn
dành thời gian tập trung suy nghĩ. Việc này có thể áp dụng với những đứa trẻ
còn khá nhỏ và tốt cho việc dạy dỗ chúng. Đôi lúc, bạn không chắc phải hành động
thế nào, vì thế, việc cho trẻ ít phút suy nghĩ lại cũng sẽ cho bạn cơ hội cầu
nguyện và lắng nghe từ Chúa. Bạn sẽ bình an hơn rất nhiều với bất cứ điều gì
Chúa chỉ cho bạn hơn là bạn vội vàng có những hành động theo ý mình.
* Đôi khi, có thể có
ích nếu bạn thành thật trò chuyện với trẻ về những cảm xúc của bạn. Nói cho trẻ
biết bạn rất buồn vì trẻ không vâng lời hoặc cư xử không tốt, và bạn cần thời
gian để cầu nguyện, xin Chúa soi sáng trước khi bàn luận vấn đề với trẻ. Trong
lúc cầu nguyện, bạn có thể yêu cầu trẻ ở một mình và thinh lặng, trong lúc bạn
cầu nguyện và đón nhận sự điềm tĩnh nơi tinh thần và tình yêu từ Chúa.
* Nếu có thể, nhờ ai đó
(một người thích hợp) trò chuyện và sửa dạy con bạn nếu bạn cảm thấy mình không
thể xử lý tình huống một cách bình tĩnh và trong yêu thương.
* Trước khi đưa ra hình
phạt, hãy dành ít phút để nghĩ về 2 hoặc 3 việc con của bạn đã làm tuần trước,
những việc tích cực và khiến bạn tự hào. Điều này sẽ giúp bạn tập trung vào những
đức tính tốt của trẻ hơn là chỉ nghĩ về hành động tiêu cực vừa xảy ra, và giúp
bạn thực hiện việc kỷ luật với lòng yêu thương hơn và kiên nhẫn hơn.
* Hãy cùng cầu nguyện với
trẻ. Việc cầu nguyện cùng nhau sẽ giúp cả hai gắn bó với nhau hơn và có được sự
bình an hơn.
* Hãy nghĩ đến tình yêu
Thiên Chúa dành cho con cái bạn và ơn gọi mà Ngài đã trao cho bạn khi để bạn dạy
dỗ chúng. Như thế, chỉ dẫn của bạn là nhằm dạy dỗ chúng, chứ không phải trừng
phạt chúng về điều gì đó khi chúng làm phiền lòng bạn hoặc người khác. Bạn sẽ
có thể nhìn thấy bức tranh toàn cảnh hơn, thay vì chỉ tập trung vào vấn đề tức
thì.
* Nếu những hành vi cư
xử không tốt buộc bạn phải có phản ứng tức thì, đặt biệt đối với những đứa trẻ
nhỏ tuổi hơn, luôn có thể và vẫn nên hành động trong thái độ bình tĩnh.
Hãy nhìn vào tâm hồn của
con cái thay vì chỉ chú ý đến những lỗi lầm của chúng và những điều chúng làm
khiến bạn giận dữ. Hãy đừng chỉ nhìn những vấn đề hiện tại của chúng, mà hãy hiểu
lòng chúng và lòng bạn. Hãy nghĩ về tình yêu mà Thiên Chúa ban cho bạn để bạn
yêu thương chúng và tình yêu này sẽ mạnh mẽ hơn tất cả những gì thuộc về tự
nhiên và thậm chí là những cảm xúc tiêu cực mà bạn đang trải qua. Hãy thử! Hãy
cố gắng!
Làm dịu cơn giận của bạn
Bạn cảm thấy thế nào
khi ai đó có quyền hành hơn bạn nổi giận và hét vào mặt bạn? Có thể bạn cảm thấy
rất lúng túng và bị xúc phạm. Nếu có thêm ai đó chứng kiến cảnh này, bạn sẽ cảm
thấy vô cùng xấu hổ. Lúc ấy, có thể bạn thực hiện ngay những gì cấp trên muốn bạn
làm, nhưng bạn xem thường, thậm chí là ghét người ấy, vì họ đã làm bạn xấu hổ.
Về mặt này, trẻ con
không khác gì người lớn. Chúng không muốn bị xem thường hoặc không được tôn trọng,
đặc biệt là trước mặt người khác.
Sẽ là tốt nhất nếu bạn
kịp thời kiềm chế trước khi bạn giận dữ và cảm thấy muốn hét lên. Dưới đây là
vài gợi ý:
* Nếu lần đầu hoặc lần
thứ hai con bạn không chú ý những gì bạn nói, hãy thử thấp giọng thay vì cao giọng.
Hãy đến gần trẻ, nhìn thẳng vào mắt trẻ và nhỏ nhẹ nói những gì bạn muốn nói.
* Hoặc bạn có thể thử
phương pháp im lặng. Chỉ đến bên, đứng cạnh trẻ và không nói gì cho đến khi trẻ
quay sang và nhìn bạn. Khi bạn có được sự chú ý hoàn toàn của trẻ, hãy đưa ra lời
yêu cầu. Đôi khi, chỉ việc đặt nhẹ tay vào lên vai trẻ và chờ đợi cũng khiến trẻ
chú ý.
* Một khi bạn có được sự
chú ý của trẻ, hãy đưa ra yêu cầu một cách rõ ràng và kiên quyết. Và rồi hãy chắc
chắn rằng bạn theo dõi để biết trẻ làm theo những gì bạn muốn. Khi bạn làm như
thế, bạn có thêm được sự phục tùng của trẻ mà không hề có những tác dụng phụ có
hại nào. Và bạn sẽ cảm thấy tốt hơn rất nhiều khi cơn giận của bạn dịu xuống.
An Nhiên
Nguồn: menchuayeunguoi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét