TẠI HAVANA, ĐỨC THÁNH CHA HÙNG HỒN BẢO VỆ GIÁO HỘI VÀ QUYỀN TỰ
DO TÔN GIÁO
Trước hàng trăm ngàn người
tụ tập tại Quảng trường Cách mạng Havana, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ vào
lúc 9g sáng. Ngài đã hùng hồn bảo vệ Giáo Hội và quyền tự do tôn giáo. Dưới đây
là bản dịch toàn bộ bài giảng của ngài.
Anh chị em thân mến,
"Đáng Chúc Tụng
thay danh Ngài, Lạy Chúa.. Danh Ngài thật chí thánh, chí tôn" (Dan 3:52).
Bài thánh ca chúc tụng Chúa này từ Sách Daniel vang vọng ngày hôm nay trong phụng
vụ của chúng ta, mời gọi chúng ta liên lỉ chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa. Chúng
ta là một phần của một đại ca đoàn ca ngợi Chúa không ngừng. Chúng ta tham gia
vào dàn hòa tấu tạ ơn, cống hiến vui tươi và tự tin tiếng hát của mình để tìm
cách củng cố hành trình đức tin trong yêu thương và sự thật.
"Chúc tụng Thiên
Chúa" là Đấng đã tập hợp chúng ta tại quảng trường lịch sử này để chúng ta
hội nhập trong Ngài sâu sắc hơn. Tôi cảm thấy niềm vui lớn lao được hiện diện nơi
đây với anh chị em ngày hôm nay để cử hành Thánh Lễ trong Năm Thánh mừng kính Đức
Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng.
Tôi nhiệt thành chào
đón Đức Hồng Y Jaime Ortega y Alamino, Tổng Giám Mục Havana, và tôi cám ơn ngài
về những lời tốt đẹp mà ngài đã gửi đến tôi thay mặt anh chị em. Tôi cũng gởi lời
chào nồng nhiệt đến các Hồng Y và Giám Mục anh em của tôi ở Cuba và từ các nước
khác, những người mong muốn được hiện diện trong lễ kỷ niệm long trọng này. Tôi
cũng gởi lời chào các linh mục, chủng sinh, tu sĩ nam nữ, và tất cả anh chị em
giáo dân đang tụ họp ở đây, cũng như các cấp chính quyền dân sự, những người muốn
tham gia với chúng tôi.
Trong bài đọc thứ nhất
hôm nay, ba người thanh niên đã bị vua Babylon bách hại đã chọn chịu thiêu sống
đến chết hơn là phản bội lại lương tâm và đức tin của họ. Họ có được sức mạnh để
"tạ ơn, tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa" trong niềm xác tín rằng
Chúa của vũ trụ và lịch sử sẽ không bỏ rơi họ trong sự chết và hủy diệt. Quả thật,
Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con cái của Ngài, Ngài không bao giờ quên họ.
Ngài ngự trên chúng ta và có thể cứu chúng ta bằng quyền năng của Ngài. Đồng thời,
Ngài cũng gần gũi với dân Ngài, và qua Đức Giêsu Kitô, Ngài đã muốn cư ngụ giữa
chúng ta.
"Nếu các con tuân
giữ lời Thầy, các con thật sự là môn đệ của Thầy, và các con sẽ nhận ra sự thật,
và sự thật sẽ giải thoát các con" (Ga 8:31). Trong trình thuật Tin Mừng
hôm nay, Chúa Giêsu tỏ mình ra như là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ, là Đấng tự
mình có thể chỉ cho chúng ta sự thật và ban cho chúng ta tự do đích thật. Giáo
huấn của Ngài gây ra chống đối và hoang mang trong số những người nghe Ngài, và
Ngài cáo buộc họ tìm kiếm lý do để giết Ngài, ám chỉ đến sự hy sinh cao cả trên
Thánh Giá đã gần kề. Mặc dù vậy, Ngài khuyến khích họ hãy giữ lời Ngài để nhận
biết sự thật là điều đem lại ơn cứu chuộc và ơn công chính hóa.
Sự thật là ao ước của
con người. Tìm kiếm sự thật luôn luôn đòi hỏi phải có tự do đích thực. Nhiều người,
không chút nghi ngờ, muốn chọn đường tắt dễ đi, cố gắng hết sức để tránh công
việc này. Một số, như quan Phongxiô Philatô, mỉa mai ngay cả khả năng có thể nhận
biết sự thật (x. Ga 18:38), trong khi bác bỏ khả năng nhận ra sự thật hay phủ
nhận rằng chẳng tồn tại một chân lý nào có giá trị chung cho tất cả mọi người.
Thái độ này, như trong trường hợp của thuyết hoài nghi và thuyết tương đối,
thay đổi con tim họ, làm cho họ hững hờ, hay dao động, xa cách những người khác
và đóng kín. Có quá nhiều người, giống như viên tổng đốc La Mã, đã rửa tay và để
dòng chảy của lịch sử trôi qua mà không có một lập trường nào.
Mặt khác, có những người
lý giải sai lầm việc tìm kiếm sự thật, dẫn họ đến thái độ phi lý và cuồng tín,
họ đóng mình trong "sự thật của họ", và cố gắng áp đặt nó trên người
khác. Đây là trường hợp của các thầy thông giáo mù lòa, khi thấy Chúa Giêsu bị
đánh đập tàn bạo và đẫm máu, còn hét toáng lên, "đóng đinh nó đi!"
(X. Ga 19:06). Bất cứ ai hành động phi lý không thể trở thành một môn đệ của
Chúa Giêsu. Đức tin và lý trí là cần thiết và bổ sung cho nhau trong việc tìm
kiếm chân lý. Thiên Chúa tạo ra con người với một ơn gọi bẩm sinh là tìm kiếm sự
thật và vì thế Ngài ban cho con người lý trí. Chắc chắn rằng đức tin Kitô được
đề cao không phải vì sự phi lý nhưng chính vì niềm khao khát chân lý. Mỗi người
nam nữ phải tìm kiếm sự thật và lựa chọn sự thật khi họ tìm được, thậm chí nếu
có phải mất mạng sống mình đi chăng nữa.
Hơn nữa, sự thật khách
quan vượt lên trên nhân loại là một điều kiện không thể thiếu để đạt được tự
do, vì trong sự thật chúng ta khám phá ra nền tảng của một nền đạo đức trên đó
tất cả có thể hội tụ, trong đó có những chỉ dẫn rõ ràng và chính xác liên quan đến
cuộc sống và cái chết, nhiệm vụ và quyền hạn, hôn nhân, gia đình và xã hội, nói
tóm lại là liên quan đến phẩm giá bất khả xâm phạm của con người. Di sản đạo đức
này có thể làm xích lại những nền văn hóa, các dân tộc và tôn giáo khác nhau,
chính quyền và công dân, giữa công dân với nhau, và giữa các tín hữu Kitô và những
người vô thần.
Kitô giáo, khi đề cao
những giá trị xiển dương đạo đức, không áp đặt, nhưng đề xuất lời mời gọi của
Chúa Kitô để nhận biết sự thật giải thoát chúng ta. Người tín hữu được mời gọi
để đưa ra sự thật cho những người đương thời với mình, như Chúa Kitô đã làm,
ngay cả trước bóng đen chập chờn của khước từ và Thánh Giá. Cuộc gặp gỡ cá vị với
Đấng là Chân Lý thúc đẩy chúng tôi chia sẻ kho tàng này với người khác, đặc biệt
qua chứng tá của mình.
Anh chị em thân mến, đừng
ngần ngại theo Chúa Giêsu Kitô. Trong Người chúng ta tìm thấy sự thật về Thiên
Chúa và về nhân loại. Ngài giúp chúng ta vượt qua tính ích kỷ của mình, vượt
lên trên những cuộc đấu tranh vô ích của chúng ta và thắng vượt những gì áp chế
chúng ta. Kẻ gian ác, tội lỗi, trở thành nô lệ của sự dữ và sẽ không bao giờ đạt
được tự do (x. Ga 08:34). Chỉ bằng cách từ bỏ hận thù và từ bỏ con tim chai cứng
và mù lòa của chúng ta, thì chúng ta mới được tự do và một cuộc sống mới sẽ vươn
lên trong chúng ta.
Khi xác tín rằng Chúa
Kitô là đường lối thực sự của con người, và nhận ra rằng trong Người chúng ta
tìm được sức mạnh cần thiết để đối mặt với mọi thử thách, tôi muốn tuyên bố
công khai rằng Chúa Giêsu Kitô là con đường, là sự thật và là sự sống. Trong Người
tất cả mọi người sẽ tìm thấy tự do hoàn toàn, sẽ thấy ánh sáng để hiểu thực tại
một cách sâu sắc nhất và chuyển hóa nó bằng sức mạnh canh tân của tình yêu.
Giáo Hội tồn tại là để
chia sẻ cho những người khác những gì Giáo Hội sở hữu, đó không gì khác hơn là
Chúa Kitô, là niềm hy vọng vinh quang của chúng ta (x. Col 1:27). Để thực hiện
nhiệm vụ này, Giáo Hội cần phải có tự do tôn giáo cơ bản, trong đó bao gồm khả
thể công bố và cử hành đức tin của mình cả ở nơi công cộng, mang đến cho người
khác thông điệp của hòa giải, tình yêu và sự bình an mà Chúa Giêsu mang đến cho
thế giới. Thật là vui mừng là ở Cuba các bước khởi đầu đã được thực hiện để
giúp cho Giáo Hội thực hiện sứ vụ thiết yếu của mình là thể hiện đức tin một
cách cởi mở và công khai. Tuy nhiên, điều này phải được tiếp tục mạnh mẽ hơn nữa,
và tôi muốn khích lệ các giới chức thẩm quyền của quốc gia này hãy tăng cường
những gì đã đạt được và tiến bước theo con đường phục vụ thực sự cho thiện ích
chân thật của toàn thể xã hội Cuba.
Quyền tự do tôn giáo, cả
trong chiều kích cá nhân và công cộng, biểu hiện sự hiệp nhất của con người
nhân bản, vừa là một công dân và đồng thời là một tín hữu. Nó cũng nhìn nhận về
mặt pháp lý một thực tế là các tín hữu có nhiều đóng góp xây dựng xã hội. Tăng
cường tự do tôn giáo củng cố những mối giây liên kết xã hội, nuôi dưỡng niềm hy
vọng về một thế giới tốt đẹp hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho hòa bình và phát
triển hài hòa, trong khi cùng lúc thiết lập nền móng vững chắc để đảm bảo quyền
lợi của các thế hệ tương lai.
Khi Giáo Hội đề cao
nhân quyền này, Giáo Hội không yêu cầu bất kỳ ưu đãi đặc biệt nào cho mình.
Giáo Hội chỉ muốn được trung thành với lệnh truyền của Đấng thiêng liêng sáng lập
ra mình, với ý thức rằng, nơi đâu Chúa Kitô hiện diện, nơi đó chúng ta trở nên
nhân bản hơn và tình nhân loại của chúng ta trở nên chân thực. Đây là lý do tại
sao Giáo Hội tìm kiếm cơ hội để đưa ra chứng tá qua lời rao truyền và giảng dạy
của mình, cả trong các lớp giáo lý và trong các trường học và các trường đại học.
Thật là vui mừng để hy vọng rằng thời điểm này sẽ sớm xảy ra ngay cả ở đây khi
Giáo Hội có thể mang đến cho các lĩnh vực kiến thức những lợi ích của sứ mạng
mà Chúa đã ủy thác cho Giáo Hội và Giáo Hội không bao giờ dám xao nhãng.
Một tấm gương sáng của
dấn thân này được tìm thấy nơi linh mục xuất sắc Félix Varela, một giáo viên và
là một nhà giáo dục, một người con ưu tú của thành phố Havana này, là người đã
chiếm một chỗ đứng trân trọng trong lịch sử Cuba như một trong những người đầu
tiên đã dạy đồng bào của mình phương pháp tư duy khoa học. Cha Varela vạch ra
cho chúng ta một con đường chuyển biến xã hội thực sự để hình thành những người
nam nữ đức hạnh nhằm kiến tạo một quốc gia xứng đáng và tự do, vì sự chuyển hóa
này đòi buộc phương diện siêu nhiên đến mức là "không có quê hương đích thực
nếu không có đức hạnh" (Thư cho Elpidio, Thư 6, Madrid năm 1836 Madrid,
220). Cuba và thế giới cần thay đổi, nhưng điều này chỉ xảy ra khi mỗi người sẵn
sàng tìm kiếm sự thật và chọn con đường của tình yêu, gieo rắc hòa giải, và
tình huynh đệ.
Khi kêu cầu sự phù trì
từ mẫu của Mẹ Maria Chí Thánh, chúng ta hãy khẩn cầu để mỗi khi chúng ta tham dự
Thánh Thể, chúng ta trở nên chứng nhân cho lòng bác ái là điều đáp trả lại sự dữ
bằng điều thiện (x. Rom 12:51), và hiến dâng chúng ta như hy lễ sống động dâng
lên Đấng đã từ bỏ chính mình vì yêu thương chúng ta. Chúng ta hãy bước đi trong
ánh sáng của Chúa Kitô là Đấng duy nhất có thể phá hủy bóng tối của tội lỗi. Và
chúng ta hãy cầu xin Ngài rằng, với lòng can đảm và sức mạnh của các thánh,
chúng ta có thể, không sợ hãi, hận thù, nhưng tự do, quảng đại và bền đỗ đáp lại
lời mời gọi của Thiên Chúa. Amen.
J.B. Đặng
Minh An dịch
Nguồn:
VietCatholic
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét