GIÀU CÓ VÀ NƯỚC TRỜI
Tiền bạc, của cải vật chất đã ngấm vào xương
thịt con người vì nó hấp dẫn lắm. Một đứa bé chưa đi học đã biết phân biệt đồng
tiền lớn với đồng tiền nhỏ. Cụ già mù chữ lấy tay rờ rờ mà cũng phân biệt được
các loại tiền!
Chúng ta đang sống trong thời đại kinh tế thị
trường và nền văn minh hưởng thụ, xu hướng con người thích có nhiều tiền bạc,
của cải để tiêu xài vì có tiền mua tiên cũng được. Tiền là tiên là Phật, là sức
bật của tuổi trẻ.... Tiền của có một sức mạnh ghê gớm như vậy. Nó len lỏi vào
mọi lãnh vực, kể cả lãnh vực thánh thiêng nhất của nhà đạo. Người ta giải quyết
mọi vấn đề bằng thủ tục đầu tiên thủ tục tiến dần vì đồng tiền liền khúc ruột.
Chúa Giêsu rất có kinh nghiệm về tiền của Ngài
chủ trương sống khó nghèo. Nhưng Chúa Giêsu cũng cần tiền để nộp thuế cho đền
thờ. Lúc đi rao giảng Tin mừng cũng có mấy phụ nữ là Maria Mácđala, Gioanna,
Susanna lấy tiền của mình giúp đỡ Chúa. Ngài lại dạy các môn đệ đừng sắm tiền
của dắt lưng. Còn Giuđa vì tham tiền đã bán Chúa 30 đồng bạc.
Thánh Phaolô nói: Đức Giêsu vốn giàu có đã trở
nên nghèo khó để chúng ta được giàu có. Bản chất tiền của không xấu cũng không
tốt. Tốt xấu là do người sử dụng nó. Tiền bạc là ông chủ xấu, là đầy tớ tốt, là
phương tiện chứ không phải là mục đích.
Thiên Chúa đặt chúng ta làm ông chủ, làm người
quản lý tiền của, mọi sự thay cho Chúa. Mà giữ của thì không khó, cho của thì
khó lắm. Người bạn trẻ trong Tin mừng, Chúa Giêsu bảo anh ta bán của cải đi cho
người nghèo, anh ta buồn rầu bỏ Chúa mà đi.
Chúng ta cũng nhận thấy mình có thể sẵn sàng
theo đạo, tin theo Chúa nhưng miễn là đừng bị thiệt thòi, mất mát, đừng phải từ
bỏ gì cả. Chúng ta cũng có thể giữ mọi luật đạo nghiêm chỉnh nhưng không sống
bác ái thương người cụ thể. Tiện nghi, của cải vật chất luôn là cạm bẫy gìm
chân chúng ta, thậm chí khóa cửa lòng và vùi dập tiếng luơng tâm của người kitô
hữu. Thực tế, của cải tiền bạc làm người ta sáng mắt ra nhưng cũng làm chúng ta
mờ mắt đi nếu không biết sử dụng nó. Nhiều vụ tuyên án, kết án được giảm án
hoặc trắng án vì được giải quyết bằng tiền bạc, nhất là tội nhân lại là cỡ tai
to mặt lớn, con ông cháu cha. Chẳng qua vì lòng người đã quá gắn bó với tiền
của. Như người giàu không dứt ra, không thoát khỏi sự nô lệ với của cải. Thánh
Phaolô nói: "cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc"
(1Tm 6,10). Thật vậy, người ta không thể vừa làm tôi hai chủ hoặc ghét chủ này
và khinh chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của
được. Đó là một sự thật, nhưng chúng ta khó dứt khoát được. Dĩ nhiên, tiền bạc
của cải tự nó có giá trị riêng, làm cho cuộc sống được thăng tiến, phẩm giá con
người được tôn trọng hơn,...Đạo công giáo không chủ trương sống nghèo khổ, rách
rưới, khinh bỉ tiền của. Chúa cũng muốn chúng ta làm ăn có của cải để bảo đảm
cuộc sống nhưng Ngài cũng dạy phúc cho ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời
là của họ và hãy dùng tiền của bất chính mà mua lấy bạn hữu. Và nếu như, Chúa
cần chúng ta một sự từ bỏ để tìm, cứu, chiếm hữu thứ giá trị vượt trên tiền của
thì chúng ta phải đáp trả ngay.
Chúng ta đã thấy thái độ của một số người giàu
có được nói trong Tin mừng như: Giakêu, Lêvi, Maria Mađalêna đã làm họ thay đổi
đời sống cũng như nhiều vị thánh đã xuất thân từ gia đình trưởng giả, giàu có.
Ở Hàn quốc, muốn cưới vợ thì chàng phải có 3
chìa khoá: chìa khóa xe hơi, khóa nhà, khóa hòm tiền ở ngân hàng. Ba chiếc chìa
khoá đều liên quan đến tiền. Người kitô hữu còn có thêm chìa khoá thứ 4 là chìa
khoá mở lòng người. Mở được cửa lòng thì tất cả cánh cửa kia sẽ được mở. Trước
hết hãy mở lòng mình.
Điều lạ thường, nghịch lý trong Tin mừng Đức
Giêsu là: ai bỏ thì được, ai giữ thì mất. Bỏ tiền của, thời giờ, ý riêng, gia
đình, ruộng vườn, vỵ con. Nếu chúng ta chỉ bỏ những cái thừa thãi, chán chê thì
đâu có giá trị gì.
Đức Giêsu đã từng kết án những người giàu có vì
họ khoe khoang, kiêu căng, tự mãn, ích kỷ, khinh người, lo hưởng thụ mà quên
anh chị em đói nghèo, thiếu thốn; hoặc nhìn người khác bằng nửa con mắt. Ngược
lại, Chúa cũng đã khen ngợi, chấp nhận, cộng tác với những người có của cải vì
họ có lòng quảng đại với Chúa và với anh chị em. Hôm nay, vẫn có những loại
người giàu có ấy chung quanh ta:
Một loại giàu có rất dễ dãi trong việc sử dụng
tiền của vào những việc: ăn chơi, phung phí, rượu chè, cờ bạc, hút chích, phá
phách, sa đoạ, mua sắm quá mức, trang điểm không cần thiết. Báo chí đăng tải
một cô dâu bên Nhật, áo cưới có gắn 2000 viên ngọc, 65 viên kim cương trị giá
khoảng 32000 cây vàng. Một người khác kể nhà họ làm rèm cửa trang trí hết 25
triệu!
Một loại giàu có chuyên lo việc từ thiện, bác
ái, xây dựng nhà thờ, trường học, bệnh viện, việc truyền giáo, giáo dục,...đó
là những người biết làm giàu trước mặt Thiên Chúa. "Anh em hãy tích trữ
cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp
không đào ngạch và lấy đi được" (Mt 6, 20). Nếu như người giàu có biết lo
tích trữ, gửi tiền của vào ngân hàng trần thế, phải chi họ cũng biết gửi vào
ngân hàng trên trời bằng lòng quảng đại bác ái của họ thì tốt biết chừng nào,
không bị Chúa kết án.
Đành rằng lòng dính bén với của cải rất mạnh nơi
chúng ta, vì của ngươi ở đâu lòng ngươi ở đó nhưng đừng quên Lời Chúa dạy người
ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn phải nhờ mọi Lời do miệng Thiên Chúa
phán ra".
Sự thách đố của Lời Chúa giúp cho mỗi người
chúng ta nhìn lại thái độ và cách sử dụng của cải vật chất của chúng ta đối với
Chúa, đối với tha nhân. Đó cũng là lời mời gọi chúng ta có cái nhìn và biết
phân biệt hạnh phúc trần gian và hạnh phúc Nước Trời mai sau. Đồng
thời luôn biết cảnh giác về tiền của đừng để nó điều khiển, chi phối đời sống
đạo của chúng ta mà làm ngơ, hoặc không nghe được tiếng gọi, yêu cầu của Chúa
của tha nhân đang cần chúng ta giúp đỡ.
Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn
(Nguồn: thanhlinh.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét