CẢM NHẬN VỀ SỨ ĐIỆP TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI LẦN THỨ 46
CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI
( Lễ Chúa Thăng Thiên, Chúa Nhật ngày 20 tháng 5 năm 2012 )
Ngày hôm nay chúng ta đang sống trong một thế giới tràn ngập đủ loại âm thanh. Có những âm thanh đem lại sự êm dịu trong cuộc sống: tiếng chảy của dòng suối, tiếng reo của hàng dương, sự hài hoà trong một bản nhạc, … nhưng cũng có âm thanh gây khó chịu như: tiếng còi xe, tiếng bom nổ, tiếng chửi rủa của người hàng xóm,…. Và không phải chỉ có âm thanh đến từ bên ngoài mà còn có thứ xuất phát từ nội tâm: đó là những cám dỗ, ước muốn, và những đam mê; tất cả tạo nên những rào chắn làm chúng ta dần mất đi sự quân bình trong cuộc sống. Những âm thanh đó đã nối liền và cung cấp cho chúng ta những thông tin về cuộc sống xung quanh. Những thông tin này giúp ta hiểu rõ những sự kiện xảy ra, nhưng cũng đôi khi gây cho ta những hoang mang và lo lắng. Xin nhắc lại một câu chuyện sau:
Một hôm, khi thấy chú cọp xuất hiện, các chim chóc trong rừng đều kêu thét om sòm. Con cóc đang nằm trong hang thấy thế cũng rít lên. Thấy vậy, chú quạ liền hỏi các bầy chim:
- Con cọp đi dưới đất, các chú ở trên cao, nó làm gì được các chú mà các chú la ầm lên thế?
Một vài chú chim trả lời:
- Chúng tôi nghe nói khi loài cọp gầm rống lên thì bão tố có thể kéo tới làm hư những cái tổ của chúng tôi, nên chúng tôi phải la hét như thế để đuổi nó đi.
Chú quạ nói:
- Thôi cũng được đi.
Rồi chú quạ quay lại hỏi chú sóc:
- Chú ở trong hang, bão tố làm gì được chú mà chú phải la?
Chú sóc trả lời:
- Tôi biết gì đâu, tôi nghe bầy chim la thì tôi cũng la, chỉ có thế thôi.
Câu chuyện nói lên rằng tất cả các nhân vật trong đó đều không nhận ra bản chất thật của sự việc, mà chỉ dựa vào những thông tin thiếu chính xác và sự phỏng đoán của mình. Những nguồn thông tin khổng lồ mà ta nhận được mỗi ngày đã làm ta hoang mang và bối rối, vì không thể nhận ra đâu là sự thực. Nếu không có thời gian suy nghĩ, chúng ta dễ dàng trở nên những nạn nhân của chính lượng thông tin khổng lồ này.
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội lần thứ 46 đã hướng dẫn ta trong trường hợp này. Sứ điệp này khuyên chúng ta hãy tìm về sự thinh lặng để loại bỏ những thông tin không cần thiết, qua đó nhận ra những điều tối cần cho chúng ta. Khi thinh lặng suy nghĩ, chúng ta sẽ tìm ra điều gì là căn bản trong cuộc sống. Tìm trở về với chính mình trong sự thinh lặng, chúng ta có thể giữ cho mình không còn bị khắc chế bởi tâm vọng động. Tuy vậy, Sự thinh lặng mà Đức Thánh Cha nói đến ở đây không chỉ là im lặng, mà còn phải biết lắng nghe và thông cảm với tha nhân.
Thinh lặng còn giúp chúng ta tạo sự công bằng trong khi tranh luận với người khác. Nó giúp ta tìm ra những điểm sai trong lập luận của chính mình. “Trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần” - đó là lời răn của người xưa nhằm nhắc nhở chúng ta trước khi nói một điều gì phải suy nghĩ thật chín chắn, và thấu đáo. Khoảng thời gian suy nghĩ đó giúp chúng ta có thể lắng nghe người khác và hiểu rõ vấn đề mà chúng ta sắp nói hơn. Đặc biệt, với những người đem Lời Chúa đến cho người khác thì cần phải lắng nghe nhiều hơn. Vậy chúng ta đã thấy, trở ngại đầu tiên của sự thinh lặng không phải là môi trường chung quanh mà chính là bản thân con người của ta.
Muốn khắc chế được trở ngại đó, ta cần phải học gương thinh lặng của các thánh. Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu, suốt đời ẩn tu nhưng đã trở nên bổn mạng của các xứ truyền giáo. Đức Mẹ Maria trong tiếng ca mừng Chúa giáng sinh chỉ im lặng suy nghĩ và ghi nhớ sự kiện đó trong lòng. Nhưng thật ra sự thinh lặng không phải là dấu chỉ của sự vắng mặt. Khi kêu cầu chúng ta thường có cảm giác là Chúa đang im lặng, nhưng chúng ta phải hiểu rằng Thiên Chúa luôn hiện diện và lắng nghe chúng ta; cả trong những đêm đen của khổ đau, cô đơn và bị khước từ. Thinh lặng đích thực là được cư ngụ bình an trong nội tâm, chính tại nơi đó ta sẽ được đối thoại với Thiên Chúa Tình Yêu và Đấng ấy sẽ giúp chúng ta có được mối tương quan tốt với mọi người chung quanh. Như vậy, sự thinh lặng sẽ giúp chúng ta cởi bỏ những toan tính ích kỷ và vươn tới những điều thiện hảo.
Để kết thúc bài viết này, xin dẫn ra một câu chuyện nhỏ sau đây:
Một cụ già có thói quen ngồi bất động hằng giờ ở cuối nhà thờ. Một ngày nọ, cha xứ hỏi cụ là Chúa đã nói gì với cụ. Cụ trả lời:
- Thưa cha, Chúa chả nói gì cả, Ngài chỉ nghe con.
- Vậy à? Thế thì cụ nói gì với Chúa?
- Dạ, con cũng chẳng nói gì, con chỉ nghe Chúa!
Hoài Bão
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét