Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

BÀI VIẾT


SỰ CHẾT – DẤU CHỈ NHẬP THỂ TRONG KHIÊM HẠ


Ki-tô hữu là người nhập thế và nhập thể. Cả cuộc sống của họ là diễn tả mối tương quan với vũ trụ vạn vật và Thiên Chúa.
Được sinh ra trong trần gian với tư cách là một con người mang trong mình những phẩm giá cao cả để Thiên Chúa được vinh quang. “Vinh quang Thiên Chúa là con người được sống” (thánh Irênê). Sự hiện diện của chúng ta qua việc nhập thể hàm chứa một nội dung rất lớn. Nó nhằm diễn tả khuôn mặt Thiên Chúa vô hình (St 1, 26).
Thực tế người Ki-tô hữu khi thực hiện cuộc lữ hành trên trần gian là diễn tả niềm tin sống động bằng cuộc đời mình cho tới giây phút lìa đời. Cách thức diễn tả này nằm trọn vẹn trong tư cách làm người và chóp đỉnh là thái độ vâng phục thánh ý Thiên Chúa cách tuyệt đối. Không ai được quyền miễn trừ cho mình những tiêu chuẩn khách quan về tư cách làm người và càng không được phép miễn trừ luật chi phối của sự chết. Đây là những yếu tố cấu thành cuộc đời người Ki-tô hữu mà cũng nhờ đó mà ý nghĩa cuộc đời họ mang một giá trị lớn lao. Chẳng ai muốn sống cho ra người mà lại bỏ tất cả những yếu tố ấy. Dầu chỉ về một cuộc sống tốt đẹp, thánh thiện cũng được đánh giá qua những yếu tố đó.
Khi người ta đón nhận sự chết trong chiều hướng của một trật tự được an bài và họ cố gắng hết mình để tuân theo, thì đúng là một người đã diễn tả được cuộc nhập thể của mình trong sự khiêm hạ. Bởi khi nói chúng ta đang sống có nghĩa là trước đó mình đã được sinh ra, và trước khi mình được sinh ra thì đã có Thiên Chúa an bài xếp đặt. Sự khiêm hạ chính là ở chỗ họ biết nhìn nhận mình bị lệ thuộc, bị chi phối và phải tuân phục Thiên ý. Cả kiếp sống làm người không được đi ra ngoài quĩ đạo ấy. Ngay cả từng hành vi nhỏ nhặt trong đời thường cũng thế, bao lâu chưa kết thúc bằng sự chết. Như là những cuộc chất vấn thường xuyên bắt con người phải mặc lấy những tâm tình và thái độ sống của kẻ khiêm hạ khi họ phải đối diện với tha nhân, với xã hội, với quyền lực, với luật lệ, với Đấng Tạo Hóa. Dấu chỉ của kẻ làm người trong khiêm hạ cuối cùng được dừng lại đúng mức khi  biết khuất phục Thiên Chúa trong sự chết cá nhân. Sự chết ấy đã được hình thành từ những tâm tình và thái độ sống khiêm hạ trước đó vì khiêm nhường là biết hy sinh, chịu đựng, đón nhận, phó thác, vâng phục. Và đỉnh cao của sự khiêm nhường là tự hủy mình ra không. Còn ai khiêm nhường hạ mình bằng Thiên Chúa qua Đức Giê-su Ki-tô. Thánh Phao-lô đã nói: “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su:
Đức Giê-su Ki-tô
Vốn dĩ là Thiên Chúa
Mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
Địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
Mặc lấy thân nô lệ
Trở nên giống phàm nhân
Sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
Vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
Chết trên cây thập tự” (Pl 2, 5 – 8).
Đức Giê-su là người đã diễn tả một cách trọn vẹn nhất cuộc sống làm người của Ngài. Cuộc sống của Ngài ý nghĩa ở chỗ là tự hạ qua việc phục vụ hết mình, cúi xuống rửa chân cho môn đệ. Cuộc sống của Ngài có giá trị và giá trị tuyệt đối ở chỗ Ngài đã tự hủy mình ra không để nói lên sự vâng phục vô điều kiện thánh ý Cha.
Không một mẫu gương và chuẩn mực nào hoàn hảo và đáng giá bằng cuộc sống nhập thể của Đức Giê-su nữa. Trong đọan văn ngắn trên, thánh Phao-lô đã diễn tả được toàn bộ cuộc sống trần thế của Đức Giê-su với những nét cơ bản và quan trọng nhất.
Xem ra bài học của sự chết là nằm trong thái độ khiêm hạ. Và sự khiêm hạ ấy được diễn ra qua những dấu chỉ lớn nhỏ của đời sống nhập thể và nhập thế.
Biến cố sự chết đến với con người như một tiến trình thành nhân. Nói thế có vẻ nghịch lý, nhưng thực ra trong bản chất của nó muốn dẫn con người đến chỗ hạ mình dù ta chẳng muốn. Sự hạ mình này được thực hiện qua những sự rút tỉa dần dần tất cả những gì thuộc về con người : từ địa vị đến mạng sống. Khi đã bị trút bỏ như vậy, lập tức sự suy nghĩ của con người sẽ khác và chẳng còn cách nào khác nữa là họ phải khiêm hạ trước mặt tha nhân. Dĩ nhiên trước mặt Thiên Chúa thì chẳng còn gì để mà vênh vang nữa. Toàn bộ cái nhìn này cho ta sống cái thực tại của cuộc sống làm người một cách tích cực, không mâu thuẫn. Hơn thế nữa, sống và chết một cách ý nghĩa như  Đức Giê-su để Thiên Chúa được vinh quang.

Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn
Nguồn: menchuayeunguoi.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét